Mỹ - Triều Tiên và những nỗ lực hàn gắn bất thành

Sự 'kiên nhẫn chiến lược' của ông Obama đối với Triều Tiên

Một người dân Hàn Quốc đang xem bản tin về việc Triều Tiên thử bom hydro đầu tiên vào ngày 6/1/2016
Một người dân Hàn Quốc đang xem bản tin về việc Triều Tiên thử bom hydro đầu tiên vào ngày 6/1/2016
TPO - Khi còn là ứng viên tổng thống, ông Barack Obama khẳng định muốn đối thoại song phương với Triều Tiên. Tuy nhiên, đối mặt với thực tế là tiến trình Đàm phán 6 bên sụp đổ và những khủng hoảng lặp đi lặp lại liên quan đến Triều Tiên, chính quyền Obama chủ yếu dựa vào chính sách “kiên nhẫn chiến lược”.

“Kiên nhẫn chiến lược” tập trung vào việc gây áp lực kinh tế và ngoại giao lên Triều Tiên, đông thời vẫn bày tỏ mong muốn đối thoại. Ví dụ, trong một bài phát biểu vào tháng 11/2013, Cố vấn An ninh Quốc gia Susan nói rằng Mỹ đang chuẩn bị để đàm phán với Triều Tiên “với điều kiện họ đúng và đáng tin cậy, đàm phán toàn bộ chương trình hạt nhân của Triều Tiên, và dẫn đến kết quả là các bước đi thực chất và không thể đảo ngược tiến tới việc phi hạt nhân hóa”.

Không lâu sau khi ông Obama lên nắm quyền, Triều Tiên nỗ lực phòng một vệ tinh bằng tên lửa Unha-2, khiến cộng đồng quốc tế chỉ trích là vi phạm nghị quyết 1718 của Liên hợp quốc (LHQ).

Tháng 5/2009, Triều Tiên thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ hai, với sức công phá nhỏ nhưng không bị coi là thất bại như vụ thử trước. Đáp lại, Hội đồng Bảo an LHQ nhất trí thông qua Nghị quyết 1874 để lên án vụ thử và tăng cường trừng phạt Bình Nhưỡng.

Lo ngại chương trình hạt nhân của Triều Tiên càng tăng lên sau khi Bình Nhưỡng cuối năm đó tuyên bố họ đang có chương trình làm giàu urani, điều mà trước đó nước này phủ nhận.

Quy mô của chương trình làm giàu urani được xác nhận vào tháng 11/2010 khi một phái đoàn phi chính phủ do TS Siegfried Hecker dẫn đầu đã được xem hệ thống làm giàu urani tại Yongbyon với cả ngàn máy ly tâm khí gas.

Chính phủ Triều Tiên khẳng định cơ sở này sản xuất ra urani làm giàu cấp độ thấp để làm nhiên liệu cho một lò phản ứng nước nhẹ đang chạy thử nghiệm. Tuy nhiên, TS Hecker nhấn mạnh: “Hệ thống làm giàu urani có thể được chuyển đổi để sản xuất nhiên liệu bom urani làm giàu cấp độ cao”.

Hai cuộc xung đột liên Triều năm 2010 càng khiến quan hệ Mỹ - Triều Tiên xấu thêm. Ngày 26/3/2010, tàu tuần dương Cheonan của Hàn Quốc bị chìm gần đảo Baekryong, cách không xa Đường ranh giới phía bắc trên biển (NLL) với Triều Tiên, khiến 46 thủy thủ Hàn Quốc thiệt mạng.

Một nhóm điều tra do Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tiến hành 2 tháng sau đó kết luận rằng Cheonan bị đánh chìm bởi một ngư lôi do tàu ngầm Triều Tiên phóng ra. Còn Triều Tiên kiên quyết phủ nhận họ có liên quan.

Phản ứng với vụ việc này, Tổng thống Obama ký Lệnh hành pháp 12551 để mở rộng trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên. Mỹ và Hàn Quốc cũng tiến hành hàng loạt đợt tập trận chung nhằm “gửi một thông điệp rõ ràng đến Triều Tiên rằng những hành động hiếu chiến cần phải dừng lại”.

Ngày 23/11/2010, Triều Tiên bắn pháo vào đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc khi Hàn Quốc đang tổ chức tập trận gần Đường ranh giới phía bắc. Xung đột sau đó dẫn đến cái chết của 2 lính và 2 dân thường Hàn Quốc. Không rõ số lượng thương vong của phía Triều Tiên là bao nhiên.

Dù chính phủ Hàn Quốc nghiêng về biện pháp trả đũa bằng vũ lực ngay sau khi vụ tấn công nổ ra nhưng Mỹ đã thuyết phục thành công Seoul kiềm chế. Tuy nhiên, trong những ngày sau đó, Mỹ và Hàn Quốc thực hiện đợt tập trận chung trên Hoàng hải kéo dài 4 ngày.

Tháng 7/2011, sau một cuộc gặp không chính thức giữa các nhà ngoại giao Hàn Quốc và Triều Tiên bên lề Diễn đàn khu vực Asean tại Bali, Indonesia, chính quyền Obama khôi phục đàm phán song phương với Triều Tiên nhằm tái khởi động đàm phán phi hạt nhân hóa. Vòng đàm phán thứ hai diễn ra sau đó. Quá trình đối thoại tạm dừng sau khi Chủ tịch Kim Chính Nhật qua đời ngày 17/12/2011, sau đó được nối lại vào tháng 2/2012.

