"Suối người" Tết Bunpimay chảy mãi

Thăm công viên Phật
Thăm công viên Phật
TP - Bạn có thể bị dội nước bất cứ lúc nào vì đó là lời chúc may mắn trong 3 ngày Tết Bunpimay. Bạn còn có cơ hội tham gia nhiều lễ hội và nghi thức độc đáo như buộc chỉ cổ tay; đám rước 7 cô con gái của thần Kabinlaphom; thưởng thức món lạp cay xé (linh hồn của ẩm thực Lào), say trong men rượu Lào nồng cay và điệu nhảy lăm vông quyến rũ...

> Xử nghiêm nhưng tránh phản cảm

Té nước cầu may

19h30’, khi chiếc A 320 chuẩn bị đáp xuống sân bay quốc tế Wattay (Viêng Chăn, Lào), chúng tôi ngỡ ngàng khi tiếp viên Vietnam Airline thông báo nhiệt độ bên ngoài lên tới 32°C. “Ban đêm mà nóng dữ vậy sao?” – tôi hỏi.

“Ban ngày nhiệt độ còn lên tới 39 - 42°C bởi đây là mùa nóng nhất trong năm mà!” – anh Hữu (43 tuổi, quê Tiền Giang) nói và cho biết: Tôi từng sống ở Lào 10 năm, hiện mang hai quốc tịch; trở lại Lào lần này để ăn Tết và thăm gia đình.

Dẫu rất bận rộn nhưng tôi chưa bao giờ lỗi hẹn với Tết Bunpimay linh thiêng, độc đáo.

Viếng ngôi chùa cổ linh thiêng
Viếng ngôi chùa cổ linh thiêng.

Nhà sư ở Ho Phra Keo - ngôi chùa cổ nhất nước Lào (gần 450 năm tuổi) cho biết trước kia Tết Bunpimay được tổ chức vào ngày đầu tiên của tháng 1 nhưng vào thời điểm đó thời tiết rất lạnh, không thích hợp cho phong tục té nước.

Do đó, người Lào chuyển sang ăn Tết từ 13 đến 15-4, thường là những ngày nóng nhất trong năm. Đây cũng là thời điểm hoa đok khuôn (hoàng hậu, muồng vàng) nở rực khắp đường phố, bản làng.

Hoa sử dụng trong lễ, tết được xem là điềm may mắn, đặc biệt Tết Bunpimay không thể thiếu 2 loài hoa đok khuôn và chăm pa.

Chăm pa được kết thành vòng đeo cổ hoặc cài lên tóc, còn đok khuôn thì dùng để vẩy nước thơm hoặc treo khắp nơi, ngay cả trên ôtô, xe máy... để mong gặp may mắn trong năm mới.

Nghi thức đầu tiên của năm mới là đến chùa để làm lễ cúng và té nước tắm Phật. Nước thơm sau khi tưới lên các tượng Phật sẽ được hứng lại xức vào người để trừ tà, chữa bệnh, gột rửa những điều xấu xa và cầu mong được sống lâu, khỏe mạnh...

Người Lào còn té nước vào nhà cửa, súc vật, đồ thờ cúng, công cụ sản xuất... để vạn vật sinh sôi, mùa màng tốt tươi, cây cối đâm chồi nảy lộc... Nước thơm là một hỗn hợp được chuẩn bị công phu gồm nước, hoa, nghệ, dầu thơm và bồ kết nướng.

Tưng bừng, náo nhiệt nhất là lễ hội đường phố: Từ trẻ em đến người lớn tụ tập thành từng nhóm liên hoan, nhảy lăm vông và té nước cầu may cho người qua đường. Ai cũng lăm lăm trong tay những chiếc gàu, vòi xịt, súng nhựa bắn nước làm vũ khí để "oanh tạc" đối phương.

Chỉ có điều trước khi té nước nhau, người ta thường chúc tụng những điều tốt lành và người Lào tin rằng càng được té nước nhiều thì càng hạnh phúc.

Nhiều du khách từ khắp các châu lục hòa mình vào những đám đông huyên náo ấy bởi lễ hội vô cùng vui nhộn và người địa phương vốn hồn hậu, dễ mến, luôn nhiệt tình mời gọi khách cùng tham gia.

Dẫu là khách mời hay là người qua đường, dẫu có điều kiện góp cỗ hay không, các bạn đều được gia chủ đón tiếp nồng nhiệt như nhau.

