Sự thật về tướng cướp "Người không mang họ" - Kỳ 4

Sự thật về tướng cướp "Người không mang họ" - Kỳ 4
TP - Vị thẩm phán được giao nhiệm vụ xét xử Toọng và băng đảng của y hiện nay thế nào? Ai là người giúp ông viết bản án tử hình? Những giây phút cuối cùng của tướng cướp khét tiếng ấy diễn biến ra sao?

Nhiều độc giả gửi thư, điện thoại về Tòa soạn đề nghị được cung cấp những thông tin liên quan ngay sau khi loạt bài Sự thật về tướng cướp Người không mang họ khởi đăng trên Tiền Phong.

Sự thật về tướng cướp "Người không mang họ" - Kỳ 4 ảnh 1
Ảnh minh họa.

Tuyên án

Xóm Khoa Đà 2, xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên (Nghệ An). Ngồi đối diện với tôi là cụ Nguyễn Lĩnh Cự - cựu Phó chánh án TAND tỉnh Nghệ Tĩnh, vị chủ tọa phiên tòa xét xử Trương Hiền và đồng bọn năm 1980.

Thấm thoắt, 29 năm trôi qua. Vị thẩm phán năm nào giờ đã lưng còng, tóc bạc. Tuổi cao sức yếu, cụ Nguyễn Lĩnh Cự không thể nhớ rõ hành tung của Toọng, cũng như chi tiết từng tội ác mà Toọng và băng đảng của y gieo rắc tại thành Vinh. Lớp lớp thời gian, án chồng lên án, khiến vụ việc kinh động những năm cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước dần phai mờ.

“Trước khi bị bắt, nó phá dữ lắm- Cụ Nguyễn Cự nói- Băng đảng của Trương Hiền không chỉ hoạt động ở TP Vinh, mà có lần còn mò lên tận huyện miền núi Quỳ Châu, Quế Phong. Năm đó, QK4 huy động cả bộ đội đặc công tham gia vây bắt Toọng, nhưng không có kết quả”.

Thường thì, càng gần đến ngày ra pháp trường, tử tù càng hoang mang, sợ hãi. Nhưng Toọng lại tỏ ra lầm lỳ, ít nói, dù biết cái chết cầm chắc trong tay.

Tôi hỏi: “Cụ đã đọc tiểu thuyết Người không mang họ chưa? Giữa nguyên mẫu ngoài đời và điển hình văn học có gì khác nhau?”. Cựu Phó chánh án lắc đầu: “Khác xa nhau lắm. Toọng chỉ là một thanh niên thất học, mồ côi bố, sớm bị lưu manh hóa, rồi sa vào con đường lầm lạc. Toọng không có võ. Võ nghệ cao cường trong băng đảng do Toọng cầm đầu, phải kể đến một tên đồng hương với Đại ca Toọng. Hắn quê Quảng Trị”.

Cụ Cự cho biết: “Trước vành móng ngựa, trong khi đồng bọn tỏ ra sợ hãi, run như cầy sấy, thì Trương Hiền vẫn giữ vẻ bình thản, thái độ khai báo thành khẩn”. Với tội ác gây ra, hội đồng xét xử TAND Nghệ Tĩnh tuyên tử hình đối với Trương Hiền và ba tên đồng đảng.

Trương Hiền có đơn kháng án. HĐXX phúc thẩm TAND Tối cao xử y án tử hình.

Tử tù, những giây phút cuối 

Sự thật về tướng cướp "Người không mang họ" - Kỳ 4 ảnh 2
Núi Dũng Quyết - nơi thi hành án tử hình tướng cướp Toọng

Chánh án TAND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Trí Tuệ cho biết: “Trước khi cảnh sát dẫn giải bị cáo Trương Hiền ra trước vành móng ngựa, tôi trực tiếp vào trại giam gặp anh ta”. Năm 1980, với vai trò thư ký tòa án, ông Tuệ được giao nhiệm vụ tập hợp tài liệu, viết bản án.

Nhân viên an ninh nói: “Toọng là một tên tử tù liều lĩnh, anh không nên tiếp xúc với hắn”. Bất chấp cảnh báo, Nguyễn Trí Tuệ vẫn vào thăm Trương Hiền. Lãnh đạo Ty Công an Nghệ Tĩnh không thể để ông một mình đối diện với tướng cướp, bèn cử hai cảnh sát bảo vệ đi cùng.

