Sướng, khổ “với thú cưng“

Siêu âm cho cún
Siêu âm cho cún
TP - Gần đây, phong trào nuôi thú cưng trên Tây Nguyên phát triển rầm rộ, kéo theo nhiều dịch vụ ăn theo như trung tâm chăm sóc, phòng khám chuyên biệt, dịch vụ ký gửi, cửa hàng thức ăn, bảo mẫu, quần áo, phụ kiện làm đẹp... Chính điều đó tạo thêm thu nhập cho nhiều người, nhất là vào dịp lễ tết.

Thú chơi bạc triệu

Sống trong xã hội hiện đại, nhiều người thường xuyên đối mặt với nhiều áp lực. Họ ngột ngạt, căng thẳng, cần một “liều thuốc” giảm stress. Nhiều người thích chọn cho mình một vài con vật nhỏ xinh xắn, ngộ nghĩnh làm bạn. Tùy vào điều kiện, người nuôi chọn cho mình thú cưng phù hợp, từ vài chục nghìn đồng/con cho tới 1 triệu, vài triệu, thậm chí vài chục vài trăm triệu/con cũng có, phụ thuộc vào chủng loại, độ quý hiếm, số tuổi và sắc đẹp của chúng. Lọt vào tay các chủ yêu động vật, chúng được “nâng như trứng, hứng như hoa”, thậm chí được cưng chiều như tri âm, tri kỷ.

Bước vào quán cà phê trên đường Lê Duẩn, TP Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), tôi tình cờ gặp một chú chó ú tròn, lông trắng như tuyết, mắt màu xanh óng ánh như pha lê quấn quýt bên chủ nửa bước không rời. Lê la bắt chuyện, anh Nam - chủ nhân của “quý cô pha lê” cho biết: Đây là giống chó Samyoed, có nguồn gốc từ Siberia, được anh đưa về nuôi cách đây 2 năm trong một lần ra Bắc, giá gần10 triệu đồng. Giống chó này rất khó nuôi. Để chăm sóc nó cần có một khẩu phần ăn hết sức nghiêm ngặt. Ngoài ra còn phải chở “cục cưng” đi tiêm phòng và khám tổng quát định kỳ nữa. Nuôi chúng phải để mắt thường xuyên, sơ ý là bị cẩu tặc thuổng mất.

Không có nhiều tiền chơi thú cưng ngoại đắt tiền, bạn Trần Diệu An, sinh viên năm 3 trường Đại học Tây Nguyên chọn một chú mèo xinh xắn lên làm bạn trong quãng thời gian đi học. Hằng ngày, ngoài việc học, thời gian rảnh, An dồn hết vào chăm sóc, làm đẹp cho MiMum. Cô cho biết: “Nuôi để thịt thì dễ, chứ nuôi làm cảnh không đơn giản tí nào. Ngoài việc cho ăn đủ chất dinh dưỡng, định kỳ phòng bệnh, còn phải chi kha khá cho quần áo, dây đeo cổ, và các phụ kiện làm đẹp. Tuy tốn kém nhưng có “bạn nhỏ” ngày ngày quấn quýt, chia sẻ vui buồn, cô cũng vơi đi cảm giác nhớ nhà.

Sướng, khổ “với thú cưng“ ảnh 1 Đồ chơi, phụ kiện cho thú
Trào lưu nuôi thú cưng ở Đắk Lắk phát triển nhanh chóng và nở rộ từ đầu năm 2013. Những người yêu thích động vật đã lập ra “Hội yêu chó mèo BMT”, “Cộng đồng yêu chó mèo BMT”,… thu hút hàng nghìn thành viên tham gia. Hội thường tổ chức Offline giao lưu 1 lần/tuần, điểm hẹn thường ở Hoa viên thành phố hay tán cây xanh mát ở Bảo tàng tỉnh, tạo cơ hội cho đám thú yêu tìm kiếm bạn bè, và là dịp để các thành viên chia sẻ kinh nghiệm chăm sóc, nuôi dưỡng thú cưng. Chị Phạm Thị Thanh Thúy, Quản trị viên Hội chó - mèo BMT chia sẻ: “Mình mong muốn mọi người có cái nhìn và xúc cảm khác hơn về động vật nói chung và chó mèo nói riêng để từ đó hạn chế việc mua bán chó mèo giết thịt. Mục tiêu của hội là “Nói không với thịt chó, mèo!”. Chăm như “lá ngọc cành vàng”

