Sự kết thúc chiến lược vô song

Sự kết thúc chiến lược vô song
Bài viết của Merle L. Pribbenow bày tỏ sự khâm phục chiến lược chiến dịch của Quân đội Nhân dân Việt Nam qua góc nhìn từ “phía bên kia” và của người trong cuộc.

Merle L. Pribbenow là nhân viên CIA, nghỉ hưu năm 1995 sau 27 năm công tác trên các cương vị: Nhà nghiên cứu ngôn ngữ Việt Nam, sĩ quan tác chiến, chuyên gia về Đông Dương. Trong thời gian chiến tranh ở Việt Nam, Pribbenow làm việc tại Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn trong khoảng 5 năm và rời khỏi tòa đại sứ bằng máy bay trực thăng ngày 29/4/1975 khi Sài Gòn bị thất thủ.

Gần một phần tư thế kỷ trước đây, một nước thuộc thế giới thứ ba giành chiến thắng trong trận chiến cuối cùng của một cuộc chiến tranh lâu dài và gian khổ nhờ sử dụng một chiến lược hiện đại, chắc chắn, quyết đoán và bất ngờ.

Ngày nay, bài học hiện thân trong chiến thắng này đáng để chúng ta suy ngẫm, đặc biệt trong một thời kỳ người ta có xu hướng dựa vào kỹ thuật nhiều hơn là dựa vào chiến lược, và có ý nghĩ cho rằng tài năng chiến lược của kẻ thù của chúng ta cũng lạc hậu như trình độ công nghệ, cơ cấu kinh tế và cấu trúc xã hội của quốc gia đó.

Ngày 4/3/1975, Quân ủy Trung ương của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã mở chiến dịch cuối cùng trong cuộc chiến tranh 30 năm bắt đầu bằng trận tấn công vào những điểm đóng quân của Nam Việt Nam ở đèo Mang Yang vùng Tây Nguyên. Cuộc tấn công đã kết thúc với thắng lợi hoàn toàn sau chưa đầy 2 tháng, khác với bất kỳ cuộc tấn công nào khác trong lịch sử chiến tranh lâu dài. Sự khác biệt đó là gì?

Đây là lần đầu tiên, chiến lược cho một chiến dịch của Quân đội Nhân dân Việt Nam, ngay từ đầu, đã không dựa trên ý chí quyết tử của quân đội, sẵn sàng hy sinh một số quân đông hơn đối phương. Chiến dịch của Quân đội Nhân dân Việt Nam dựa theo những nguyên tắc: Đánh lừa đối phương, đánh lạc hướng, bất ngờ, không đánh chính diện, chủ động lựa chọn mục tiêu – tóm lại, đó là một chiến lược có tầm trí tuệ cao.

Cuối cùng, Quân đội Nhân dân Việt Nam đã tổ chức được một chiến dịch xứng đáng với một quân đội chuyên nghiệp, hiện đại mà các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản Việt Nam từ lâu đã dày công xây dựng.

Nhiều nhà sử học cho rằng, sau năm 1973, mọi cuộc tấn công của Quân đội Nhân dân Việt Nam chắc chắn sẽ giành thắng lợi vì sự cắt giảm mạnh viện trợ của Mỹ cho Nam Việt Nam. Quân đội Việt Nam Cộng hòa phải đối đầu với Quân đội Nhân dân Việt Nam vào đầu năm 1975, song nó không phải là con hổ giấy (1).

Trong khi quân đội Việt Nam Cộng hòa vấp phải những khó khăn về hậu cần và tinh thần chiến đấu, và phần lớn ban lãnh đạo của họ đều kém cỏi, nhưng những người lính của quân đội Việt Nam
Cộng hòa đều là những chiến binh dày dạn kinh nghiệm, và Nam Việt Nam vẫn còn một khối lượng dự trữ lớn về đạn dược và quân cụ (đã được kiểm chứng khi kết thúc chiến tranh).

Sự sụp đổ của quân đội Việt Nam Cộng hòa là một tất yếu không tránh khỏi, nhưng quá trình đi đến kết thúc có thể sẽ kéo dài hơn và đẫm máu hơn nếu những người cộng sản lựa chọn một kế hoạch tấn công trực diện theo cách mà trước đây họ vẫn làm.