Trên nhiều con đường, dòng người và xe cộ nối đuôi nhau mà đa phần là xe bán tải với hàng chục người hóa trang cầu kỳ, đẹp mắt trên mỗi thùng xe.

Từng tốp, từng tốp thanh niên đánh trống và nhảy lăm vông rộn ràng. Nhiều cậu con trai hóa trang thành con gái bằng cách đeo mặt nạ, mặc đồ tắm sexy, đội tóc giả màu sắc sặc sỡ.

Con gái dùng phấn màu hóa trang thành con trai rồi say sưa nhảy múa, tạt nước nhau. Nhiều chiếc xe bị té nước có pha bột màu, tạo nên những gam màu lạ mắt.

Suốt 3 ngày Tết Bunpimay, chúng tôi luôn bị ướt sũng và không đếm xuể các nhóm hoạt náo trên đường phố.

Rất may, khi đón khách tại sân bay, anh Sin Anouphanh đã chu đáo tặng mỗi người một chiếc túi nhỏ xinh xắn bằng nylon để giữ cho giấy tờ, tiền bạc, điện thoại di động... được an toàn trước những cơn bão nước rình rập khắp mọi nẻo đường.

Đám rước 7 cô con gái của thần Kabinlaphom

Theo lời kể của các bậc cao niên, Tết Lào còn khởi nguồn từ một truyền thuyết về cuộc đấu trí giữa Kabinlaphom - thần của bầu trời và Thammabane - chàng trai con nhà phú nông.

Vốn được xem là vị thần thông thái nhất, Kabinlaphom tự tin cá cược với Thammabane: Nếu chàng trai trả lời được 3 câu hỏi thì thần sẽ phải chặt đầu mình và ngược lại.

Thời hạn giải đáp các câu hỏi là 3 ngày nhưng sắp hết ngày thứ 3 mà anh vẫn chưa lần ra manh mối nào và thiếp đi dưới gốc cây cọ vì quá mệt mỏi. Nhờ biết tiếng chim nên anh may mắn nghe lỏm được cuộc trò chuyện của vợ chồng đại bàng.

Khi con mái hỏi Ngày mai chúng ta sẽ ăn gì?, con trống trả lời: Chúng ta sẽ ăn thịt Thammabane. Anh ta chắc chắn sẽ bị giết vì không thể trả lời được 3 câu hỏi.

Với câu hỏi thứ nhất Thần sắc con người tập trung ở đâu vào buổi sáng phải trả lời thế nào? - chim mái hỏi. Tập trung ở khuôn mặt nên buổi sáng con người phải rửa mặt - chim trống trả lời.

Câu hỏi thứ 2: Thần sắc con người tập trung ở đâu vào buổi chiều?- Ở ngực nên con người thường tắm vào buổi chiều.

Câu hỏi thứ 3: Thần sắc con người tập trung ở đâu vào buổi tối?- Ở tay và chân nên con người thường rửa chân tay trước khi đi ngủ.

Bởi Thammabane trả lời đúng tất cả các câu hỏi nên Kabinlaphom buộc phải tự chặt đầu mình. Trước khi chết, Kabinlaphom dặn bảy cô con gái (được gọi chung là Nang Sangkhane) giữ gìn cái đầu cẩn thận vì nếu rơi xuống đất sẽ xảy ra hỏa hoạn, ném lên trời ắt gây ra hạn hán còn ném xuống biển sẽ gây cạn kiệt nước.

Bảy cô gái đã đặt đầu của cha trên một cái đĩa vàng và thờ ở động Khanthoumali, trên núi Phoukhaokailat. Hàng năm các cô lần lượt đến đây rửa sạch đầu và đặt trở lại vào động.

Mỗi khi đến Tết Bunpimay, các địa phương thường tổ chức thi sắc đẹp để chọn 7 thiếu nữ xinh xắn nhất, hóa trang thành 7 cô con gái của thần Kabinlaphom rồi tổ chức đám rước vào chùa rất linh đình, trong đó nổi tiếng nhất là đám rước Nang Sangkhane ở cố đô Luang Prabang.

Một số chùa dựng lên những đụn cát hình tháp tượng trưng cho núi Phoukaokailat (nơi bảy con gái của Kabinlaphom thờ đầu cha mình) và trang trí bằng cờ, hoa, dây vải trắng rồi vẩy nước thơm để các phật tử dâng hương cúng vái cầu mong sức khỏe, hạnh phúc.

