60 năm đường 12B chiến lược:

Sức trẻ một thời dời non lấp biển

Đường 12B hôm nay
Đường 12B hôm nay
TP - Cách đây 60 năm,Trung ương Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (nay là Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh) được giao nhiệm vụ tổ chức bộ máy, quản lý đội thanh niên xung phong (TNXP) để xây dựng tuyến đường chiến lược 12B tại tỉnh Hòa Bình.Chỉ trong thời hạn một năm, con đường lớn này đã hoàn thành thần kỳ trước kế hoạch nhờ nỗ lực từ trí tuệ và sức trẻ của lực lượng TNXP…

Những ngày đầu mở đường 12B năm ấy…

Gần đây, tôi đến gặp nhà báo Nguyễn Bích Hậu, một đồng nghiệp thuộc thế hệ đầu của báo Tiền Phong để hỏi chuyện về việc xây dựng tuyến đường chiến lược 12B năm xưa. Bởi trước khi công tác tại báo Tiền Phong, bà từng tham gia lực lượng TNXP xây dựng tuyến đường 12B và hiện là Phó Trưởng ban Liên lạc cựu TNXP của tuyến đường này.

Đầu năm 1959, khi đang học năm cuối một trường phổ thông trung học tại Hà Nội, Bí thư Đoàn trường Nguyễn Bích Hậu được biết Trung ương Đoàn đang mở đợt kêu gọi thanh niên các tỉnh, thành phố gia nhập TNXP để xây dựng đường chiến lược 12B nên viết đơn xin tham gia. Khi cùng một số bạn của trường đến Thành Đoàn Hà Nội khám sức khỏe để tuyển TNXP, Bích Hậu thấy nhiều học sinh của các trường khác cũng đến tham gia.“Tại đây, tôi thấy có bạn đi đôi guốc bảy phân để tăng chiều cao, có bạn để vài hòn đá kỳ trong túi để tăng cân. Trời không rét, nhưng có bạn lại mặc áo bông dày cũng với mục đích tăng trọng lượng cơ thể… Những “sáng kiến vặt” kiểu ấy đã giúp một số học sinh trúng tuyến để gia nhập TNXP”- cựu TNXP Bích Hậu cho biết.

Tháng 2/1959, hơn 4 ngàn đoàn viên, thanh niên 14 tỉnh, thành phố của miền Bắc đã hội quân ở đất rừng Kim Bôi (Hòa Bình) và được Ban Bí thư Trung ương Đoàn đặt phiên hiệu “Đội TNXP xây dựng XHCN 12B Hòa Bình”. Tại đây, các TNXP có dịp hiểu rõ hơn tầm quan trọng của việc làm đường 12B khi con đường này vừa có tác dụng bảo vệ an toàn khu, vừa nối với nhiều tuyến đường quan trọng khác. Đường 12B sẽ được mở với chiều dài 50 km, rộng 8 mét, có 200 cầu cống làm bằng bê tông vĩnh cửu, một cầu dài 200 mét. Đường rải cấp phối đá dăm, nguyên vật liệu tại chỗ, đào đắp khoảng trên 1 triệu mét khối đất đá…

Vào thời điểm đó, đường 12B đi qua vùng núi hoang sơ với những địa danh nổi tiếng là rừng thiêng nước độc như Kim Bôi, Hạ Bì. Đường không có nền đất cũ, chỉ có đường mòn cho người đi và ngựa thồ. Vì vậy, người xưa mới có câu: “Yêu nhau cho thịt cho xôi/Ghét nhau đưa đến Kim Bôi, Hạ Bì”. Nhưng bỏ qua “lời nguyền” xưa ấy, hơn 4 ngàn TNXP nhanh chóng được phân thành các đại đội để bắt tay vào công việc. “Đơn vị của tôi thuộc đại đội 206 của công trường TNXP 12B. Do lớn tuổi hơn nhiều đồng đội, tôi được cử làm tiểu đội trưởng, rồi trung đội phó trung đội 3 của đại đội. Đơn vị có hơn 30 TNXP, đều là nữ”- cựu TNXP Bích Hậu cho biết. Rồi bà kể, sau khi hội quân ít hôm, một số nam TNXP của tỉnh bạn thấy Trung đội 3 toàn nữ sinh Hà Nội, nên đã trêu: “Chào các tiểu thư, cố gắng mà trụ vững nhé”. Nghe vậy, các nữ TNXP Trung đội 3 bảo nhau: “Chúng mình quyết tâm để các bạn ấy phải thu lại lời nói đó mới được”.