Ngày 29/2, Mỹ và Triều Tiên đưa ra hai tuyên bố riêng để nói về thỏa thuận họ đã đạt được. Theo thỏa thuận “Ngày Nhuận”, Mỹ sẽ cung cấp cho Triều Tiên 240.000 tấn lương thực, còn Triều Tiên đồng ý với lệnh cấm phóng tên lửa tầm xa, thử hạt nhân, các hoạt động hạt nhân tại Yongbyon cũng như cho phép quan sát viên của IAEA giám sát các địa điểm hạt nhân.

Dẫu vậy, ngày 16/3, Triều Tiên thông báo ý định phóng vệ tinh vào quỹ đạo. Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo hành động như vậy sẽ vi phạm thỏa thuận “Ngày Nhuận” cũng như các nghị quyết của LHQ. Bình Nhưỡng cho rằng việc họ phóng vệ tinh về cơ bản khác với việc phóng tên lửa tầm xa và không vi phạm thỏa thuận, nhưng Washington không chấp nhận. Triều Tiên vẫn phóng vệ tinh bằng tên lửa 3 giai đoạn Unha-3 vào ngày 12/4. Vụ phóng này cuối cùng không đưa được vệ tinh vào quỹ đạo.

Tám tháng sau đó, Triều Tiên phóng một phiên bản khác của tên lửa Unha-3 và đưa thành công một vệ tinh vào quỹ đạo. Hội đồng Bảo an LHQ đáp trả bằng việc thông qua Nghị quyết 2087 lên án vụ phóng của Triều Tiên, còn Triều Tiên “trả miếng” bằng vụ thử hạt nhân lần thứ ba.

Hội đồng Bảo an LHQ tiếp tục thông qua Nghị quyết 2094 để thắt chặt trừng phạt tài chính đối với Triều Tiên và cáo buộc các nhà ngoại giao Triều Tiên tham gia nhiều hoạt động kiếm tiền bất hợp pháp. Mỹ cũng đơn phương trừng phạt Ngân hàng Ngoại thương Triều Tiên.

Không lâu sau khi các biện pháp trừng phạt của LHQ được triển khai, Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu tập trận chung, với sự tham gia của các máy bay Mỹ có khả năng tấn công hạt nhân.

Triều Tiên phản ứng với hàng loạt lời lẽ giận dữ, tuyên bố Thỏa thuận đình chiếm “hoàn toàn không còn hiệu lực”, tuyên bố sẽ tái khởi động lò phản ứng từng bị vô hiệu hóa ở Yongbyon và đạm đóng cửa Khu tổ hợp công nghiệp chung Kaesong.

Căng thẳng Mỹ - Triều Tiên luôn ở mức cao từ thời gian này qua năm 2013 và tiếp diễn đến tận bây giờ. Mùa hè năm 2013, hình ảnh vệ tinh cho thấy Triều Tiên có thể đã tăng gấp đôi quy mô hệ thống máy ly tâm ở Yongbyon và tái khởi động lò phản ứng sản xuất plutoni bị đóng cửa trước đó. Suốt năm 2014, Triều Tiên thực hiện hàng loạt vụ phóng tên lửa tầm trung và tầm ngắn, và cũng dọa sẽ thực hiện vụ thử hạt nhân lần thứ tư.

Vụ tấn công Sony

Tháng 7/2014, Triều Tiên lên án bộ phim Hollywood sắp được trình chiếu mang tên “The Interview”, trong đó các nhân vật chính được cử đi thực hiện nhiệm vụ ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Một tháng trước khi bộ phim dự kiến được chiến, một nhóm tự xưng là “Những người bảo vệ hòa bình” tấn công Sony Pictures Entertainment, hãng sản xuất phim “The Interview”.

Vụ tấn công khiến Sony Pictures bị ngưng trệ trong nhiều ngày trước khi các tin tặc chuyển các file đánh cắp cho báo chí và công chúng. Các tin tặc tuyên bố họ làm như vậy để đáp trả bộ phim, nhưng Triều Tiên phủ nhận liên quan. Không lâu trước khi phim được chiếu, các tin tặc gửi thông điệp đe dọa những người dân dám đi xem phim này, khiến nhiều rạp quyết định không chiếu phim này.

Trong vòng vài tuần xảy ra vụ tấn công, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) xác định Triều Tiên đứng sau các tin tặc vì dính dáng đến những địa chỉ IP chỉ được sử dụng ở Triều Tiên, tương tự như một số cuộc tấn công trước đó. Nhà Trắng tuyên bố sẽ “đáp trả tương xứng” đối với vụ tấn công, rồi nhanh chóng đưa ra lệnh hành pháp mở rộng quy mô trừng phạt Triều Tiên.

Lệnh này trao quyền cho Bộ Tài chính Mỹ trừng phạt bất kỳ tổ chức nào nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ Triều Tiên cũng như trừng phạt các tổ chức ở những nước thứ ba có quan hệ làm ăn với Triều Tiên.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.