Sự thật những lời đồn thổi về Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền

Sự thật những lời đồn thổi về Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền
TPCT - Vòng chung khảo khu vực phía Bắc cuộc thi Hoa hậu Việt Nam 2004 do báo Tiền phong tổ chức diễn ra tại Hà Nội. Hội trường lớn tầng 10 tòa nhà trụ sở báo Tiền phong nơi diễn ra vòng sơ khảo đã chật ních thí sinh.
Sự thật những lời đồn thổi về Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền ảnh 1

Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền. Ảnh: Hồng Vĩnh

Tôi vừa bước vào hội trường cùng nghệ sĩ nhân dân Trà Giang và tiến sĩ nhân trắc học Thẩm Hoàng Điệp thì nhà báo Dương Phương Vinh, Trưởng ban văn nghệ báo Tiền phong kéo tay bảo: "Anh đã nhìn thấy hoa hậu chưa?".

Tưởng Dương Phương Vinh đùa. Chưa thi, làm sao có hoa hậu!

Vòng chung khảo khu vực phía Nam đã chọn được 20 thí sinh vào vòng chung kết. Hôm nay, mới bắt đầu vòng sơ khảo phía Bắc. Tôi đã loáng thoáng có ấn tượng với vài ba gương mặt, nhưng vẫn chưa có thí sinh nổi trội.

Hôm ở thành phố Hồ Chí Minh, nhà báo Nguyễn Công Khế, Tổng Biên tập báo Thanh Niên có điện cho tôi giới thiệu một thí sinh mà theo anh là "Khá lắm".

Đó là Trịnh Chân Trân. Gia đình Trịnh Chân Trân  có gọi điện đến ban tổ chức xin được đăng ký thi vòng sơ khảo khu vực phía Bắc vì Trân hiện đang ở nước ngoài chưa về kịp.

Dương Phương Vinh đưa mắt về phía một cô gái đang đứng nói chuyện ở hàng ghế giữa của hội trường. "Từ sáng đến giờ, nhiều người trong cơ quan tấm tắc khen… Một gương mặt thánh thiện đấy chứ".

Tôi nhìn lướt qua thí sinh mà nhà báo Dương Phương Vinh vừa nói. Dáng cao, da trắng, đôi mắt đen với hàng mi dày, cong vút…

Đó chính là Nguyễn Thị Huyền, Hoa hậu Việt Nam 2004 sau này. "Nghe nói dân sinh viên báo chí tuyên truyền đây! Đồng nghiệp tương lai hẳn hoi nhé". Vẫn là cách nói rất Dương Phương Vinh.

Hôm ấy, gần 200 thí sinh tự do (nghĩa là những thí sinh đăng ký trực tiếp với tòa soạn, không qua cuộc thi người đẹp do các tỉnh thành tổ chức) trình diễn ba vòng thi. Ban giám khảo chọn được 17 thí sinh, trong đó có Nguyễn Thị Huyền, Trịnh Chân Trân  và Lan Hương có số điểm cao nhất.

Suốt thời gian thí sinh luyện tập và tham gia các hoạt động từ thiện ở Quảng Ninh, chúng tôi đã tập trung quan sát từng cử chỉ, lời nói, cả trong bữa ăn của các người đẹp…

Hai gương mặt luôn gây được ấn tượng cho ban giám khảo chính là Nguyễn Thị Huyền và Trịnh  Chân Trân. Huyền có vẻ đẹp hồn nhiên, tươi sáng, Chân Trân  thì thông minh, lịch lãm…

Vòng chung kết diễn ra hai đêm ở Tuần Châu. Đêm thứ nhất, đêm khai mạc (không truyền hình trực tiếp) gần như không bán chỉ để mời và người xem vẫn ngồi kín sân khấu nhạc nước mười hai ngàn chỗ.

