Sửng sốt vì tỷ lệ người Việt bị trầm cảm, tâm thần

Ảnh minh hoạ: Internet
Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Viện Sức khỏe tâm Thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%.

Theo thống kê của Bộ Y tế vào năm 2017, tại Việt Nam, có khoảng 15% dân số mắc các rối loạn tâm thần phổ biến liên quan tới stress, 3 triệu người bị rối loạn tâm thần nặng. Còn thông báo tại Viện Sức khỏe tâm Thần cho thấy có 30% dân số Việt Nam mắc các bệnh rối loạn tâm thần, trong đó tỷ lệ trầm cảm chiếm 25%.

Theo các BS chuyên khoa, đây là con số thống kê chưa đầy đủ. Bởi trên thực tế, số người bệnh được chữa trị còn rất thấp, chỉ có 20% số người mắc bệnh đi khám. Nguyên nhân nhiều người cho rằng mình chỉ bị mỏi mệt cơ thể, chứ không phải mắc bệnh liên quan tới tâm thần, hoặc là mắc bệnh liên quan tới tâm thần song không quá quan trọng, không đáng quan tâm.

Nhiều người còn lo ngại nếu mình bị bệnh sẽ ảnh hưởng tới các mối quan hệ xã hội xung quanh, vì vậy, nhiều người chọn cách giấu bệnh, không đi khám chữa..., dẫn tới tỷ lệ đi khám các bệnh tâm thần rất thấp. Ngoài ra, số người ít đi khám đúng chuyên khoa tâm thần, tâm lý nhưng nhiều người lại đi khám các chuyên khoa khác. Và như vậy, số ít bệnh nhân được khám đúng chuyên khoa tâm thầm tâm lý rất ít.

Căng thẳng thần kinh (stress) đang ngày trở thành một vấn nạn không loại trừ một ai trong cuộc sống hiện đại.

Theo bảng xếp loại, nỗi buồn khổ là một trong những loại stress tiêu cực. Nó là một trong những loại stress mà tâm trí và cơ thể phải chịu đựng khi những thói quen thông thường phải thay đổi và điều chỉnh. Tâm trí chưa thích nghi và thoải mái với sự thay đổi này, nó vẫn có xu hướng quay lại thói quen cũ. Triệu chứng của loại stress này thường là: đau đầu, đau lưng, đau bụng, tim đập nhanh, đau cơ hoặch đau mình, căng thẳng kéo dài, huyết áp cao, đau nửa đầu, đau ngực và đau tim...

Theo các BS, các yếu tố gây stress, nếu kéo dài, sẽ gây đến tình trạng trầm cảm, chiếm đến 35% trong các trường hợp bị rối loạn tâm thần. Các vấn đề trầm cảm rõ nhất là người bệnh mất hết hứng thú, không có khả năng tập trung, ảnh hưởng rõ ràng nhất đến công việc. Ngoài ra, người bệnh cũng có những biểu hiện suy yếu về mặt sức khỏe, cơ thể, ví dụ như rối loạn về giấc ngủ, rối loạn về ăn uống, thậm chí có những vấn đề về sinh hoạt vợ chồng, bạn bè, gần như ảnh hưởng tới mọi mặt của cuộc sống. Stress còn được gọi là “kẻ giết người thầm lặng” khi gây hàng loạt tác động xấu lên cơ thể như huyết áp cao, bệnh tim mạch, tiểu đường và thậm chí là ung thư.

Các BS khuyến cáo, để phòng ngừa stress là mỗi người phải học cách phân bổ thời gian hợp lý cho mối quan hệ gia đình, bạn bè, công việc và những điều khác. Dành thời gian để có hoạt động thư giãn, không phải giải trí. Có thêm hiểu biết về thông tin bệnh, để biết khi nào mình có vấn đề để cần trợ giúp bên ngoài....

MỚI - NÓNG