Thực ra, đòn đánh gây thiệt hại nhất trong toàn bộ chiến dịch của cộng sản có lẽ là đòn làm suy sụp tâm lý người chỉ huy tối cao của quân đội Việt Nam Cộng hòa khi phải đương đầu với một chiến lược tài giỏi và bất ngờ của đối phương…

Kế hoạch ban đầu:

Những ý tưởng ban đầu về cuộc tấn công năm 1975 đã được vạch ra trong hai cuộc hội nghị quân sự cấp cao được tổ chức ở Hà Nội vào tháng Ba và tháng Tư năm 1974 để xem xét lại tình hình quân sự (2). Hai hội nghị này đã đi đến kết luận là Quân đội Nhân dân Việt Nam đã giành lại được thế chủ động ở miền Nam lần đầu tiên kể từ sau cuộc tấn công vào dịp lễ Phục sinh năm 1972.

Sau khi Hiệp định đình chiến được ký kết ở Paris tháng một năm 1973, Quân đội Nhân dân Việt nam đã triển khai mạnh mẽ tuyến đường vận chuyển hậu cần vào phía Nam - đường mòn Hồ Chí Minh. Do tầm quan trọng, tuyến đường này nhanh chóng trở thành mục tiêu tấn công của không lực Hoa Kỳ.

Bắc Việt Nam đã chuyển một  khối lượng lớn đồ quân dụng và trang bị vũ khí vào Nam – riêng năm 1973 là 8 vạn tấn quân dụng, trong đó có 27.000 tấn vũ khí, 6.000 tấn xăng dầu vào 40.000 tấn gạo. Mười vạn quân Bắc việt mới nhập ngũ  đã hành quân xuôi theo đường mòn vào Nam trong năm 1973 và 8 vạn quân cũng trên đường vào Nam trong nửa đầu năm 1974. Sức mạnh của các đơn vị quân đội Nhân dân Việt Nam sau những tổn thất  năm 1972 giờ đây đã đạt được mức cao nhất trong chiến tranh – 40 vạn quân sẵn sàng ở tư thế chiến đấu (3).

Sau những cuộc họp tháng Ba và tháng Tư, vào tháng Năm, Bộ Tổng tham mưu ở Hà Nội đã hoàn thành phác thảo “Đề cương sơ bộ về một kế hoạch giành chiến thắng trong chiến tranh ở miền Nam” (4). Tài liệu nghiên cứu này đã được trình lên Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, vị tướng huyền thoại Võ Nguyên Giáp.

Ngày 18/7/1974, sau khi xem xét kỹ lưỡng bản phác thảo này, tướng Giáp đã đến thăm cấp phó của ông – tướng Hoàng Văn Thái, và ra lệnh chuẩn bị một kế hoạch chiến dịch hoàn toàn tự lập để giành toàn thắng ở miền Nam vào cuối năm 1976. Toàn bộ quan điểm của tướng Giáp là triển khai một cuộc tấn công hai giai đoạn, trước tiên là trận tấn công chủ yếu của quân chủ lực chính quy ở Tây Nguyên, tiếp theo là trận tấn công toàn lực đánh vào lực lượng phòng thủ ở Sài Gòn (5).

Trong khi nhiều nhà sử học cho rằng tướng Giáp hầu như không có vai trò gì trong cuộc tấn công năm 1975, bởi vì vào lúc đó ông chỉ còn nắm cương vị trên danh nghĩa do bị ốm và do những thất bại trong các trận tấn công vào năm 1968 và 1972, nhưng các báo cáo chính thức của Bắc Việt lại cho thấy tướng Giáp đóng vai trò rất lớn trong việc hoạch định kế hoạch và chỉ huy toàn bộ cuộc tấn công ngay từ lúc khởi đầu cho đến khi kết thúc thắng lợi (6).

Ngày 26/8/1974, sau khi đã cân nhắc kỹ lưỡng, phân tích và mổ xẻ nhiều bản phác thảo trước đó, Bộ Tổng Tham mưu đã hoàn tất bản “Kế hoạch chiến lược cho hai năm 1975 – 1976” và đệ trình lên Ban lãnh đạo cấp cao của Quân đội và của Đảng Cộng sản Việt nam để xin ý kiến (7). Bản kế hoạch sau khi hoàn tất cuối cùng đã được Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt nam thông qua sau một phiên họp kéo dài trong tháng 10/1974 (8).