Trên hai ngàn thí sinh đăng ký dự thi năm đó, qua các vòng sơ tuyển, sơ khảo ở các địa phương và khu vực, 39 thí sinh đã đại diện cho người đẹp cả nước lọt vào vòng chung kết. Qua đêm đầu tiên, già một nửa thí sinh đã bị loại, 19 thí sinh được chọn vào đêm thi cuối cùng.

Sự thật những lời đồn thổi về Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền ảnh 2
Ảnh: Hồng Vĩnh

Đứng đầu danh sách 19 thí sinh là Nguyễn Thị Huyền, rồi đến Trịnh Chân Trân. Số điểm của hai thí sinh này bỏ rất xa những thí sinh kế tiếp.

Càng đi sâu vào vòng trong, Nguyễn Thị Huyền càng tỏa sáng.  Một vẻ đẹp rất nữ tính, rất Việt Nam. Các số đo của Huyền cũng rất chuẩn. Trong buổi tiếp xúc với 19 thí sinh để trả lời các câu hỏi ứng xử của ban giám khảo, Nguyễn Thị Huyền, Trịnh Chân Trân đều tỏ ra thông minh, hiểu biết.

Tôi rất mừng. Hai năm với biết bao công việc chuẩn bị cho một cuộc thi người đẹp quốc gia đến lúc này sắp hoàn tất. Điều quan trọng nhất của cuộc thi hoa hậu, chính là có được người đẹp xứng đáng để chọn làm hoa hậu.

Dù cuộc thi có hoành tráng, quy mô đến đâu mà không có được người đẹp xứng đáng để chọn làm hoa hậu, thì không thể nói là cuộc thi đã thành công.

Từ khi báo Tiền phong khởi xướng ra cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất năm 1988 đến nay đã gần hai mươi năm. Cứ hai năm một lần, nỗi lo thường trực của chúng tôi là tìm cho được người đẹp xứng đáng, tiêu biểu cho hàng triệu phụ nữ Việt Nam để gắn vương miện.

Dù hai ngàn, ba ngàn, hay năm ngàn thí sinh đăng ký dự thi mà không có được người tiêu biểu xứng đáng nhất thì, đứng về mặt nào đó  cũng chỉ là con số không!

May thay, các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do báo Tiền phong tổ chức đều tìm được những người đẹp xứng đáng để trao vương miện. Tôi nói may mắn là bởi vì, ngoài sự cố gắng, nỗ lực của ban tổ  chức, của các tỉnh thành trong cả nước tham gia tuyên truyền, động viên, tổ chức các cuộc thi ở địa phương để tuyển chọn người đẹp, còn có một yếu tố mà không ai có thể biết trước được ấy là:

Trong hai năm ấy, người thiếu nữ có vẻ đẹp tiêu biểu nhất của các thiếu nữ Việt Nam đã xuất hiện chưa? Có đi thi hay không?

Khi Nguyễn Thị Huyền, Trịnh Chân Trân hiện hữu trước mắt mọi người, với sự nhất trí khá cao của ban giám khảo, tôi đã tự bảo mình: "Thế là yên tâm. Đã tìm thấy hoa hậu rồi".

Người đời bảo “Không có lửa làm sao có khói”. Nhưng người đời cũng lại bảo: Một trăm lời đồn chưa phải là sự thật... Nếu có lời đồn nào đó là sự thật, thì biết đâu đằng sau sự thật đó còn có một sự thật khác...

Đêm ấy, tôi ngỡ rằng sẽ được ngủ một giấc ngon sau bao nhiêu lo lắng, thấp thỏm…

Kết thúc đêm khai mạc, tôi về đến nhà độ mười một giờ tối. Ngày mai, ban tổ chức sẽ cho thí sinh nghỉ buổi sáng, buổi chiều, ban giám khảo hội ý chuẩn bị cho đêm chung kết.

Vừa bước vào phòng tắm thì có người gõ cửa. Tôi  mặc vội quần áo. Một thành viên trong ban tổ chức mang đến cho tôi mấy lá đơn…

Tôi vội bật đèn và đọc. Sững người. Đơn tố cáo hai nhân vật sáng giá nhất của cuộc thi: Nguyễn Thị Huyền và Trịnh Chân Trân.

