Sự thật về câu chuyện “Tình đầu bất hạnh của cô bé bụi đời”

Sự thật về câu chuyện “Tình đầu bất hạnh của cô bé bụi đời”
TP - Bị bỏ rơi ngay khi lọt lòng, phải sống bụi đời, một cô gái tên Lượm ở Huế từng làm hàng triệu khán giả xem truyền hình thổn thức. Tuy nhiên, có một sự thật hoàn toàn khác. Cô “Lượm” có quê quán, bố mẹ, chồng con hẳn hoi và chưa bao giờ đi… bụi đời...
Hai mẹ con cô Lượm dởm trên chương trình Người xây tổ ấm của VTV1 Ảnh: Vietnamnet
'Lượm' trong chương trình của VTV1 Ảnh: VietNamNet

Năm 2010, một trang tin tức điện tử trong nước tổ chức cuộc thi viết Mối tình đầu của tôi. Một cô gái tự nhận tên là Lượm ở TT - Huế đã tham gia cuộc thi và thắng giải.

Câu chuyện cô gái “Lượm” có tựa Tình đầu bất hạnh của cô bé bụi đời, kể về thân phận bé Lượm, được cho là thật, khi vừa chào đời đã bị mẹ bỏ rơi trên ghế đá công viên trước Trường Quốc học Huế. Đứa bé tội nghiệp được một bà lão tốt bụng nhặt về nuôi, đặt tên là Lượm (có nghĩa là nhặt). Năm 15 tuổi, cô mất đi người bà nuôi do tử nạn trong trận lụt lịch sử tại Huế năm 1999.

Lượm sống lang thang bụi đời, hằng đêm ngủ vật vạ ở bến tàu, sân ga, công viên, làm thuê, xách ma túy, cho đến khi gặp một thanh niên tốt bụng dạy cho cô biết chữ, cách làm người và những lẽ sống tốt đẹp trên đời. Trước khi tiết lộ thân phận con nhà giàu, đang học thạc sĩ và chuẩn bị đi Mỹ, anh chàng tốt bụng cũng kịp gieo một mầm sống trong người Lượm. Cô gái bụi đời lặng lẽ sinh con, sống cam chịu và ngày ngày cõng con đi bán vé số kiếm sống tại thành phố Huế...

“Lượm” - Thùy Dương tỏ vẻ ân hận về sự lừa dối của mình đối với độc giả, khán giả cả nước Ảnh: Ngọc Văn
“Lượm” - Thùy Dương tỏ vẻ ân hận về sự lừa dối của mình
đối với độc giả, khán giả cả nước. Ảnh: Ngọc Văn.

Mối tình của Lượm ngay lập tức được độc giả và nhiều trang thông tin điện tử trong nước tán dương như là một câu chuyện cổ tích có thật về tình yêu, lòng vị tha của Lượm với người mẹ, sự hy sinh hết mình vì đứa con.

Tưởng đây là câu chuyện có thật, chương trình Người xây tổ ấm của VTV đã đưa chân dung cô gái bụi đời lên sóng. Đêm 25 và sáng 26-1-2011, hàng triệu khán giả cả nước lại một lần nữa rơi lệ khi nghe cô kể về thân phận mình và được tận mắt chứng kiến các đoạn phóng sự ngắn mô tả cảnh “ăn nhờ ở đậu” của Lượm tại tỉnh TT - Huế. Chỉ đến khi người dân Thuận An quê cô phát hiện mọi lời nói, sự khóc lóc, nước mắt của “Lượm” đều là giả dối và tự “diễn”, sự thật về “Lượm” đã bị lật tẩy.

Cô gái tự cho là “Lượm” xuất hiện trên truyền hình tên thật là Trần Thị Thùy Dương (SN 1983, quê quán Thuận An, Phú Vang, TT - Huế), hiện trú tại số 4 kiệt 16 đường Chế Lan Viên, TP Huế. Cô có bố mẹ, anh em, chồng con, nhà cửa, quê quán rõ ràng, chứ không vô gia cư, không nghề nghiệp, không có họ, phải sống nhờ tại thị trấn Tứ Hạ, huyện Hương Trà (TT - Huế) như thông tin trên phóng sự truyền hình.

