Sữa melamine thật sự đáng sợ

Sữa melamine thật sự đáng sợ
Giáo sư Peter Dingle, chuyên gia nghiên cứu về chất độc trong môi trường thuộc Đại học Murdoch (Úc), khẳng định melamine có thể hủy hoại hệ thống miễn dịch ở con người.

>> Vụ sữa giả: Xếp hàng đòi công ty Tam Lộc bồi thường

Sữa melamine thật sự đáng sợ ảnh 1
Li Dongyang, cậu bé tám tháng tuổi bị sạn thận do uống sữa được điều trị tại bệnh viện ở TP Hợp Phì ngày 17-9 - Ảnh: Reuters

Sáng 17/9, văn phòng thông tin Quốc vụ viện Trung Quốc đã công bố thông tin số trẻ mắc các chứng bệnh liên quan đến hiện tượng vôi hóa cơ quan tiết niệu và sạn thận do uống sữa bột nhiễm melamine đã lên đến 6.244 trường hợp, trong đó đã có ba trẻ tử vong.

Theo dự báo, con số này sẽ còn tăng do loại sữa gây sạn thận này không chỉ do một Công ty Tam Lộc sản xuất mà còn khoảng 69 nhãn sữa do 22 công ty khác ở Trung Quốc sản xuất cũng chứa hàm lượng melamine vượt quá mức quy định của bộ y tế.

Thảm họa được báo trước

Theo China Daily, ngay từ tháng 3/2008, Công ty Tam Lộc đã nhận được phản ảnh của người tiêu dùng tại tỉnh Hà Bắc về hiện tượng trẻ phải nhập viện sau khi dùng sữa của công ty trong vài tháng. Tuy nhiên, công ty này đã tự thực hiện thu hồi nhỏ lẻ những lô hàng bị phản ảnh mà không báo cho nhà chức trách địa phương.

Báo The New Zealand Herald dẫn lời ông Andrew Ferrier - giám đốc điều hành Công ty sữa Fonterra của New Zealand, xác nhận mãi đến ngày 2/8 công ty này mới nhận được thông tin sản phẩm sữa Tam Lộc bị nhiễm melamine và lập tức kiến nghị thu hồi lô hàng kém chất lượng ấy. 

Ông Ferrier cho biết Fonterra đã làm hết trách nhiệm của mình là thông báo với phía Trung Quốc và đã làm đúng với những quy định cơ bản trong kinh doanh.

Tuy nhiên phía Tam Lộc đã chần chừ cho đến khi thông tin đầu tiên về 16 trẻ ở Cam Túc bị sạn thận do uống sữa của họ được đăng trên phương tiện truyền thông ngày 9-9 vừa qua thì công ty này mới có động tĩnh.

Công ty Fonterra vì không thể chờ đợi được sự trì hoãn khó hiểu của phía Tam Lộc nên họ đã trình báo sự việc lên Chính phủ New Zealand.

The New Zealand Herald cho biết Thủ tướng Helen Clark nhận được tin báo từ ngày 5/9 và đã có thông báo trực tiếp về tình hình sữa nhiễm melamine cho các cơ quan chức năng ở Trung Quốc ngay sau đó ba ngày (8/9). Tuy nhiên phải đến gần một tuần sau mới có đợt thu hồi 700 tấn sữa đầu tiên và cơ quan chức năng phía Trung Quốc mới nhảy vào cuộc.

Dẫn lời Thủ tướng Helen Clark, The New Zealand Herald nêu rõ bà và các bộ ngành có liên quan đã chỉ đạo trực tiếp các thành viên hội đồng quản trị của Fonterra ở Bắc Kinh phải làm việc cật lực để khắc phục hậu quả và bà tin rằng Công ty Fonterra đã có ý định thu hồi sản phẩm ngay từ khi nhận được tin báo, nhưng không được sự hưởng ứng của phía chính quyền địa phương ở Trung Quốc.

Dù trong vòng một tuần Công ty Tam Lộc hay các cơ quan chức năng Trung Quốc đã tiến hành thu hồi tiêu hủy hơn 10.000 tấn sữa bột nhiễm melamine, nhưng trách nhiệm về việc chậm trễ thu hồi sản phẩm của công ty này cũng như việc nhảy vào cuộc của chính quyền các cấp ở Trung Quốc tới mức nào thì vẫn chưa được giải thích rõ ràng.

Người tiêu dùng nổi giận

Suốt từ khi thông tin được công bố đến nay, người tiêu dùng Trung Quốc đã bị chấn động và nổi giận. Sáng 16-9, hàng trăm người xếp hàng dài trước Công ty Tam Lộc để phản đối và đòi bồi thường.

Bà mẹ trẻ Phạm Tân Gia ôm đứa con trên tay, phẫn nộ nói chuyện với nhà báo: “Chúng tôi thật sự lo lắng vì sự kiện này sẽ ảnh hưởng rất nặng nề đến trẻ nhỏ và còn kéo dài hậu quả đến sau này.

Ở Trung Quốc ngày nay chúng tôi chỉ có thể có một đứa con và chỉ muốn dành những gì tốt đẹp nhất cho nó, nhưng vì uống sữa như thế này mà con chúng tôi phải chịu nỗi đau ảnh hưởng nặng nề đến phần đời còn lại của bé”.

Hãng tin Reuters cho biết hiện nay các bậc cha mẹ ở Trung Quốc đổ xô sang Hong Kong để mua sữa bột cho con mình do lo sợ sữa bột kém chất lượng ở thị trường đại lục. Tuy nhiên ở Hong Kong chính quyền cũng đang ra lệnh thu hồi hàng loạt sữa nhiễm melamine do Công ty Mãnh Ngưu và Y Lợi bán trên thị trường này.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
Làm gì nếu hành lý bị thất lạc, hư hỏng, mất cắp khi đi máy bay?
TPO - Hành lý bị thất lạc hay trì hoãn luôn là nỗi lo lắng của nhiều hành khách khi đi máy bay, nhất là trong các dịp cao điểm hoặc khi gặp sự cố ngoài ý muốn như sự cố mất điện toàn cầu vào mùa hè năm nay. Tuy nhiên, du khách có thể giảm thiểu rủi ro và xử lý tình huống khi hành lý của mình gặp vấn đề.