Sức hủy hoại kinh hoàng của ma túy đá

Chiều 20/8/2016, một nam thanh niên nghi lên cơn ngáo đá đã leo lên nóc nhà số 1, đường 30/4, phường 3, thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) ngồi cố thủ trong tình trạng mơ màng. Lực lượng chức năng phải vất vả nhiều giờ lên phương án giải cứu. Ảnh: Huỳnh S
Chiều 20/8/2016, một nam thanh niên nghi lên cơn ngáo đá đã leo lên nóc nhà số 1, đường 30/4, phường 3, thành phố Bạc Liêu (tỉnh Bạc Liêu) ngồi cố thủ trong tình trạng mơ màng. Lực lượng chức năng phải vất vả nhiều giờ lên phương án giải cứu. Ảnh: Huỳnh S
Những năm gần đây, nhiều vụ phạm pháp hình sự có tính chất đặc biệt nghiêm trọng đã xảy ra có liên quan đến các đối tượng bị “ngáo đá”. Những đối tượng phạm tội này đã sử dụng “ma túy đá” nên bị ảo giác, loạn thần, như biến thành "ác quỷ", có hành vi hủy hoại chính bản thân và sát hại những người vô tội khác.

Vậy “ngáo đá, ma túy đá” là gì và làm thế nào ngăn chặn hiểm họa đó để bảo đảm sức khỏe con người và an sinh xã hội?

Nằm sõng sượt trên giường, hai mắt nhắm nghiền, tóc mai bết vào thái dương, một bàn tay đặt lên trán, cánh tay còn lại buông thõng, sợi dây nhựa lạnh lẽo cắm vào cổ tay để truyền dịch, Nguyễn Thanh H. (37 tuổi ở khu An Dương, quận Tây Hồ, Hà Nội) - nữ bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho biết: “Em chơi đá gần 10 năm nay rồi. Trước thì đủ cả, thuốc phiện, heroin, cần sa, bột ke… Nhưng đập đá rồi thì bỏ hết, thấy chả ra gì cả, chỉ chơi đá thôi”.

Nói chuyện “giải đá”, Nguyễn Thanh H. giọng mệt mỏi: “Giờ chỉ thấy đau nhức cơ khớp khắp toàn thân. Chỉ muốn cắt phăng chân đi thôi!”.

"Chơi đá rồi thì thấy heroin, cần sa... chả ra gì"

Cái nóng oi bức tháng sáu phả nhiệt vào căn buồng dành cho bệnh nhân điều trị tại tầng hai Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương ở phố Hồng Mai, quận Hai Bà Trưng. Tiếng quạt máy vù vù như cố xua đi bao nhiêu nóng nực. Ngoài hành lang, một nhóm gầm 4 nam bác sỹ cùng 2 nữ y tá đang cố gắng đưa một bệnh nhân đang lên cơn, la hét, đi điều trị.

Nguyễn Thanh H. nằm im trên chiếc giường sắt, kể lại quãng thanh xuân, khi còn là cô con gái lớn trong một gia đình có tiềm lực kinh tế ở bãi An Dương.

Có chút nhan sắc, đang học Trung cấp Tài chính, H. nghe theo lời rủ rê của đám bạn choai choai liền bỏ học, lao vào những cuộc vui, thường xuyên hút hít. Rồi H. gặp một anh nghiện ma túy và lấy anh này năm H. 18 tuổi.

Có đôi, có cặp, hai vợ chồng H. chỉ quay cuồng với những cơn phê ma túy, bỏ bê công việc, gia đình. Hai đứa con được sinh ra cũng tự lớn lên như cây, như cỏ. Tính nết H. cũng ngày càng thay đổi, trở nên cục cằn, nóng nảy, lười biếng.

“Chơi đá rồi thì bỏ hết heroin, cần sa, hồng phiến, bột ke…, những thứ ấy thấy chả ra gì cả. Lúc đầu thì dùng thưa thớt khoảng một vài tháng một lần, rồi tăng lên hàng tuần. Độ 6 tháng gần đây thì ngày nào cũng dùng. Hễ ngừng dùng là mệt mỏi đau nhức các cơ khớp, xuất hiện ảo giác, mất ăn, mất ngủ kéo dài”, H. kể.

Đang kể, giọng của Nguyễn Thanh H. đột ngột chuyển sang sự cáu kỉnh, giận dữ khi một y tá từ ngoài hành lang bước vào phòng bật công tắc điện. Sự nổi khùng ấy chỉ dịu đi, trở lại bình thường khi căn phòng thiếu ánh sáng như cũ. H. bảo rằng, vài bận muốn bỏ ma túy đá, nhưng được mấy ngày là thành “công cốc”. “Lần này, mẹ em đưa đến đây điều trị. Em cũng muốn bỏ lắm rồi”, H. nói.

Cũng tại Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương, ở một buồng điều trị bên cạnh, Bùi Bảo Đ. một thanh niên 22 tuổi, là con thứ hai trong một gia đình có "của ăn, của để" ở thành phố Sông Công, tỉnh Thái Nguyên, cũng nằm “an dưỡng”.

Đang là sinh viên năm cuối một trường đại học ở Thái Nguyên nhưng Đ. xin nghỉ học, bảo lưu kết quả để ở nhà… cai những cơn đê mê do “đập đá” đem lại.

Khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc, Đ. kể, do đua đòi với bạn bè nên “bập” vào cần sa, ma túy tổng hợp từ 4 năm trước, khi mới bước vào giảng đường. Ban đầu chỉ một tháng “phê pha” vài lần, rồi tăng lên tuần vài bận và sau một năm, ngày nào Đ. cũng muốn “đập đá”.

Chơi “đá”, tính nết Đ. cũng thay đổi, không còn là cậu sinh viên nuôi bao giấc mộng với giảng đường, mà trở thành một người cục cằn, nóng nảy, sống bê tha.

Sự việc chỉ vỡ ra khi bố mẹ Đ. phát hiện khi thấy cậu quý tử với bộ “đập đá” trong phòng riêng. “Bố mẹ quản thúc em, cho uống thuốc theo đơn của bác sỹ, cai nghiện tại gia nhưng em vẫn tìm mọi cách để sử dụng ma túy đá. Vì thế ông bà phải đưa em lên Hà Nội điều trị”, Đ. kể.

Tội ác kinh hoàng bắt nguồn từ ảo giác

Cầm tập bệnh án của Nguyễn Thanh H. và Bùi Bảo Đ. bác sỹ Trần Thị Hồng Thu, Phó giám đốc kiêm Trưởng khoa Lâm sàng Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cho hay: Ma túy đá là chỉ chung cho các loại ma túy tổng hợp có chứa chất methamphetamine và amphethamine, là những chất cực mạnh, nguy hiểm.

Người sử dụng ma túy tổng hợp nhiều sẽ gây tác hại đối với toàn bộ cơ thể như hệ hô hấp, hệ tim mạch, hệ thần kinh, hệ sinh dục, trong đó, bộ não là nơi bị tổn thương rõ nhất. Các chất này phá hủy hệ thống thần kinh trung ương và não bộ, gây ra ảo giác giết người hay phạm tội trong lúc không điều khiển được hành vi của mình.

“Dùng ma túy đá dù chỉ một lần cũng có thể gây nghiện. Trong 100 trường hợp dùng ma túy đá thì quá nửa là bị nghiện và một phần tư số đó bị não bị tổn thương, phá hủy. Đ. và H. có thâm niên sử dụng ma túy thuộc nhóm Methamphetamine, nhưng may mắn là vẫn còn nhận thức được”, bác sỹ Thu cho hay.

“Trường hợp sử dụng ma túy tổng hợp vào điều trị đầu tiên tại Bệnh viện Tâm thần Ban ngày Mai Hương cách đây khoảng 10 năm. Năm 2016, có hơn 700 người đến Bệnh viện làm các xét nghiệm, khám, điều trị liên quan đến ma túy đá. Nhưng mới 6 tháng đầu năm nay, số lượng người đến xét nghiệm, khám, điều trị đã tương đương năm trước”, bác sỹ Thu cảnh báo.

Lo ngại này cũng xuất phát từ thực tế báo động trong xã hội. Gần 10 năm qua, số người “đập đá” tăng nhanh đã kéo theo tỷ lệ tội phạm liện quan đến ma túy gia tăng. Hàng loạt vụ trọng án, phạm pháp hình sự có tính chất đặc biệt nghiêm trọng có yếu tố đối tượng bị “ngáo đá” đã xảy ra.

Cụ thể, cuối năm 2013, xã hội rúng động với vụ “MC kiêm ca sĩ” Nguyễn Hữu Chính, sau khi sử dụng ma túy đá, đã sát hại người yêu dã man tại Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội. Kết quả điều tra của cơ quan công an cho thấy, khi hai người gần gũi nhau, Chính rơi vào ảo giác, tưởng bạn gái giống như một con trăn, nếu không giết thì chị này sẽ giết chết mình. Chính đã phải chịu bản án thích đáng về hành vi “Giết người”.

Đầu năm 2014, xã hội tiếp tục kinh sợ với việc một cậu em trai bị ma túy đá biến thành “ác quỷ” khi cắt đứt chân chị gái tại Bệnh viện Xanh Pôn (Hà Nội).

Cuối năm 2016, “ngáo đá” Nguyễn Đình Huân ở Trâu Quỳ, Gia Lâm, đã đập phá nghĩa trang địa phương, rồi cầm dao, kiếm tấn công cảnh sát, chém bị thương một công an thị trấn Trâu Quỳ.

Số liệu của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội cho thấy những con số báo động: Tính đến thời điểm tháng 2/2017, cả nước có 210.751 người nghiện ma tuý có hồ sơ quan lý, tăng mạnh so với năm 2016, riêng Hà Nội có 12.803 người, là một trong hai tỉnh, thành đứng đầu cả nước.

Báo cáo mới nhất của Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) Công an thành phố Hà Nội về tình hình các đối tượng sử dụng ma túy tổng hợp có biểu hiện “ngáo đá” cũng phản ánh những nguy cơ phức tạp: Từ năm 2015 đến nay, trên địa bàn thành phố đã xảy ra 27 vụ việc phạm pháp hình sự liên quan đến đối tượng “ngáo đá”, trong đó có những vụ việc có tính chất rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, gây mất trật tự an toàn xã hội.

Theo Theo TTXVN
MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.