Sức nặng lời thề

0:00 / 0:00
0:00
Phát biểu sau khi thực hiện nghi thức tuyên thệ, tân Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói rằng, đây là vinh dự to lớn song cũng là trách nhiệm rất nặng nề. Ông hứa sẽ đem hết sức mình cùng các cơ quan của Quốc hội kế thừa, phát huy và tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội vì mục tiêu tối thượng phụng sự lợi ích của Quốc gia, dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Trải qua 75 năm kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6/1/1946- 6/1/2021), Quốc hội Việt Nam đã không ngừng đổi mới hoạt động để ngày càng xứng đáng là cơ quan nhà nước cao nhất thực hiện quyền lực của nhân dân, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Những kết quả mà Quốc hội đạt được không chỉ được thể hiện trên phương diện lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà thể hiện ở niềm tin của nhân dân đối với Quốc hội, với các đại biểu Quốc hội.

Kế thừa kết quả của 13 nhiệm kỳ qua, từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIV đến nay, hoạt động của Quốc hội đã có những bước chuyển biến mạnh mẽ, từ Quốc hội “tham luận” sang Quốc hội “tranh luận”, nâng cao tính chuyên nghiệp. Quốc hội giờ đây không còn “dễ tính”, “gật đầu”, xuề xòa với những dự án, tờ trình đưa ra, mà luôn ở trong tâm thế tranh luận đến cùng, mổ xẻ đến cùng... Các đại biểu cũng ngày càng kết nối, lắng nghe cử tri và nhân dân trước khi biểu quyết thông qua hoặc “bác bỏ” những dự án luật kém chất lượng. Đặc biệt, với “chất lửa” tăng cao, những phiên chất vấn tại Quốc hội đã trở thành những bài test “khó tính” đối với các chức danh thuộc diện Quốc hội bầu và phê chuẩn.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì vẫn còn đó những điều day dứt được đặt ra từ nhiều nhiệm kỳ qua song chưa thực hiện. Đó là những dự án luật nhằm thể chế hóa quyền con người, quyền công dân như quyền biểu tình, quyền hội họp, lập hội, cũng như những dự luật quan trọng, có tính cấp bách mà cuộc sống đặt ra song vẫn lâm vào cảnh “xin lùi, xin rút”. Điển hình như Luật Đất đai, một dự luật quan trọng tác động đến hầu hết người dân, và cũng là nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện dai dẳng, khiến nhiều quan chức từ Bắc vào Nam “ngã ngựa” hàng loạt đã được “xếp vào lịch” để sửa đổi. Tuy nhiên, sau đó Chính phủ liên tục đề nghị lùi việc sửa đổi luật, đến nay hết khóa vẫn chưa trình Quốc hội.

Hay trong công tác giám sát, vẫn còn có những hạn chế, chưa kịp thời “đeo đuổi” những vấn đề nóng được đặt ra. Có lẽ vì thế khi đề cập đến những đại án, ĐBQH Dương Trung Quốc (Đồng Nai) đã bày tỏ rằng: “Nếu chúng ta sáng suốt, chúng ta phát hiện được thì chúng ta sẽ ngăn chặn được, chúng ta sẽ hạn chế thất thoát về tiền bạc, về nhân lực”. Từ đó, ông nói rằng “những đại án ấy có trách nhiệm của Quốc hội, ít nhất của Quốc hội nhiệm kỳ ấy”.

Tuyên thệ trước Quốc hội sau khi nhậm chức là nghi thức được đưa vào Hiến pháp 2013 và bắt đầu thực hiện cách đây 5 năm, khi Quốc hội khóa XIII thực hiện kiện toàn nhân sự bộ máy nhà nước sau Đại hội XII của Đảng. Đây vừa là vinh dự song cũng là trách nhiệm nặng nề, đòi hỏi người tuyên thệ phải có trách nhiệm thực hiện những gì mình hứa. Qua đó tiếp tục phát huy truyền thống, có nhiều đổi mới để Quốc hội xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.