Sư phụ của em!

Sư phụ của em!
TP - Anh hơn tôi bốn tuổi, nước da rám nắng, gương mặt rắn rỏi đầy nghị lực. Nếu không có đôi kính cận và nụ cười hiền lành chắc tôi không nghĩ anh có đủ kiên trì để nhận phụ đạo cho một con bé bướng bỉnh như tôi.

>> Mời các bạn tham gia "Diễn đàn tuổi Teen"

Sư phụ của em! ảnh 1
Ảnh minh họa

Cuối cùng bố cũng thuyết phục được mẹ nhận cậu học trò cưng trong trường đại học của bố làm gia sư cho tôi. Bố nói, như vậy vừa tốt cho tôi vừa giúp ích được cho Tuấn (tên anh chàng gia sư).

Tuấn khó khăn nên cậu ấy cần một công việc làm thêm ngoài giờ học. Vốn không thích bị kìm kẹp, tôi miễn cưỡng đồng ý.

Anh hơn tôi bốn tuổi, nước da rám nắng, gương mặt rắn rỏi đầy nghị lực. Nếu không có đôi kính cận và nụ cười hiền lành chắc tôi không nghĩ anh có đủ kiên trì để nhận phụ đạo cho một con bé bướng bỉnh như tôi.

Ngay lần gặp đầu tiên anh nói: “Anh biết em không thích có gia sư. Anh sẽ cố gắng không làm xáo trộn việc học của em. Sau một tuần nếu em thấy việc gia sư này chỉ làm em lãng phí thời gian và phiền hà anh sẽ dừng lại”. Tôi cười thầm đắc ý.

Khác với suy nghĩ của tôi về gia sư, anh nghiêm túc và nhiệt tình. Qua cách hướng dẫn lôi cuốn và hài hước của anh tôi hoàn toàn bị thuyết phục. Sau một tuần “hợp đồng ngầm”, tôi chính thức gọi anh là “sư phụ”.

Càng gần gũi anh tôi càng thấy anh dễ mến và ấm áp. Vốn được cưng chiều từ bé nên mỗi lúc chán học tôi lại bày trò vòi vĩnh: “Sư phụ” cho em nghỉ một lát, em đói quá học không vào. Lần đầu, anh đẩy cặp kính nhìn tôi rồi gật đầu do dự. Lần thứ hai anh cốc đầu tôi, ánh mắt ngầm thông báo “Anh biết mánh khóe của em rồi đấy!”.

Một lần tôi giả vờ đau bụng, mặt mày nhăn nhó, quằn quại. Không chút nghi ngờ, anh cuống cuồng đi mua thuốc rồi luôn miệng hỏi: “Em có sao không? Đến khi anh nhất quyết đưa tôi đi bệnh viện, không còn cách nào khác, tôi đành thật thà nhận tội. Ngỡ anh sẽ giận mắng tôi một trận nhưng anh chỉ nhỏ nhẹ: “Lần sau đừng đùa như vậy”.

Cuối tuần, anh xin phép mẹ rủ tôi đi chơi. Lần đầu tiên anh bộc bạch về mình, quê anh ở miền Trung, đất đai cỗi cằn, gió cát. Tuổi thơ của anh gắn liền với đồng ruộng, với hạt lúa củ khoai. Sự lam lũ, vất vả của mẹ cha và những người dân nơi đây đã mang lại cho anh nguồn động lực để cố gắng.

Anh khuyên tôi học tập chăm chỉ: “Bao nhiêu người ước ao mà không có được điều kiện như em, đừng phụ lòng tin của bố mẹ”. Anh tâm sự về tương lai, về mơ ước trở thành kỹ sư mà từ bé anh đã ấp ủ.

Anh nhắc lại kỷ niệm đau lòng về đứa em gái của anh: “Nó mất khi mới tròn 10 tuổi vì bị đau ruột thừa, khi phát hiện đưa đến bác sĩ thì đã muộn”. Tôi chợt hiểu vì sao khi thấy tôi bị đau bụng mặt anh lại tím tái, hốt hoảng đến vậy.

Sau một học kỳ có anh kèm cặp, sức học của tôi đã tiến bộ rõ rệt. Được bố khen cả tôi và anh đều hãnh diện, duy nhất có mẹ là hay bóng gió xa xôi: “Tuấn và Hà phải cố gắng mà học chứ mẹ thấy tụi trẻ bây giờ toàn chơi bời, yêu đương”. Anh hơi lúng túng còn tôi thì tếu táo: “Sau này con không lấy chồng để ở với mẹ suốt đời!”.

Kỳ thi tốt nghiệp sắp đến, tôi thật sự căng thẳng. Mỗi lúc có chuyện bực mình tôi lại kiếm cớ nổi cáu với anh. Anh sẵn sàng “chịu trận” còn bày trò làm tôi vui, tặng tôi những món quà nho nhỏ tự tay anh làm.

Rồi kỳ thi cũng qua, tôi đậu tốt nghiệp với điểm loại giỏi. Sợ tôi chủ quan, anh bắt tôi không được ngơi nghỉ, ngay lập tức phải bắt tay vào ôn tập và đặt ra mục tiêu: Phải đậu đại học.

Tôi thấy quen với sự có mặt của anh từ lúc nào không biết, thấy bình yên mỗi khi anh cốc đầu gọi tôi là “ổi ương” hay mắng tôi bướng bỉnh. Hôm nào anh có việc bận không đến học bài cùng, tôi lại thấy nhơ nhớ, cảm giác trống trải, như thiếu vắng một thứ gì đó. Anh cũng quan tâm đến tôi hơn, mỗi lúc vô tình chạm vào ánh mắt anh tôi lại thấy anh bối rối.

Ngày tôi đi thi anh tặng tôi cây bút có gắn hình con thú bông ngộ nghĩnh. Anh nói: “Cây bút sẽ giúp em tự tin hơn và cảm thấy luôn có anh bên cạnh. Anh có một món quà và một điều bí mật dành cho em nhưng không phải bây giờ mà là khi em vào đại học”.

Tôi nháy mắt: “Nhất định em sẽ được nhận món quà đó. Em cũng có một bí mật dành cho “sư phụ” nhưng chỉ khi nào “sư phụ” không còn coi em là trẻ con”. 

MỚI - NÓNG
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
Nữ thủ khoa tốt nghiệp sớm loại xuất sắc
TPO - Cùng với điểm GPA 3.79/4.00, xếp loại tốt nghiệp Xuất sắc và nhiều thành tích nổi bật, Lê Thị Bích Đào, chuyên ngành Kinh tế đối ngoại đã trở thành tân thủ khoa đầu ra của Trường ĐH Quốc tế Sài Gòn. Nữ thủ khoa còn gây ấn tượng khi hoàn thành chương trình học chỉ trong 3,5 năm, tốt nghiệp sớm hơn so với các bạn sinh viên cùng khóa.