Sửa giầy đi Tết

Đôi vợ chồng hành nghề gần chợ xóm Chiếu, quận  4. Ảnh: Trần Nguyễn Anh
Đôi vợ chồng hành nghề gần chợ xóm Chiếu, quận  4. Ảnh: Trần Nguyễn Anh
TP - Trong lúc mọi người đang bận rộn chuẩn bị Tết thì anh Thông, người thợ sửa giầy cũng mướt mồ hôi để làm đẹp những đôi giầy cho dân xóm lao động đón xuân. Thông nói với tôi: “Em khâu giầy đến hết 29 Tết mới nghỉ lo chuyện đón Tết”. 

Ám ảnh “sợ mất dép”

Thông, nom còn khá trẻ nhưng đã có vợ và ba đứa con. Hai vợ chồng cùng sửa giầy nuôi đàn con và bố mẹ già. “Trước kia gia đình em làm nghề đóng giầy, nhưng mình làm chẳng có thương hiệu nhãn mác gì, chỉ gia công cho các cửa hàng. Họ đem giầy mình đóng về dán tên cửa hàng họ vào bán. Lâu ngày chán quá, chuyển qua làm nghề sửa giầy dép tính ra đã mấy chục cái Tết rồi”, Thông nói.

Bố Thông tên là Hải, một trong những thợ sửa giầy dép đầu tiên ở làng làm giầy quận Tư này. Ông bắt đầu công việc từ những năm bao cấp, khi mà dép nhựa (người Sài Gòn gọi là dép mủ) lên ngôi. Cuộc sống bao cấp khó khăn, người đô thị lại không thể đi chân đất nên người ta quý giầy dép.

Anh Đông là người dân quận 4. Vốn là khách hàng của bác Hải, nay anh lại là khách hàng của con bác Hải. Cuối năm, anh Đông đem một lô giầy dép hỏng ra sửa, ngồi hàn huyên. “Thời trước 1975, giầy dép nhiều, thậm chí đồ Mỹ cũng sẵn nữa. Tiệm bán họ sửa luôn. Nghề sửa giầy chỉ rộ lên thời bao cấp, khi mà ngay cả người dân thành phố như chúng tôi cũng không có dép tử tế để đi. Thường cắt cả lốp xe ô tô để làm dép lốp”- anh Đông kể lại.

Bùi ngùi nhớ thời bao cấp khó khăn sau chiến tranh, anh Đông kể: “Thời những năm 1980 có câu sợ mất dép, sợ chạy mất dép, đấy là chuyện có thật. Nhà nào để dép ngoài cửa, dù một chiếc thôi, quay ra cũng bị mất rồi. Bọn trộm đi vào cả rạp chiếu phim. Chúng đi chân đất, vờ bảo mình là bác cho tôi đi qua một chút. Mình dơ chân lên, nó đi lướt qua, nhưng lát sau phát hiện đôi dép dưới chân đã bị mất rồi!”.

Năm tháng qua đi, anh Đông vẫn giữ thói quen đem giầy dép hỏng ra sửa, nhất là những khi Tết đến xuân về. Anh Đông nói: “Xưa không có giầy mà đi, giờ có nhiều quá, để trong tủ không đi cũng bị hỏng. Giờ chỉnh trang lại, đi Tết, đỡ tốn mua đồ mới”.  

Sợ bắt đền

Thông nói với tôi: “Thời nào cũng có người nghèo anh ạ. Có người đem những đôi dép giầy nát, chỉ đáng giá mấy chục bạc thôi, cố sửa để mà đi. Cũng có người đem tới cả chục đôi hàng hiệu giá hàng chục triệu bạc để sửa chơi Tết”.

Mỗi nhà mỗi giầy, mỗi người một dép. Chỉ biết khi Tết cận kề thì công việc của Thông bận bịu hơn ngày thường. Trong năm, vợ Thông ở nhà chăm con nhưng mấy hôm nay  khách đông quá, cô cũng ra phố cùng chồng khâu giầy dép trả gấp cho khách hàng. Cô được chồng giao khâu những đôi giầy cũ của những công nhân xây dựng ở tỉnh, sửa sang chuẩn bị về quê.