Đây là lần đầu tiên, vị thư ký tòa án tiếp xúc với tướng cướp khét tiếng. “Bề ngoài, Toọng không có gì ghê gớm. Đầu húi cua, da ngăm đen, nom anh ta giống cửu vạn ngoài bến tàu, chợ Vinh, hơn là thủ lĩnh của giới giang hồ thành Vinh”, ông Tuệ nhớ lại. Thường thì, càng gần đến ngày ra pháp trường, tử tù càng hoang mang, sợ hãi. Nhưng Toọng lại tỏ ra lầm lỳ, ít nói, dù biết cái chết cầm chắc trong tay.

“Anh có thắc mắc gì về bản cáo trạng của viện kiểm sát?”, Nguyễn Trí Tuệ hỏi.

“Một số vụ việc không phải do tôi chủ mưu”, Toọng đáp.

“Anh có nguyện vọng gì không?”, anh Tuệ lại hỏi.

“Tôi muốn được nhìn thấy mẹ”, Toọng nói.

Im lặng một lúc, tướng cướp lên tiếng:

“Cán bộ có thuốc lá không, cho tôi xin một điếu”.

Toọng nghiện nặng.

“Nhờ anh đi xin cho nó điếu thuốc, được không?”, Nguyễn Trí Tuệ quay sang anh cảnh sát.

“Không được. Nhiệm vụ tôi vô đây là bảo vệ cho anh. Tôi ra ngoài, nếu xảy ra bất trắc, ai chịu trách nhiệm”, anh cảnh sát trẻ lắc đầu.

Ngày xử Toọng, hàng ngàn người hiếu kỳ đổ về chân núi Quyết. Địa điểm thi hành án là một bãi đất trống, khá bằng phẳng, cách chân núi khoảng 30m.

Cựu Phó Chánh án Nguyễn Lĩnh Cự tốt nghiệp trường Trung cấp tài liệu, sau đó học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cán bộ Tòa án tại Chèm (Cầu Giấy, Hà Nội). Nghỉ hưu năm 1989. Gia đình có ba con, hai gái, một trai. Hiện cư trú tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An.

Lợi râu, tay chân đắc lực của tướng cướp Toọng, sợ vãi ra cả quần. Đến lúc nhân viên an ninh áp giải đến dựa cột, Lợi râu ngất xỉu. Toọng vẫn lầm lỳ. “Cho tôi xin điếu thuốc lào”, tướng cướp nói. Trưởng phòng thi hành án trao cho tử tù chiếc điếu cày. Nhưng một bàn tay gân guốc bất ngờ ngăn lại, tước chiếc điếu cày trên tay anh ta. “Không được, các đồng chí làm như thế là mất cảnh giác”, người này nói.

Đứng gần chân núi, sát bên cạnh Toọng, Nguyễn Trí Tuệ nhìn thấy cảnh này, anh lặng lẽ quay mặt. “Tiếng nói của tử tù Toọng lúc anh ta xin thuốc hút, tôi nghe hai lần. Tôi cảm thấy lương tâm mình day dứt, không quên được. Bây giờ thì không còn xảy ra những cảnh này”, Chánh án Nguyễn Trí Tuệ bồi hồi. 

Kết thúc chiến dịch cất vó băng cướp do Trương Hiền cầm đầu, Công an Nghệ Tĩnh bắt 15 tên. Công an Thanh Hóa, Nam Định bắt giữ sáu tên đồng đảng dạt tới. Đệ nhị mãi võ và ba đồng phạm lĩnh án tử hình. Sau năm 1980, TP Vinh bình yên trở lại. Đây là một chiến công xuất sắc của lực lượng công an Nghệ Tĩnh những năm đầu đất nước giải phóng.

Một người đàn bà nắm giữ một phần bí mật đời tư của tướng cướp Trương Hiền, sau này trở thành vợ của Lợi râu, và có với anh ta một đứa con trai. Gần 30 năm qua, bí mật bị vùi chôn... Đón xem kỳ 5, số ra sáng mai: Bí mật chôn vùi.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.