Sự thật về 'thần dược' thẻ chống virus đang rao bán ầm ầm trên mạng

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet
TPO - Giữa 'cơn bão' virus corona, nhiều người bán hàng đã lợi dụng sự lo lắng của dân về dịch bệnh để bán hàng trục lợi. Ngoài các phương pháp 'đông tây kim cổ' không có bằng chứng khoa học, còn có cả 'thần dược thẻ chống virus' được rao bán ầm ầm...

Ngoài mặt hàng khẩu trang đang bán "cháy hàng", các sản phẩm được quảng cáo có tác dụng như "bùa" chống nCoV như thẻ đeo kháng khuẩn, xịt kháng khuẩn cũng được nhiều người rao bán rầm rộ với nhiều mức giá từ 250.000 - 370.000 đồng/sản phẩm. Thậm chí có những nơi quảng cáo về 'thần dược thẻ chống virus' có giá bán lẻ được 'niêm yết công khai' lên đến 450.000 đồng/ thẻ.

Đây đa phần là các mặt hàng được xách tay từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc). Người bán quảng cáo đây là những mặt hàng được ngành y tế các nước khuyên dùng khi có dịch bệnh. Loại xịt kháng khuẩn có công dụng như lọc bụi siêu nhỏ 2.5 PM, tạo ra lớp màng bảo vệ ion ngăn chặn sự xâm nhập của tất cả vi khuẩn, virus có hại và có cả công dụng... dưỡng đẹp da.

Còn loại thẻ diệt khuẩn có công dụng "cao siêu" hơn như làm sạch không khí xung quanh, ngăn chnwj vi khuẩn, virus có hại, khử mùi hôi khó chịu...

Trước thông tin này, các bác sỹ truyền nhiễm khuyến cáo, người dân nên bình tĩnh làm theo các khuyến cáo của ngành y tế về cách phòng chống dịch bệnh, không nên tin theo những quảng cáo bán hàng 'trên trời' để tiền mất tật mang.

Với loại 'thẻ chống virus' hiện chưa có bất cứ một nghiên cứu nào đề cập đến tác dụng của loại thẻ này trong việc phòng chống virus xâm nhập vào cơ thể con người hay 'giảm tác hại lây truyền' như những quảng cáo 'có cánh' trên mạng.

Sự thật về 'thần dược' thẻ chống virus đang rao bán ầm ầm trên mạng ảnh 1

Quảng cáo bán 'thẻ chống virus' với giá 450.000 đồng/ thẻ

PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho rằng người dân không nên quá hoang mang và phải biết cách phòng bệnh. Đó là không tiếp xúc với những người bệnh có các biểu hiện nghi ngờ viêm phổi và cả những bệnh khác để hạn chế lây lan cho mình.

“Nếu có tiếp xúc với người bệnh phải đeo khẩu trang, vì đeo khẩu trang là hạn chế không để người bệnh lây cho mình, nhưng giả sử mình có bệnh cũng giảm sự phát tán những giọt chất lỏng chứa mầm bệnh vào không khí từ những cái ho hoặc hắt hơi giúp phòng bệnh cho người xung quanh. Còn nếu không có khẩu trang thì đơn giản là dùng tay che miệng, nhất là khi ho và hắt hơi"- PGS.TS Trần Đắc Phu lưu ý.

Cũng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, khẩu trang y tế thông thường đủ khả năng phòng ngừa virus corona. Các loại khẩu trang chuyên dụng như N95 và quần áo bảo hộ chỉ dùng cho nhân viên y tế làm việc trong môi trường tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh hoặc cho người đi vào vùng dịch hoặc nơi cách ly bệnh nhân, nghi ngờ có virus.

BS Trương Hữu Khanh – Trưởng Khoa Nhiễm – Thần Kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 TP HCM) cho biết: “Không bao giờ có phương pháp nào trị dịch cúm như những “anh hùng bàn phím” đang lan truyền. Họ nói là trị được bệnh chẳng qua là muốn bán hàng, muốn được nổi tiếng. Vì thế, người dân không nên tin những lời chia sẻ trên mạng xã hội để tránh tiền mất, tật mang”.

Theo bác sĩ Khanh, cách đơn giản nhất là khi đi ra ngoài, người dân nên đeo khẩu trang 3 lớp. Ngoài ra, quan trọng nhất là thường xuyên rửa tay với xà phòng dưới vòi nước.

"Tay không chỉ là nguồn lây bệnh cho bản thân mà còn là nguồn phát tán virus cho nhiều người. Vì vậy, thường xuyên rửa tay dưới vòi nước với xà phòng giúp đẩy các chất bám virus đi", bác sỹ Khanh đưa lời khuyên.

MỚI - NÓNG