Bố mẹ “Lượm” vẫn còn sống, nhưng cô khóc lóc kể trên đài truyền hình là trẻ mồ côi từ khi mới lọt lòng Ảnh: Ngọc Văn
Bố mẹ “Lượm” vẫn còn sống, nhưng cô khóc lóc kể trên đài truyền hình là trẻ mồ côi từ khi mới lọt lòng. Ảnh: Ngọc Văn.

Tiếp xúc với phóng viên Tiền Phong sáng 2-3, ông Trần Văn Thành, bố của Dương gạt nước mắt bức xúc: “Tui đau khổ và nhục nhã với dòng họ, tổ tiên, ông bà lắm. Ai đời, nó có cha, có mẹ, có dòng họ tổ tiên như rứa mà lại phủ nhận tất cả, đổ tiếng ác cho mẹ là bỏ rơi con giữa công viên khi mới sinh”.

Bà Lê Thị Liễu, mẹ Dương, phiền não, nói: “Vợ chồng tui nuôi nó khôn lớn, cho ăn học tới cấp 3 rồi gả chồng đàng hoàng, rứa mà lên đài truyền hình, nó nói là bị mẹ bỏ rơi, đi bụi đời, bán vé số, được thằng mô đó dạy cho biết chữ. Chừ đi tới mô người ta cũng bàn tán”.

Ra chợ Thuận An, nơi Dương bán hàng để tìm hiểu thêm thông tin, tới đâu, người dân cũng xôn xao chuyện cô “Lượm” lừa đài truyền hình.

Bà Hoa bán trái cây, nói: “Thiệt là quá trơ trẽn. Trước Tết, ngày mô nó cũng chạy xe Attila về bán hàng tại chợ ni. Rứa mà bỗng dưng xem trên truyền hình thì thấy nó nói không có nghề nghiệp, phải vác cuốc làm đồng ở tận ngoài huyện Hương Trà. Ở nhà, nó tên là Bé Chị chứ lượm với lặt chi”.

Ông Đặng Nguyễn Tuấn Anh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Thuận An, cho biết: “Cô Dương lên ti vi kể lể từng bị công an bắt, bị tạm giam 2 tháng. Đây là thông tin hoàn toàn bịa đặt, ảnh hưởng đến ngành công an và phong trào chung của địa phương. Thị trấn sẽ xem xét, kiến nghị đài truyền hình nghiêm túc đính chính vấn đề này”.

Gặp chúng tôi tại nhà riêng trưa 2-3, cô “Lượm” khóc và ân hận: “Khi vào chăm con trong bệnh viện, em nghe một cô gái tên Lượm kể về chuyện ni. Thấy cảm động, nên em viết bài dự thi để giúp cô ấy tìm lại cha mẹ, người yêu. Em không cố ý lừa ai, nhưng đã không đủ can đảm nói lên sự thật mình không phải là Lượm khi được đài truyền hình mời giao lưu, kể chuyện đời thật. Em đã sai rồi”.

Dương cho biết thêm, sau khi câu chuyện cô kể được lên đài, lên báo, cô có nhận 7 triệu đồng của một phụ nữ tên Hương ở Hà Nội gửi vào giúp đỡ để trị bệnh cho con. Gần đây, nhiều nhà hảo tâm đặt vấn đề giúp đỡ Dương, nhưng cô từ chối vì thấy ân hận khi sự thật câu chuyện bị đẩy đi quá xa, vượt ngoài tầm kiểm soát của mình.

Cháu trai được Dương đưa đến trường quay thật ra là con của cô và chồng (Phạm Văn Thân), chứ không phải là sản phẩm của mối tình lãng mạn giữa cô gái bụi đời và chàng thanh niên hào hiệp như trên truyền hình. Cháu bé tên là Phạm Khiêm, 4 tuổi, không phải hằng ngày theo mẹ bán vé số như trong câu chuyện.  

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
Bộ Xây dựng đề nghị Hà Nội sớm rút ngắn thủ tục đầu tư nhà ở xã hội
TPO - Bộ Xây dựng đề nghị TP Hà Nội có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng... để hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp triển khai đầu tư xây dựng dự án, tạo nguồn cung cho thị trường và tận dụng được nguồn vốn ưu đãi phát triển.
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
Xử phạt hơn 275.000 'ma men' chỉ trong quý 1
TPO - Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, trong quý 1, lực lượng Cảnh sát giao thông trên toàn quốc đã kiểm tra, xử lý 1,03 triệu trường hợp vi phạm trật tự an toàn giao thông. Trong đó, có hơn 275.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.