Nguyễn Thị Huyền bị tố cáo có quan hệ bất chính với một người đàn ông đã có gia đình, bị vợ anh ta đánh ghen ầm ĩ, bị cạo trọc đầu…

Còn Trịnh Chân Trân thì, "bố đi nhầm giày  Tây", bằng thạc sĩ là bằng giả…

Thực ra, theo thông lệ, trước khi vào vòng chung kết, những thí sinh có số điểm cao đều được ban tổ chức cử người đi xác minh cẩn thận. Anh em chúng tôi thường nói vui là phải có "ba dấu đỏ", nghĩa là có sự xác minh của chính quyền phường, công an phường, và cơ quan nơi thí sinh đang công tác hay học tập.

Cả Huyền và Trân Chân đều được xác minh là tốt, cả gia đình và bản thân.

Những tình tiết bất ngờ từ lá thư tố cáo khiến ban tổ chức hoàn toàn không thể lường trước được. Nếu những điều đó là có thật thì sao! Người tố cáo có ghi tên mình (nhưng tôi đoán là tên giả, vì khi lần tìm, xác minh họ tên và địa chỉ thì không có). Tuy vậy, trong đơn tố cáo nói rõ cần gặp ai, nói ra những nhân chứng như cô Vũ Tuyết Oanh dạy thể dục thẩm mỹ ở Cung văn hóa Việt Tiệp (Hải Phòng)…

Tôi liền gọi điện cho Phó Tổng biên tập, Phó ban tổ chức Lương Ngọc Bộ, và Trưởng ban thí sinh Chu Thúy Hoa. Tôi không muốn nhiều người biết việc này…

Sau khi bàn bạc, chúng tôi quyết định sẽ khẩn trương xác minh, làm rõ để báo cáo công khai trước ban giám khảo.

Tôi gọi điện cho Vũ Tiến, thư ký tòa soạn báo (Vũ Tiến quê Hải Phòng, cả hai vợ chồng từng nhiều năm làm phóng viên báo Hải Phòng), rất am hiểu vùng đất Cảng.

Tôi nói với Vũ Tiến phải về Hải Phòng ngay để kết hợp với Phạm Duẩn (Lam Khê), phóng viên báo Tiền phong thường trú ở đó sớm điều tra, xác minh lại những điều người ta tố cáo về Nguyễn Thị Huyền. Tiến phóng xe về Hải Phòng trong đêm (vợ chồng Tiến vừa mua ô tô).

Tôi điện cho Hồng Tuyến, Trưởng ban đại diện báo Tiền phong ở TP Hồ Chí Minh trực tiếp đi xác minh trường hợp Trịnh Chân Trân…

Sự thật những lời đồn thổi về Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền ảnh 3
Ảnh: Hồng Vĩnh

Đầu óc tôi căng thẳng đến tột độ. Tôi chợt nhớ tới Ngọc Oanh.

Á hậu Ngọc Oanh cũng quê Hải Phòng, đoạt danh hiệu Á hậu cuộc thi Hoa hậu toàn quốc năm 2002 do báo Tiền Phong tổ chức. Tôi biết Ngọc Oanh từng nhiều năm sinh hoạt ở Cung Văn hóa Việt Tiệp (Hải Phòng). Hiện nay Á hậu Ngọc Oanh đang làm việc ở Đài truyền hình Việt Nam - người dẫn chương trình rất có duyên.

Tôi lần tìm số điện thoại rồi bấm gọi cho Ngọc Oanh. Tôi xin lỗi Oanh vì đêm đã muộn mà vẫn phải quấy quả đến người đẹp.

Tôi nói thật cho Ngọc Oanh biết những lo lắng của tôi về thí sinh Nguyễn Thị Huyền. Tôi bảo Ngọc Oanh: "Anh đã nói thật với em thì em cũng phải nói hoàn toàn sự thật". Ngọc Oanh cho hay, cô và Nguyễn Thị Huyền vốn là bạn thân, phải nói là rất thân từ nhiều năm nay. Cả hai đều học thể dục thẩm mỹ ở Cung Văn hóa Việt Tiệp Hải Phòng, đều do cô Vũ Tuyết Oanh dạy.