Thú cưng có rất nhiều loại, nhưng phổ biến nhất trên cao nguyên vẫn là chó và mèo. Người tuổi trung niên thường chọn dòng chó Rottweiler, Becgiê, Husky, Ngao Tây Tạng, Chow Chow… Những loại này có chung đặc điểm to lớn, lì lợm, tính chiến đấu cao và rất trung thành với chủ. Ngược lại người trẻ thích chơi loại nhỏ nhắn, xinh xinh như dòng Cocker, Chihuahua, Fox, Samyoed, Toy Poodle… tiện cho việc dạo phố. Các loài mèo Albyssinian, Bristish Short-Hair, Burmese, Japanese Bobtail, Birman… cũng thịnh hành nhờ đặc tính hiền lành, thông minh, dễ thương. 

Đa phần các thú nuôi ở đây nhập từ Hà Nội, TP Hồ Chí Minh. Để thú luôn khỏe mạnh, sạch đẹp, chủ nhân của chúng thường đưa đến trung tâm chăm sóc chuyên nghiệp ít nhất 3 tháng/ lần. Tại đây, chúng được chăm bẵm bằng các dịch vụ cao cấp y như các “cậu ấm cô chiêu”. 

Ngoài các dịch vụ như: tắm, làm móng, cắt tỉa lông, vệ sinh tai, răng miệng; trung tâm, phòng khám thú y cũng được đầu tư trang thiết bị chẩn đoán hiện đại từ máy siêu âm, máy chụp X - quang, đến máy xét nghiệm máu để phục vụ tốt nhất các nhu cầu điều trị và phẫu thuật thẩm mỹ cho thú như: cắt đuôi, cắt tai, bó bột, mổ sỏi bàng quang, triệt sản đực cái, mổ lấy thai và các can thiệp ngoại khoa khi cần thiết. Giá các dịch vụ cũng khác nhau, tùy thuộc vào nhu cầu của khách hàng và tình trạng bệnh lý của thú cưng. Mức giá dao động từ vài chục nghìn đến vài trăm, có khi cả tiền triệu.

Mỗi thú cưng đến khám đều có sổ theo dõi sức khỏe định kỳ. Khi khám, tiêm chủng hay trị loại bệnh gì, bác sỹ đều ghi rõ ngày giờ, người điều trị vào sổ và lưu vào hồ sơ điện tử. Lần tái khám sau, chỉ cần nhập họ tên chủ nuôi, số điện thoại, lập tức mọi thông tin về nó hiện ra.

Sướng, khổ “với thú cưng“ ảnh 2 Vui đùa cùng thú cứng
Nắm bắt thị hiếu chơi thú cảnh, nhiều cửa hàng bày bán đồ ăn, quần áo, chuồng nuôi mọc lên ngày càng nhiều. Các loại thực phẩm cao cấp giàu dinh dưỡng như sữa, phomat, thịt, cá, dành riêng cho thú nuôi bán rất chạy, nhờ đặc tính an toàn, không tiềm ẩn mầm bệnh như thực phẩm tươi sống.

Chị Thắm, chủ cửa hàng bán đồ dùng thú nuôi cho biết: Quần áo, giày dép, trang sức, đồ chơi cho thú khá đa dạng, bắt mắt. Chúng vừa giữ ấm cơ thể, vừa tô thêm vẻ đẹp đáng yêu cho thú. Thời điểm giáp tết hoặc ngày lễ, khách tới rất đông, cửa hàng phải liên tục cập nhật mẫu mới cho kịp mốt.

Dịch vụ ký gửi, thuê bảo mẫu cho thú

Dịp lễ tết, chủ nuôi khá bận bịu. Sợ thú đổ bệnh, mất đẹp, chủ phải thuê người chăm. Có lúc bí người, vật nuôi đành rời nhà vào trung tâm ở tạm.

Anh Tý nhà ở Buôn Mê Thuột, chủ nhân một chú khỉ con cho biết: “Chú khỉ này rất thông minh lại hạp tuổi làm ăn với mình. Lúc nào làm việc mệt, mình ra cho nó ăn, đùa nghịch một lát là tinh thần sảng khoái ngay. Mùa tết, buôn bán bận rộn tối ngày. Sợ khỉ đói, mình thuê một người về nhà chăm với giá 150 nghìn/ngày. Tuy tốn kém nhưng có nó quen rồi, không nghe giọng gào rú của nó là mình ngủ không được. Lúc đi du lịch, không tiện đưa theo, mình mang đến Trung tâm gửi, về lại nhà mình đón chúng về chăm tiếp”.

