> Muốn chuyển dịch cơ cấu phải tích tụ ruộng đất
> Trường hợp nào phải thỏa thuận với dân khi thu hồi đất?
“Sở hữu toàn dân” có chính xác?
TS Trần Quang Huy - Trưởng Bộ môn Đất đai, ĐH Luật Hà Nội trong báo cáo rà soát Luật Đất đai của mình đã chỉ ra rằng giữa Hiến pháp 1992, Luật Đất đai 2003 và Bộ luật Dân sự năm 2005 chưa có sự thống nhất về sở hữu đối với đất đai.
Cụ thể, trong khi Hiến pháp và Luật Đất đai xác định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, Nhà nước là người đại diện chủ sở hữu toàn dân và thống nhất quản lý thì Bộ luật Dân sự lại xác định đất đai thuộc hình thức sở hữu Nhà nước.
Chia sẻ với ý kiến này nhưng luật sư Nguyễn Tiến Lập cho rằng khái niệm “Sở hữu toàn dân” như Hiến pháp 1992 quy định không thể đơn giản được coi là “Sở hữu nhà nước” và sở hữu nhà nước cũng không đơn giản là sở hữu của các cơ quan chính quyền theo phân cấp từ xã đến huyện, tỉnh và trung ương.
Thậm chí sở hữu toàn dân hay trạng thái “vô chủ” về đất đai đã vô tình tạo điều kiện cho sự lạm dụng tràn lan trong sử dụng quỹ đất cho lợi ích của các nhóm tư nhân hơn là lợi ích của toàn dân.
Còn luật sư Trương Thanh Đức khá gay gắt cho rằng quyền sử dụng đất hiện nay cũng chẳng khác gì quyền sở hữu, thì sao cứ phải cố tình đánh tráo khái niệm?
Thu hồi đất tràn lan tiềm ẩn bất ổn xã hội
Liên quan cơ chế thu hồi đất, báo cáo rà soát Luật Đất đai cũng chỉ ra việc cần phân biệt các cơ chế khác nhau trong việc thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích công cộng, lợi ích quốc gia và cho các mục tiêu phát triển kinh tế.
TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam cho rằng ông chưa thấy một quốc gia nào đưa phát triển kinh tế vào mục đích thu hồi đất, vì họ rất coi trọng quyền sở hữu tài sản của công dân. Trong khi điều 23 Hiến pháp nước ta quy định đất đai “trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng an ninh và vì lợi ích quốc gia, Nhà nước trưng mua hoặc trưng dụng có bồi thường tài sản của cá nhân hoặc tổ chức theo thời giá thị trường” thì điều 38 Luật Đất đai ngoài quy định đó còn bổ sung thêm “lợi ích công cộng, phát triển kinh tế”!
“Vậy luật có quyền quy định như thế không, có vi hiến không?”, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng đặt câu hỏi.
Cũng theo TS Phạm Sỹ Liêm thì chính việc mở rộng tràn lan phạm vi thu hồi đất ra quá tầm kiểm soát như hiện nay đã biến việc này trở thành tiêu điểm của phần lớn bất ổn xã hội và cũng là cơ hội tham nhũng cho một số quan chức.
Đồng tình với ý kiến đó, luật sư Nguyễn Tiến Lập nhắc đến chuyện Trung Quốc cũng đã tranh luận về vấn đề tương tự và đi đến khẳng định rằng “lợi ích quốc gia” hay “lợi ích công cộng” phải được hiểu là cho tất cả mọi người.
Từ đó ông Lập cho rằng việc nhiều dự án kinh tế được cấp đất sau khi thu hồi của người dân vừa qua không thể coi là dự án vì lợi ích quốc gia theo tinh thần của Hiến pháp được.
Một số ý kiến đề cập thực tế Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang trở thành một rào cản pháp lý làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền và lợi ích của người sử dụng đất.
Luật sư Nguyễn Minh Thắng cho rằng việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là nghĩa vụ, là trách nhiệm của cơ quan nhà nước, và nhà nước không được hạn chế quyền của người sử dụng đất chỉ vì yếu tố hình thức là không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.