Buộc chỉ cổ tay

Không chỉ lên chùa tắm Phật, các phật tử còn nghe nhà sư giảng đạo, buộc chỉ cổ tay và chúc những điều tốt lành về sức khỏe, thi cử, tình duyên, công danh... bằng tiếng Phạn.

Để mong cho đường tình duyên được trọn vẹn, những cô gái Lào thường cầu nguyện đủ 7 ngôi chùa vào ngày đầu tiên của năm mới.

Chỉ là những sợi chỉ màu được kết hình sam đơn giản nhưng phật tử và du khách đều đón nhận một cách trân trọng và đeo suốt 3 ngày tết bởi buộc chỉ tay là phong tục lâu đời trong đời sống tâm linh của người dân xứ sở chăm pa.

Sau khi được buộc chỉ tay, nhiều người xin xăm, bói quẻ ở những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng như Ho Phra Keo. Từng đoàn người quỳ gối với cử chỉ và nét mặt thành kính nghe các nhà sư giảng quẻ.

Anh Hữu tiết lộ anh kết hôn với 2 người vợ (một ở Lào và một tại Việt Nam). Nhiều năm qua cả hai cô vợ đều không biết anh ăn ở hai lòng vì vợ người Lào không biết tiếng Việt và ngược lại.

Tuy nhiên bởi tin rằng không thể qua mặt được Trời Phật và vì chùa chiền ở Lào rất linh thiêng nên dẫu đang sống tại Việt Nam, tết nào anh cũng sang Lào cúng chùa, xin được xá tội.

Một số gia đình người Lào còn mời các nhà sư về tận nhà cúng giỗ, tụng kinh, chúc phúc, buộc chỉ tay cho các thành viên trong gia đình và khách khứa.

Gia chủ còn trân trọng mời khách thưởng thức món lạp - món ăn truyền thống được xem như là linh hồn của ẩm thực Lào bởi theo ngôn ngữ của nước này, lạp có nghĩa là lộc và may mắn.

Trong những ngày tết, mỗi gia đình đều chế biến món lạp rất công phu vì nếu không ngon thì đó là điềm xui. Người ta có thể đem chúc nhau món này và người nào nhận được nhiều lạp thì hy vọng năm mới có nhiều lộc.

Lạp có nhiều loại như heo lạp, bò lạp, gà lạp, ngao lạp, cá lạp… và ngày trước còn có cả hổ lạp.

Thịt hoặc cá còn tươi được băm nhỏ rồi trộn với nhiều loại gia vị như riềng, sả, hành tây, nước cốt chanh, rất nhiều ớt và thính gạo nếp cùng các loại rau thơm như ngò gai, húng lủi... để món ăn trông thật hấp dẫn với màu nâu hồng của thịt hoặc cá tươi, màu đỏ của ớt, màu xanh của húng lủi và đủ các vị chua, cay, ngọt.

Lạp thường được ăn với xôi nóng nên vị cay xè của ớt được cân bằng lại bởi những hạt xôi nếp mềm dẻo.

Những ngày Tết ở Lào dường như không còn khoảng cách giữa ngày và đêm, giữa thành thị và các bản làng xa xôi. Đa số người Lào đều đổ ra đường tạo thành suối người dài vô tận vừa té nước vừa ăn uống, ca hát và biểu diễn những điệu múa lăm vông mê hoặc lòng người.

Du khách đến nước Lào trong dịp này hầu như không ai bỏ lỡ cơ hội hòa mình vào suối người ấy để tận hưởng không khí hội hè tưng bừng, thú vị.

Ở nước Lào đạo Phật là quốc đạo, do đó Tết được tổ chức theo Phật lịch và được gọi là Bunpimay với ý nghĩa thanh khiết hóa cuộc sống, đem lại sự mát mẻ, phồn vinh, ấm no, hạnh phúc cho vạn vật.

Người Lào có thói quen sống chậm, ham mê nhảy múa và ca hát nên Tết Lào rất vui, không nặng nề về ăn uống mà tập trung vui chơi; không phân biệt địa vị xã hội, dân tộc, tôn giáo, tuổi tác, giàu nghèo... Tất cả đều bình đẳng, hòa chung không khí tưng bừng, náo nhiệt của ngày hội cổ truyền.

Bunpimay năm nay là năm Phật lịch 2555 nên có phần long trọng hơn và Nhà nước đã đưa vào chương trình hoạt động của Năm du lịch Lào 2012 do đó Tết được chuẩn bị rất công phu.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.