Ngày mai (5/6), Ngày Môi trường thế giới, nhân loại lại tiếp tục gồng mình sửa sai cho Leo, với khẩu hiệu “Chống ô nhiễm nhựa”. Mỗi năm trái đất cõng thêm 400 triệu tấn chất thải từ nhựa. Và nếu tốc độ này không bị ngăn chặn, thì sẽ có tới 1,1 tỷ tấn chất thải nhựa vào năm 2050. Kể từ khi Leo phát triển sản xuất hàng loạt loại nhựa đầu tiên vào năm 1905, đến nay đã có tới 7 tỷ tấn chất thải nhựa được tạo ra trên toàn cầu, trong đó chỉ dưới 10% được tái chế.
Tính ra mỗi người đang gánh 1 tấn chất thải độc hại và bất hoại này. Có không một kỷ nguyên “nhựa hóa thạch”? Chắc là không, mọi thứ có thể hóa thạch, trừ nhựa. Thậm chí các nhà khoa học đã xác định được một môi trường sống mới gọi là Plastisphere – bao gồm các hệ sinh thái mà mọi loại vi sinh vật biển đã kịp tiến hóa để phù hợp với môi trường vi nhựa độc hại.
Chúng ta đang ngồi trên cỗ xe thời đại lao đi với tốc độ ánh sáng, mà mọi thứ không còn dễ dàng kiểm soát, ít nhất theo lý thuyết thông thường như những kỷ nguyên trước. Tính hai mặt, thậm chí nhiều mặt của một phát minh là điều mà chính cha đẻ của chúng cũng không thể lường tới. CEO Sam Altman của OpenAI – cha đẻ ra ChatGPT vừa lo lắng cảnh báo rằng ChatGPT sẽ mang đến những hiểm họa khôn lường, thậm chí thay đổi hoàn toàn cách xã hội vận hành. Dù ra đời mới chỉ hơn một năm, nhưng e rằng tìm cách hãm phanh công cụ này đã khó khả thi, khi đà ứng dụng và lợi nhuận khổng lồ đang treo trước mắt các đại gia công nghệ số.
Chủ nhân của mạng xã hội có lúc nào cảm thấy ân hận, trước sự bùng nổ của cái gọi là “cư dân mạng” thật khủng khiếp? Thế giới đang chật vật với trên 8 tỷ nhân mạng. Nhưng nhân lên gấp nhiều lần hơn thế số lượng cư dân mạng, với muôn vàn bộ mặt, ứng xử khác nhau, so với chính bản gốc ngoài đời của họ. Một người trên không gian mạng luôn mang đủ thứ mặt nạ đạo đức, nhân cách khác nhau, và trở thành “chuyên gia” chém gió vanh vách về đủ mọi lĩnh vực, từ chính trị thế giới tới khoa học bậc cao, từ văn chương nghệ thuật tới hố đen vũ trụ, mà các chuyên gia đích thực cũng đều phải…bó tay. Sẽ rất khó có một chân lý khả dĩ với “đám đông cuồng loạn” này, dù trước một sự việc đơn giản, rõ ràng nhất.
Nhựa, hóa chất, nguyên tử, ChatGPT, AI cho đến mạng xã hội,… không ai có thể phủ nhận giá trị lớn lao của những phát minh này. Nhưng sự tráo trở của chúng (liên tưởng đến “Sự tráo trở của phương pháp”, tên tiểu thuyết nổi tiếng của Alejo Carpentier) là điều hơn lúc nào hết, cần giật mình cảnh giác. Trước hết từ chính những chiếc áo blouse trắng trong các phòng thí nghiệm, cùng với việc xây dựng một hệ thống kiểm soát thảm họa tương lai đủ mạnh…