Mặc dù, Quân đội Nhân dân Việt Nam biết họ đã giành lại được thế chủ động ở miền Nam Việt Nam, nhưng kế hoạch ban đầu của Bộ Tổng Tham mưu rất thận trọng vì Quân đội Nhân dân Việt Nam vẫn phải đương đầu với nhiều vấn đề nghiêm trọng (9).

Những nỗ lực trong việc xây dựng lại các cơ sở du kích của Việt Cộng ở vùng nông thôn đã bị thất bại, chỉ đạt được 30% mục tiêu tăng cường sức mạnh chiến đấu của kế hoạch 1973 – 1974 đối với các lực lượng quân sự địa phương ở miền Nam (10).

Ngoài ra, các cơ sở chính trị ở đô thị vẫn còn rất yếu và điều quan trọng nhất là lực lượng chính quy của Quân đội Nhân dân Việt Nam vấp phải sự thiếu hụt nghiêm trọng về vũ khí hạng nặng và đạn dược (11).

Hơn nữa, trong lúc các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam tin rằng có một cánh cửa mở ra cơ hội khoảng vài năm để tìm kiếm chiến thắng trước khi Hoa Kỳ trở lại bình ổn sau những vụ bê bối ở trong nước, Quân đội Nhân dân Việt Nam cho rằng họ vẫn phải sẵn sàng để đương đầu với một sự can thiệp có thể xảy ra từ bên ngoài (12).

Những chỉ thị ban đầu của tướng Giáp đã yêu cầu các lực lượng quân đội ở miền Bắc phải sẵn sàng đương đầu với khả năng cuộc tấn công có thể kích động việc ném bom trở lại miền Bắc của Hoa Kỳ, kể cả việc đổ bộ lực lượng người nhái của đối phương vào vùng biển Bắc Việt (13).

Bộ Tổng Tham mưu trước tình hình đó  đã xác định rõ, quân đội Nhân dân Việt Nam không thể tiến hành một cuộc “Tổng tấn công và nổi dậy”, sử dụng lực lượng đông đảo du kích ở nông thôn và thành thị trên cả nước như kiểu Tết 1968 (mà trên thực tế đã không diễn ra), và cũng không có đủ nguồn lực để tiến hành một cuộc tấn công rộng khắp trên toàn quốc như cách đã làm – tấn công trên toàn trận tuyến vào Lễ Phục sinh năm 1972.

Sự thiếu hụt các lực lượng pháo binh hạng nặng và thiết giáp, được xem là lực lượng cực kỳ quan trọng để tấn công vào các căn cứ công sự vững chắc của các trung đoàn và sư đoàn quân đội Việt Nam Cộng hoà, vẫn đè nặng lên đầu óc của các nhà vạch kế hoạch của Bộ Tổng tham mưu Quân đội Nhân dân Việt nam, những người đã đệ trình kế hoạch lên Bộ Chính trị tháng 10/1974.

Mọi sự chú ý tập trung vào vai trò mà sự thiếu hụt đạn dược của quân đội Việt Nam Cộng hoà có thể tác động đến sự sụp đổ của Việt Nam, nhưng phía Nam Việt nói chung cũng không biết rằng Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng ở tình cảnh tương tự. Viện trợ quân sự của Liên Xô và Trung Quốc, đặc biệt là các loại “vũ khí tấn công” (pháo và thiết giáp) đã bị cắt giảm đáng kể từ sau Hiệp định ngừng bắn được ký ở Paris (14).

Những tổn thất của Quân đội Nhân dân Việt Nam trong cuộc tấn công năm 1972 cùng với sự cắt giảm viện trợ càng làm cho sự thiếu hụt vũ khí, đạn dược trở nên nghiêm trọng thêm.

