Sửa quy định về BHYT: Cần hài hòa quyền lợi và hiệu quả sử dụng quỹ BHYT

Chiều 19/10, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa chủ trì làm việc với các đơn vị liên quan về quá trình tham gia xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 146/2018/NĐ-CP về Bảo hiểm y tế (BHYT). Đặc biệt liên quan tới một số điểm sửa đổi chưa thống nhất.

Nghị định 146/2018/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT 2018, có hiệu lực từ 1/1/2019. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện, đã xuất hiện nhiều vấn đề cần được điều chỉnh, sửa đổi để phù hợp với thực tiễn.

Được sự đồng ý của Chính phủ, hiện Bộ Y tế đang chủ trì soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 146/2018. Thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam đã phối hợp với Bộ Y tế tham gia xây dựng sửa đổi nghị định trên.

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa, hiện Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định Nghị định sửa đổi, bổ Nghị định 146/2018. Dù BHXH Việt Nam đã tham gia xây dựng nghị định này, nhưng còn một số điểm chưa thống nhất. Do đó, BHXH Việt Nam cần tiếp tục có văn bản góp ý đến Ban Soạn thảo đề nghị xem xét, tiếp tục điều chỉnh trước khi trình dự thảo lên Chính phủ.

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa họp với các đơn vị của ngành.

Đại diện Ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho biết, dự thảo Nghị định lần này sửa đổi, bổ sung 12 nội dung, gồm: Nhóm nội dung liên quan đến đối tượng, mức đóng, phương thức đóng, mức hưởng của đối tượng; nội dung liên quan đến thủ tục khám chữa bệnh BHYT; nội dung liên quan đến quyền của cơ sở khám chữa bệnh; nội dung liên quan đến hướng dẫn thanh toán; nội dung liên quan đến lập, giao, thực hiện dự toán; nội dung liên quan đến hướng dẫn chuyển tiếp; nội dung liên quan đến trách nhiệm hướng dẫn thực hiện.

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban thực hiện chính sách BHYT cho biết, trong quá trình tham gia vào Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập sửa Nghị định 146, BHXH Việt Nam đã tham gia đầy đủ các cuộc họp cũng như có văn bản góp ý theo đúng đề nghị của Bộ Y tế.

Tuy nhiên, tại dự thảo thẩm định ngày 17/10/2022 tại Bộ Tư pháp, vẫn còn một số nội dung quan trọng, tác động đến quản lý và sử dụng quỹ BHYT có ý kiến khác nhau giữa Bộ Y tế và BHXH Việt Nam, không được Ban Soạn thảo tiếp thu.

Các nội dung chưa thống nhất liên quan đến 3 vấn đề chính: Quyền của cơ quan BHXH và cơ sở khám chữa bệnh; vấn đề giao dự toán, triển khai thực hiện dự toán, kiểm soát chi khám chữa bệnh; việc bỏ quy định tổng mức thanh toán tại Khoản 4, 5, 6 Điều 24 của Nghị định 146/2018.

Cũng theo đại diện Ban Thực hiện chính sách BHYT, hiện, Bộ Tư pháp đã tổ chức thẩm định dự thảo nghị định. Bộ Tư pháp cũng đã thông qua và yêu cầu Bộ Y tế sửa đổi, làm rõ trong Tờ trình Chính phủ và một số nội dung liên quan đến hiệu lực chuyển tiếp, không đề nghị Bộ Y tế điều chỉnh, sửa đổi 3 vấn đề nêu trên.

Đại diện các đơn vị nghiệp vụ của BHXH Việt Nam đã chia sẻ ý kiến và các cơ sở pháp lý để cơ quan này tiếp tục góp ý vào dự thảo nghị định. Theo đó, đề nghị các nội dung sửa đổi phù hợp, thống nhất với các quy định trong Luật BHYT và các văn bản pháp luật liên quan. Đồng thời, đề nghị Bộ Y tế đề xuất các sửa đổi đảm bảo nguyên tắc kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT có căn cứ khoa học, phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quyền lợi của người bệnh, nhưng đồng thời cũng phòng chống được tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT...

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa yêu cầu, các đơn vị nghiệp vụ tiếp tục rà soát các nội dung đề xuất sửa đổi trong dự thảo nghị định. Trong đó, Ban Quản lý Thu - Sổ thẻ rà soát các nhóm cần tham gia BHYT bắt buộc được bổ sung vào dự thảo Nghị định. Ban Thực hiện chính sách BHYT tổng hợp các ý kiến đóng góp, hoàn thiện dự thảo văn bản góp ý của BHXH Việt Nam để kịp thời kiến nghị Ban Soạn thảo dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 146/2018...