Theo Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế IISS cho hay, tới thời điểm hiện tại lực lượng phòng thủ bờ biển Nga đã triển khai ít nhất 36 tổ hợp phòng thủ bờ biển thế hệ mới thay thế các tổ hợp cũ của Liên Xô trước đây. Tương lai hệ thống phòng thủ bờ biển của Nga sẽ được phát triển dựa trên các tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bal-E và Bastion.
Tính đến tháng 3/2016, lực lượng phòng thủ bờ biển Nga đã tiếp nhận ít nhất 24 tổ hợp tên lửa bờ Bal-E (NATO định danh là SSC-6 Sennight). Mỗi tổ hợp Bal-E gồm hai xe chỉ huy, bốn xe nạp đạn và 8 xe phóng tự hành. Toàn tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển này được đặt trên khung gầm đặc chủng MZKT-7930 8x8 do công ty MZKT của Belarus sản xuất.
Mỗi xe phóng được trang bị 8 tên lửa chống hạm Kh-35 hoặc Kh-35U với tầm bắn tối đa từ 120km-260km.
Tên lửa chống hạm Kh-35 được trang bị đầu đạn nổ mạnh nặng 145kg được đánh giá là đủ khả năng đánh chìm tàu chiến cỡ 5.000 tấn, tầm bắn đến 120km, tốc độ bay cận âm Mach 0,8, độ cao trong hành trình bay 10-15m, ở pha cuối tiếp cận mục tiêu chỉ còn 4m.
Theo thiết kế, Bal-E được sử dụng để bảo vệ các căn cứ hải quân, các mục tiêu và hạ tầng trên bờ, bảo vệ bờ biển trên những hướng đối phương có thể đổ bộ bằng cách kiểm soát vùng biển chủ quyền và eo biển, phát hiện và tiêu diệt tàu mặt nước ở tầm đến 130km.
Bên cạnh các tổ hợp Bal-E, lực lượng phòng vệ bờ biển Nga còn đưa vào trang bị ít nhất 12 tổ hợp tên lửa bờ K-300P Bastion-P. Mỗi tổ hợp như vậy được trang bị 4 xe phóng di động, hai xe chỉ huy và bốn xe nạp đạn.
Mỗi xe phóng tự hành được trang bị hai ống phóng với hệ thống thủy lực nâng hạ. Khi chiến đấu, các bệ phóng được dựng thẳng đứng cho phép triển khai tên lửa bao quát 360 độ thay vì phải quay bệ khi bắn.
Tổ hợp Bastion được trang bị đạn tên lửa hành trình P-800 Oniks đạt tầm bắn tối đa 600km, tốc độ siêu âm Mach 2,5-3, trang bị đầu tự dẫn radar chủ động kích hoạt khi cách mục tiêu 50km.
Ngoài Nga, các tổ hợp tên lửa bờ biển Bastion-P còn được sử dụng bởi Hải quân Nhân dân Việt Nam và Quân đội chính phủ Syria.