Hơn nữa, phần lớn pháo và thiết giáp của Quân đội Nhân dân Việt Nam đều ở tình trạng kém chất lượng, thiếu phụ tùng thay thế (15). Nhiều đơn vị pháo binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam, đặc biệt là các đơn vị ở phía Nam, chỉ được trang bị các súng cối loại nhẹ, súng trường không giật hoặc các ống phóng rocket một  nòng (chỉ súng B40, B41).

Tại Trung ương Cục miền Nam (COSVN – Central office for South VN), trên địa bàn tác chiến bao gồm nửa phía Nam đất nước, có 7 sư đoàn bộ binh (các sư đoàn 3,4,5,6,7,8, và 9) và một Bộ Chỉ huy quân đoàn (Quân đoàn 4) chỉ được hỗ trợ bởi 5 tiểu đoàn pháo binh dã chiến, 2 trong số 5 tiểu đoàn này chỉ được trang bị bằng những vũ khí lấy được của Mỹ với rất ít đạn, 3 tiểu đoàn thiết giáp đều có trang bị hạn chế (16).

Quân đoàn Hai của Quân đội Nhân dân Việt Nam với 3 trung đoàn pháo binh thuộc biên chế của 3 sư đoàn bộ binh, 1 lữ đoàn pháo thuộc quân đoàn, 1 lữ đoàn tăng và 1 tiểu đoàn thiết giáp độc lập, chỉ có thể đưa vào chiến trường tổng cộng 89 xe tăng và xe vận tải bọc thép, và 87 khẩu pháo được kéo theo khi mở cuộc tấn công vào Sài Gòn tháng 4/1975 (17).

Tuy nhiên, vấn đề nghiêm trọng nhất là sự vô cùng thiếu thốn về đạn cho xe tăng và pháo hạng nặng (các pháo chiến trường và súng cối 85 mm và cỡ đạn lớn hơn). Trong cuộc tấn công năm 1972, họ đã sử dụng trên 22 vạn viên đạn cho xe tăng và pháo hạng nặng, chỉ riêng mặt trận Quảng Trị đã sử dụng hết 15 vạn viên đạn (18).

Cho đến năm 1974, dự trữ đạn cho xe tăng và pháo hạng nặng của Quân đội Nhân dân Việt Nam bao gồm toàn bộ số đạn cất giữ trong các kho ở tiền phương và số đạn dự trữ chiến lược ở miền Bắc, cũng chỉ có tổng cộng 10 vạn viên (19).

Vấn đề đạn dược thiếu hụt nghiêm trọng đến mức Bộ Chỉ huy pháo binh của Quân đội Nhân dân Việt Nam phải thay các vũ khí lớn bằng những khẩu pháo 76,2mm và 57mm lạc hậu hơn nhưng có lượng đạn dự trữ lớn hơn để khắc phục phần nào sự thiếu hụt.

Do tính chất nghiêm trọng của vấn đề đạn dược, Bộ Chỉ huy cấp cao của Quân đội Nhân dân Việt Nam đã ra lệnh phải dành riêng đạn dược và vũ khí hạng nặng để sử dụng cho một đòn đánh quyết định, và chỉ được tung ra khi đã có quyết định tấn công cuối cùng (20). Kế hoạch 1975-1976 chỉ cho phép sử dụng trên dưới 10% dự trữ đạn pháo trong toàn bộ chiến dịch năm 1975; 45% số đạn pháo còn lại dành cho chiến dịch năm 1976, phần còn lại phải để dự trữ (21)

Trích dẫn:
1..Lewis Sorley
2.Viện Lịch sử quân sự Việt Nam – Hoàng Văn Thái
3.(Như trên)
4.(Như trên)
5.Hoàng Văn Thái
6.Hoàng Văn Thái – Văn Tiến Dũng
7.(Như trên)
8.(Như trên)
9.(Như trên)
10.Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam
11.Hoàng Văn Thái
12.(Như trên)
13.(Như trên)
14.Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam – Hoàng Văn Thái
Arnold R. Isaacs – Oleg Sarin và Ler Dvoretsky
15.Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam – Hoàng Văn Thái
16.Trần Văn Trà
17.Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam
18.Trần Văn Trà
19. Lịch sử Quân đội Nhân dân Việt Nam – Hoàng Văn Thái
20. Trần Văn Trà
21.(Như trên)

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.