Sau đó, nhiều người tìm hiểu thì thấy trên thực tế, trong bài Ông trạng thả diều, in trong sách Tiếng Việt 4, tập 1 có sách in là đời vua Trần Nhân Tông tuy nhiên cũng có bản lại in là đời vua Trần Thái Tông.
Sự việc khiến nhiều giáo viên, phụ huynh hoang mang không hiểu bản nào mới đúng.
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Văn Tùng, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam lý giải, sách Tiếng Việt 4, tập một bản in lần đầu tiên năm 2005 trong đó có văn bản Ông trạng thả diều được lấy trung thành với bản gốc của nhà văn Trinh Đường. Bản đó viết rằng: “Vào đời vua Trần Nhân Tông, có một gia đình nghèo…”
Tuy nhiên, ngay sau khi xuất bản lần đầu, biên tập viên Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam đã phát hiện Nguyễn Hiền sống ở thời vua Trần Thái Tông chứ không phải vua Trần Nhân Tông.
“Sau khi kiểm tra lại chúng tôi thấy sự phát hiện này là đúng. Và ngay sau đó, khi tái bản lần thứ nhất là năm 2006, văn bản được sửa lại là: “Vào đời vua Trần Thái Tông, có một gia đình nghèo…”, ông Tùng thông tin.
Lý giải vì sao có chuyện sách cô giáo một đường, sách học trò một nẻo, ông Tùng cho rằng: “Sách cô giáo là bản in năm 2005, bản cách đây 12 năm”. Cũng theo ông Tùng, hàng năm, mỗi dịp hè, Bộ GD&ĐT đều tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho 100% giáo viên ở các cơ sở giáo dục, trong đó hướng dẫn giáo viên căn cứ SGK, cập nhật thông tin dạy học mới. Vì thế, khi được tập huấn, các giáo viên dựa vào SGK làm nền tảng, cơ sở để dạy học.
Cũng theo lãnh đạo nhà Xuất bản giáo dục Việt Nam, sau khi có phản ánh, đơn vị đã kiểm tra một số bản sách tái bản các lần sau nữa đều thấy đã ghi đúng là Trần Thái Tông.