Nhưng lời trêu đùa của những tân TNXP khi đó chẳng những là thách thức đối với đơn vị của Bích Hậu mà cho cả lực lượng TNXP tham gia xây dựng tuyến đường.Bởi khi nhận phần đường xong, đội quân trẻ đứng trước các thử thách, khó khăn chồng chất như phá núi, bạt đồi bằng búa, cuốc xẻng và các dụng cụ tự tạo khác. Bên cạnh đó, nỗi ám ảnh về rừng thiêng, nước độc, rắn rết, hổ báo đe dọa cũng là những khó khăn mà các TNXP phải vượt qua.“Riêng trung đội của tôi, để không mang danh “tiểu thư”, họ còn phải cố gắng hơn. Nhiều người trong số họ chưa từng cầm cuốc, nên khi làmtay bị phồng rộp, thậm chí tứa máu nhưng vẫn bám trụ với công việc. Sau này, chính những người đùa bữa trước đã đến gặp chúng tôi xin rút lại lời nói trước kia”- cựu TNXP Bích Hậu chia sẻ.

Nỗ lực lớn cho ngày thông xe

Sức trẻ một thời dời non lấp biển ảnh 1 TNXP Bích Hậu tại công trình đường 

Khó khăn lớn nhất mà lực lượng lao động gặp phải trên công trường 12B là địa hình thi công hiểm trở, phần lớn diện tích là đồi núi. Khi những mét đường đầu tiên mới hình thành, đã có TNXP ngã xuống vì tai nạn lao động. Hồi đó, các TNXP phải đào những hàm ếch để lấy đất làm đường.Có lần, hàm ếch sập xuống đè chết một TNXP. Rồi sau đó, những tai nạn lao động khác cùng căn bệnh sốt rét ác tính cũng khiến năm TNXP khác mất trên công trường. “Số lượng sáu người mất trên tổng số hơn 4 ngàn TNXP không phải là số lượng lớn, nhưng vẫn để lại cho mọi người nỗi đau khôn nguôi. Ngày đó, đơn vị chôn cất đồng đội tại Kim Bôi, về sau các gia đình mới chuyển phần mộ thân nhân về quê. Tuy vậy, sau này mỗi khi có dịp trở lại đường 12B trong các đợt kỷ niệm, chúng tôi đều thắp hương để tưởng nhớ đồng đội, như họ vẫn nằm lại nơi này”- cựu TNXP Bích Hậu xúc động nói.

Ngày đó, để tăng năng suất lao động, đại đội 206 của TNXP Bích Hậu đã có khầu hiệu “mưa nhỏ cứ làm, mưa to tạm nghỉ, mưa tạnh làm ngay” được công trường hưởng ứng. Có hôm, mưa rừng bất chợt ập đến, trong khi cạnh họ là một lượng lớn xi măng chưa kịp chuyển đi.Thế là cả đại đội 206 bỏ qua khẩu hiệu mình đề ra, nhất loạt cùng nhau vác xi măng tránh mưa. Rồi bà kể thêm, cũng từ những thực tế lao động trên công trường, bà bắt đầu viết tin gửi cho báo Tiền Phong. Khi tin đầu tiên được đăng, Bích Hậu  dùng tiền nhuận bút mua mận khao cả trung đội. Sau đó, nữ TNXP trẻ tiếp tục gửi tin bài cho Tiền Phong và bén duyên với tờ báo từ đó.

Sau bao vất vả, con đường chiến lược 12B cuối cùng đã hoàn thành. Ngày 31/12/1959, tại lễ mừng thông xe, Bích Hậu cùng hơn 30 TNXP của trung đội mình được mặc áo dài truyền thống, ngồi trên ô tô mang cờ hoa rực rỡ, dẫn đầu toàn đơn vị để đón Huân chương Lao động của Đảng, Nhà nước trao tặng cho hơn bốn ngàn đội viên TNXP đã dũng cảm vượt mọi khó khăn nơi mưa nguồn gió núi để mở con đường chiến lược 12B Hòa Bình đúng kỹ thuật, vượt trước thời hạn một năm.

Tại Lễ thông xe, đồng chí Nguyễn Lam, Bí thư Thứ nhất TƯ Đoàn đã phát biểu: “Hơn 4 ngàn đội viên TNXP xây dựng đường 12B Hòa Bình đã làm tốt được hai việc lớn: Được con đường và được con người”. Lời nói đó ứng với rất nhiều TNXP, khi sau lễ thông xe họ đã thực sự trưởng thành, được cử đi các nơi để học tập và làm những công việc khác nhau. Với Bích Hậu, trong ngày vui đó, chị nhận được quyết định của Trung ương Đoàn điều động về công tác tại báo Tiền Phong và gắn bó với tờ báo của tuổi trẻ cả nước cho đến lúc nghỉ hưu.

MỚI - NÓNG