Các trung tâm chăm sóc thú cưng cũng đảm nhận dịch vụ ký gửi qua ngày. Tùy vào trọng lượng và độ quý hiếm để quy định mức giá. Con nhỏ dưới 10 kg có giá 35 nghìn/ngày đêm vào ngày thường. Dịp lễ, tết tăng lên 60 nghìn đồng/ngày đêm. Đối với những khách kỹ tính, yêu cầu thú nuôi được ăn khẩu phần cao cấp thì mức giá cũng tăng lên.

Có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc thú, bạn Ngô Thiên Sơn sinh viên ngành Thú y tâm sự: “Nhìn vậy chứ chăm chúng không dễ đâu, nhiều con rất hung dữ, sơ ý làm đau là nó vồ ngay. Người chăm phải thật khéo léo, có niềm đam mê và tình yêu động vật mới làm được. Đôi khi lỡ nhận các “cậu ấm, cô chiêu” khó tính, lười ăn đến lúc trả cho khách mà bị ốm đi vài ký là có “sự cố” liền.

Người chăm sóc thú cũng được đào tạo bài bản, có kiến thức và kinh nghiệm hẳn hoi. Lỡ con vật phát sinh sự cố gì còn biết đường xử lý. Có như vậy tôi mới yên tâm giao cho họ trông coi- anh Tý cho biết thêm.
Ngoài thú cưng, lên Tây Nguyên bây giờ còn có cả… cá cảnh. Nhiều người chọn chơi cá theo quan niệm hợp phong thủy, giá cả đa dạng, vừa túi tiền. Những loại cá có kích cỡ lớn như cá Rồng Arowana, Trường giang hổ, Rồng cửu sừng (Khủng Long), Hồng két xăm, cá Koin Nhật Bản giá từ một vài trăm nghìn đồng cho tới hàng chục triệu đồng/con, hầu như chỉ dành cho khách thượng lưu. Các loại cá nhỏ bé, nhiều màu sắc, dễ nuôi, giá một vài chục nghìn đồng/con được nhiều khách bình dân hay trẻ em ưa chọn.

Anh Nguyễn Phước, hành nghề bán cá cảnh dạo ở đường Nguyễn Tất Thành kể: “Đa phần người dân thích loại cá nhỏ, nhiều màu sắc, giá cả phải chăng. Ở đây chủ yếu bán cá loại thường như cá kiếm, cá bảy màu có giá từ 25 nghìn đến 50 nghìn/bì (gồm 10 con), cá chép 2 con/bì với giá 40-50 nghìn đồng/con, người mua tha hồ chọn”.

Cầm trên tay bịch cá cảnh bảy màu, anh Nhân quảng cáo: “Loại này dễ nuôi lắm, chỉ cần cho ăn đủ lượng, lâu lâu súc bể, bỏ thêm ít rong biển nữa là có ngay một bể cá đẹp để ngắm mỗi lúc “tâm trạng”.

Mùa Tết, nhu cầu mua cá cảnh tăng cao. Người đã có thì mua thêm cho đa dạng chủng loại. Người chưa có cũng tậu về một vài bể lớn, nhỏ cho vui cửa vui nhà.

Đánh giá về trào lưu chơi thú cưng hiện nay, thạc sĩ - bác sĩ Lương Huỳnh Việt Thắng - Trưởng bộ môn Ngoại - Sản - Ký sinh trùng, phụ trách trạm xá Thú y Trường Đại học Tây Nguyên ở 567 Lê Duẩn - BMT nhận định: Trong vòng 2 năm trở lại đây, mốt chơi thú cưng phát triển nở rộ ở Buôn Mê Thuột. Người chơi không ngần ngại bỏ tiền đầu tư chăm sóc sức khỏe và làm đẹp cho thú yêu của mình. Tôi tin trào lưu này góp phần hướng thiện cho người chơi.

MỚI - NÓNG
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
Công an Phú Yên dồn toàn lực đảm bảo an toàn cho Tiền Phong Marathon 2024
TPO - Trao đổi với PV báo Tiền Phong, Đại tá Nguyễn Khoẻ - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên, cho biết: "Tất cả các lực lượng Công an tỉnh Phú Yên đã sẵn sàng làm nhiệm vụ nhằm đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ an toàn cho các du khách đến địa phương và vận động viên tham gia Giải Vô địch Quốc gia Marathon và cự ly dài Báo Tiền Phong lần thứ 65 - năm 2024".