Sửa giầy đi Tết ảnh 1  Khâu lại đế giầy trả cho khách về quê ăn Tết

Chồng cô lo tân trang đám giầy hàng hiệu cho các quý bà. Thông bảo: “Đôi này của một chị khách quen giá hơn 1.000 USD đấy nhé. Chị ấy dặn: không được làm xây xước, không được có tì vết”. Thế là Thông phải lấy điện thoại chụp hình đôi giầy trước khi sửa để lưu lại làm bằng chứng. Thông bảo: “Nhỡ làm sai ý, chị ấy bắt đền mấy chục triệu thì năm nay nhà em mất giao thừa”.

Chị Hải là người Quảng Trị, vào Sài Gòn lập nghiệp mưu sinh. Chị nói: “Vợ chồng tôi nuôi 4 đứa con cũng từ nghề sửa giầy”. Chồng chị lâu nay sức yếu, ở nhà, chị còn bám trụ gần chợ xóm Chiếu cùng con trai và con dâu. Mấy ngày cuối năm, cận Tết, tôi thấy chồng chị cũng cố ra ngồi dưới gốc cây phụ vợ con khâu giầy. Khách khứa quây quần vừa bàn chuyện xuân vừa đợi giầy dép được sửa chữa.

Có chị mới mua giầy khá đắt tiền, nhưng để “nâng tầm” đón xuân, cô nhờ thay một cái đế giầy cao gấp đôi so với đế của hãng.  “Cao nhất là thay đế chú ạ” - chị Hải vừa khâu vừa gạt mồ hôi cười nói. “Thay đế là 130.000 đồng, còn lại thì toàn là thu tiền lẻ thôi”.  

Hộc đựng tiền của người sửa giầy chỉ toàn là tiền lẻ lấm lem. “Rất nhiều mà đếm lại chẳng được bao nhiêu chú ạ” - chị Hải nói.

Không dám mơ mái nhà hành nghề

Mấy hôm nay, Sài Gòn trời trở lạnh. Trong buổi sáng sương mù, người ta thấy bóng những người thợ sửa giầy thấp thoáng dưới những gốc cây, dưới những hạt mưa lất phất và cái lạnh chỉ có ở Sài Gòn trong những ngày xuân.

Gần chợ Bến Thành, đám sửa giầy chăng những tấm bạt che mưa để khâu giầy cho khách. Có lẽ tất cả những thợ sửa giầy, từ già chí trẻ ở cái thành phố này chưa bao giờ nghĩ đến mái nhà che nắng che mưa để hành nghề. Họ đã quen mưu sinh bên lề đường và dưới những gốc cây. Chị Hải nói: “Tôi ngồi gốc cây 40 mùa xuân rồi, chưa bao giờ dám nghĩ đủ tiền mà thuê cửa hiệu sửa giầy”.

Hoàn là người Tây Nguyên, lang thang xuống thành phố kiếm việc, được anh chủ sửa giầy ven đường gần chợ Bến Thành thu nạp. Hoàn nói: “Quê em còn nhiều người đi chân trần, dép đứt. Em xuống học cái nghề này được hai năm rồi, tính Tết này về quê kiếm đường làm ăn”.

Mấy điểm sửa giầy dép gần chợ Bến Thành cũng tồn tại trên dưới 4 thập kỷ rồi, vẫn chỉ là mưu sinh vỉa hè. Chủ 1 điểm nói: “Bố sửa giầy ở đây từ lúc tôi còn là đứa trẻ, mà giờ tôi theo nghiệp đến tóc bạc rồi”.

Khi mưa lất phất bay, người chủ sửa giầy căng một miếng ni lông màu xanh che một góc tường. Đám nhân công độ dăm bảy đứa vẫn hì hụi dán đế, khâu đế, đánh bóng những đôi giầy cũ.

Chị Linh đưa mấy đôi giầy đi sửa. Chị bảo tôi: “Chồng tôi người Bắc, ông ấy ra Hà Nội mua tới mấy đôi giầy cất đấy, để Tết mới đi. Giờ cuối năm đem ra thì giầy bị bong keo, phải đi dán lại chứ chẳng hư hỏng gì cả”.

Mấy đôi giầy của chồng chị Linh được dán keo, đánh xi sáng bóng. Chị hài lòng cho chúng vào túi đem về cho chồng đi đầu năm.

Chị Linh, anh Đông và những người khách hài lòng vui vẻ đem những đôi giầy được tân trang, nâng cấp về để đón Tết, khuôn mặt ai cũng vui vẻ, hài lòng. Dưới những gốc cây, những người thợ sửa giầy lại cắm mặt vào các đôi giầy của khách, oằn mình với những đường khâu  xuyên qua đế giầy dày hàng tấc.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.