Sự tử tế ngoài đời có đảm bảo cho sự tử tế trong sáng tạo nghệ thuật?

TP - Quanh chuyện một bài thơ có ba phiên bản với ba “đấng sinh thành” khác nhau, lắm chuyện cười ra nước mắt. Sau khi một nhân vật nữ “đầu hàng”, “đấu trường” còn hai vị: Nguyễn Vĩnh và Thy Minh. Câu hỏi đặt ra bây giờ: “Khúc thiếu phụ” của Thy Minh sinh trước hay “Người đàn bà thơ” của Nguyễn Vĩnh sinh trước? Xác định được thời điểm sinh nở, sẽ xác định được ai là kẻ đạo thơ.

Chúng tôi trao đổi với tác giả Nguyễn Vĩnh, ông 75 tuổi nhưng vẫn nhiệt tình tiếp chuyện: “Bài thơ ấy tôi đã in ở tập san của Hội văn học nghệ thuật Việt Trì từ năm 2008, vừa rồi mới có chuyện hai người đàn bà tranh giành một bài thơ, cuối cùng người đàn bà kia, tác giả Nguyễn Thị Thanh Long, mới lên tiếng: Đó là bài thơ của  Nguyễn Vĩnh tặng cô từ xưa”.

Tuy nhiên, Nguyễn Vĩnh cho biết, bài thơ đó anh cũng tặng cả Thy Minh. Sự việc trở nên rắm rối, khi Thy Minh nhận bài thơ là do cô tự sáng tác, có nhờ Nguyễn Vĩnh biên tập. Độc giả loay hoay: Không biết Nguyễn Vĩnh “nhận vơ” bài thơ biên tập hộ là của mình hay Thy Minh biến sáng tác được tặng thành “tài sản” riêng?

Thy Minh khẳng định qua thư riêng gửi một vị “quan tòa” của Hội Nhà văn TP Hồ Chí Minh: “Bài Khúc Thiếu Phụ do tôi sáng tác năm 2008 tại Nhà văn hóa Vũng Tàu, có lưu hồ sơ tại nhà sáng tác Vũng Tàu, lưu ở Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng, (nơi tác giả là hội viên-PV) đã được đăng ở báo Hạ Long, đã lưu bản thảo ở NXB Hội Nhà văn khi tôi xin giấy phép để xuất bản tập thơ Mắt Hoàng Hôn năm 2010”. Tác giả Nguyễn Vĩnh cũng đầy đủ căn cứ khi tìm được cuốn tạp chí “Văn nghệ Việt Trì” số 1, tháng 11 năm 2008, có đăng bài thơ “Người đàn bà” của ông. Ông chia sẻ với TPCN về hoàn cảnh sáng tác: Cô Thy Minh ngày trước đọc thơ tôi rồi khen thơ tôi. Rồi cô ấy gửi tặng tôi tập thơ có tựa đề “Dấu thời gian”. Vì thế tôi viết bài thơ đó, gửi tặng cô ấy. Tôi chưa từng gặp Thy Minh ngoài đời, cô ấy chủ động liên lạc với tôi qua điện thoại”. Lý do tặng một bài thơ cho cả hai người đàn bà, được Nguyễn Vĩnh lí giải: Tôi vẫn thường tặng thơ cho cả đàn bà, đàn ông, với tinh thần chia sẻ nguồn cảm xúc. Nguyễn Vĩnh nói: “Tôi là một nhà giáo, không bao giờ tôi làm cái việc người ta nhờ mình biên tập, mình lấy luôn bài của người ta”.

Chúng tôi có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội LHVHNT tỉnh Phú Thọ, ông cho biết đôi điều về Nguyễn Vĩnh, hội viên của mình: “Thơ anh Vĩnh nổi bật ở mảng thơ tình và thơ phục vụ tuyên truyền. Anh là người rất vui vẻ, chưa bao giờ dính dáng đến đạo thơ. Anh là con người rất tốt, là một thầy giáo dạy Toán có uy tín”. Tương tự, chúng tôi trao đổi với nhà thơ Phạm Quốc Ca, nguyên Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Lâm Đồng. Anh nhận xét về hội viên Thy Minh như sau: “Cô ấy hiền lành, tử tế. Nếu căn cứ vào đạo đức hàng ngày thì chẳng có tín hiệu gì về đạo thơ cả. Cô đã đi ra nước ngoài mấy năm nay rồi, nghe nói cô còn vào chùa sống nữa”.

Một thầy giáo dạy toán uy tín, một người xuất gia, cùng đang trong “cuộc chiến” giành một bài thơ không có gì đặc sắc. Ngoài đời, ai cũng tử tế cả nhưng sự tử tế ngoài đời có đảm bảo cho sự tử tế trong sáng tạo nghệ thuật?  Chính những nhà văn, nhà thơ nói đến chuyện đạo thơ lại lắc đầu ngao ngán, khuyên nhà báo: “Thôi, đụng đến những đề tài ấy làm gì, nhức đầu. Để chúng chìm xuồng đi”.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.