Á hậu Ngọc Oanh cũng đã biết những lời đồn đại và vụ đánh ghen, về lời đồn Huyền bị vợ của người tình đè ra cạo trọc đầu...

"Có lần, em thấy Huyền trùm khăn kín đầu… Em rủ Huyền đi chơi và làm như vô tình kéo tuột cái khăn ra… Em vô cùng ngạc nhiên. Đầu Huyền trọc lóc như đầu một nhà sư…

Em hỏi Huyền vì sao lại cạo trọc đầu? Huyền thản nhiên bảo "Tao thích thế".

Tôi ngao ngán, rã rời! Còn hy vọng gì nữa đây! Tôi biết Oanh nói thật. Một sự thật rất khó tin. Có cái gì uẩn khúc phía sau sự thật này không?!

(Còn nữa)

LTS: Nối tiếp tập I cuốn “Hoa hậu và những chuyện bên lề các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam” xuất bản năm 1998, được độc giả hoan nghênh, nhà thơ Dương Kỳ Anh sắp ra mắt tập II cuốn sách với tựa đề “Hoa hậu Việt Nam, những điều chưa biết” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành vào quý I năm 2007.

Đây là những bài viết của một người trực tiếp làm Trưởng ban giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam và thành viên ban giám khảo cuộc thi Hoa hậu quốc tế ASEAN 2005.

Là Tổng biên tập báo Tiền phong, nhà thơ Dương Kỳ Anh đã cùng những đồng sự của mình ở báo tổ chức cuộc thi hoa hậu đầu tiên ở nước Việt Nam thống nhất (1988) và  từ đó, hai năm một lần, báo Tiền phong đã tổ chức thành công 10 cuộc thi Hoa hậu Việt Nam.

Các cuộc thi sắc đẹp ở Việt Nam do báo Tiền phong tổ chức không những đã ghi tên vào bản đồ sắc đẹp thế giới, mà thứ hạng người đẹp Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế.

Việc mở đầu và tổ chức thành công các cuộc thi hoa hậu không những nhằm tôn vinh người phụ nữ Việt Nam ở trong nước, ở khu vực và trên  thế giới, các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam do báo Tiền phong tổ chức còn là những sinh hoạt văn hóa lành mạnh, hấp dẫn, nhằm định hướng về cái đẹp cho tuổi trẻ, thu hút thanh niên đến với tờ báo, đến với tổ chức Đoàn, tổ chức hội, góp phần tập hợp đoàn viên, thanh niên…

Để có được thành quả đó, những người tổ chức đã trải qua bao thăng trầm, thử thách, bao chuyện tưởng như không thể vượt qua… Từ những câu chuyện được tác giả chứng kiến và kể lại cực kỳ sinh động như “Hoa hậu Nguyễn Thị Huyền và chuyện “bị đánh ghen, cạo trọc đầu”, “Hoa hậu Ngọc Khánh và cú ngã định mệnh”, “Phía sau chuyện Hoa hậu Mai Phương “mất tích”, “Cảm nhận về cái đẹp và nhạc sỹ Trịnh Công Sơn”, “Vì sao báo Tiền phong tổ chức thi hoa hậu”, “Tôi làm giám khảo Hoa hậu quốc tế”, “Vụ người đẹp D.X.M tự tử” v.v…. Tất cả, nhằm nêu lên những bài học không những cho các người đẹp mà còn cho lớp trẻ nói chung khi bước vào thế giới hội nhập…

Tiền phong Cuối tuần xin trích đăng một số chương trong cuốn sách “Hoa hậu Việt Nam, những điều chưa biết” sắp xuất bản của nhà thơ Dương Kỳ Anh.

MỚI - NÓNG