> Hai bộ từ chối đề nghị của Cty Cổ phần sứ Hải Dương
Người lao động làm việc tại Cty Sứ Hải Dương. Ảnh: P.C. |
Mặt trái của tái cơ cấu?
Ra đời và phát triển mạnh mẽ trong suốt thời bao cấp, song trước sự cạnh tranh khốc liệt của kinh tế thị trường, Sứ Hải Dương (SHD) liên tục gặp khó.
Đỉnh điểm là năm 2008, SHD đứng trước bờ vực phá sản: Thua lỗ 63% vốn điều lệ, nợ trên vốn chủ sở hữu 4,6 lần (chủ yếu là nợ quá hạn), thu nhập của cán bộ, công nhân viên chỉ khoảng 1 triệu đồng/tháng.
Trước tình hình trên, Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) đã tiến hành tái cơ cấu Sứ Hải Dương.
Ông Nguyễn Đỗ Hà, người đại diện cho Cty TNHH TM CaRin, chiếm 31% cổ phần và được bầu làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng GĐ Cty Cổ phần sứ Hải Dương từ tháng 4 - 2009.
Kể từ đó tới 5-2012, SHD đã có sự thay đổi mạnh mẽ trong cách quản lý, điều hành sản xuất và đạt được những tiến bộ bước đầu đáng ghi nhận.
Thu nhập người lao động tăng dần từ 1 triệu đồng/tháng lên các mức 2, 2,5, 2,7 và 2,9 triệu đồng/tháng; giảm hệ số nợ trên vốn sở hữu xuống còn 1 lần, từ chỗ thua lỗ nặng nay đạt lợi nhuận trung bình 20%, đến 5-2012 đã bù đắp được 90% lỗ luỹ kế của 5 năm trước tái cơ cấu.
Theo báo cáo của ban lãnh đạo, từ thời điểm 4-2009 đến nay, Cty đã ngăn chặn triệt để các hành vi trộm cắp, trong đó có vàng kim dùng để mạ vàng, phát hiện tới 18 vụ trộm cắp tài sản nhà máy; kiểm soát chặt việc mua bán vật tư, như đất sét TQ mua với giá 4,1 triệu đồng/tấn xuống chỉ còn 2,2 triệu đồng/tấn, hay đất dẻo bentonite Úc từ 23,6 triệu đồng/tấn xuống 5,8 triệu đồng/tấn...; sắp xếp và giảm mạnh số lượng lao động dôi dư không hợp lý, hiệu quả. Tuy nhiên, theo đơn kêu cứu của SHD, mọi chuyện rắc rối lại có nguồn gốc từ chính những thay đổi trên.
“Việc tái cơ cấu và củng cố tình hình khủng hoảng tài chính, nhân sự 6-2012 đã tạo ra các xung đột lợi ích nhóm, đi ngược với lợi ích Cty”, đơn kêu cứu viết.
Ông Hà nói: “Đơn thư tố cáo của một cá nhân được gửi đi khắp nơi, phóng viên báo chí, các cơ quan chức năng liên tục xuống làm việc, tin đồn thất thiệt râm ran khắp nhà máy, gây không khí bất an cho người lao động”.
Theo ông Hà, có thời điểm, xe ô tô của ông liên tục bị chọc thủng lốp, có lần còn bị cắt dây phanh.
Lao động lâu năm ồ ạt bỏ việc để nhận trợ cấp
Tiền Phong số ra các ngày 29-5 và 7-6-2012 phản ánh Công ty sứ Hải Dương nợ tiền tỷ trợ cấp thôi việc của lao động. Mới đây, ông Hà cho biết, đã giải quyết xong chế độ cho 181 lao động với số tiền 3,7 tỷ đồng.
Sau khi Tiền Phong phản ánh, ông Hà làm việc với PV và cho biết, sở dĩ trả trợ cấp thôi việc cho người lao động chưa đúng vì sau khi cổ phần hoá, lãnh đạo mới của Cty có quá nhiều việc nên không kịp cập nhật quy định mới của Nhà nước (chính sách trợ cấp thôi việc tăng 361%).
Trung bình mỗi lao động, Cty phải chi trả trợ cấp thôi việc theo quy định mới của Nhà nước lên tới hàng chục triệu đồng.
Anh Phạm Duy Huy (Gia Tấn, Gia Lộc, Hải Dương) nhận hơn 44,1 triệu đồng, chị Trần Thị Mùi (Khu 1, Thanh Bình, TP Hải Dương) nhận 37,5 triệu đồng… Ông Hà cho biết, ngay sau khi chi trả tiền trợ cấp thôi việc, các lao động khác liên tiếp nộp đơn xin nghỉ.
Tháng 6-2012, Cty lâm vào tình trạng thiếu lao động trầm trọng khi trong một tuần có tới 60 lao động xin thôi việc khiến 9 khâu trong dây chuyền sản xuất trống hoàn toàn.
“Số tiền chúng tôi chi trả trợ cấp trong tháng 6-2012 tương đương lợi nhuận năm 2009 cộng với năm 2011”, ông Hà nói.
Theo ông Hà, vì hoang mang, lo lắng trước những thông tin thất thiệt, sau đợt 60 người thôi việc, đến cuối tháng 8-2012, có thêm 5 người xin thôi việc và 10 người thông báo cũng sắp thôi việc, trong đó có cả các cán bộ quản lý của Cty.
Liên quan đơn thư tố cáo của một cá nhân gồm 18 điểm, vừa qua BCH Đảng bộ, Công đoàn, Đoàn thanh niên Cty SHD chủ động vào cuộc, thành lập tiểu ban xác minh.
Sau khi rà soát, đối chiếu với tài liệu chứng minh, giải trình của ông Hà, tiểu ban đã có biên bản khẳng định: “Toàn bộ 18 nội dung đã được xác minh thể hiện các nội dung tố cáo không đúng sự thật, thậm chí nhiều thông tin ngược lại với sự thật”.
Tại buổi làm việc của PV Tiền Phong với lần lượt Bí thư Đảng bộ Cty cổ phần SHD Nguyễn Văn Mậu, Chủ tịch Công đoàn Nguyễn Văn Thắng, Bí thư Đoàn thanh niên Nguyễn Như Ý, tất cả ý kiến đều cho rằng, nội dung của đơn tố cáo trên là sai sự thật, gây hoang mang, ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động sản xuất của Cty.
Bí thư Đoàn thanh niên Nguyễn Như Ý cho biết: “Sau khi Đảng, Công đoàn, Đoàn thanh niên vào cuộc xác minh, mọi thông tin sau đó đều được công khai minh bạch, tinh thần người lao động đã khá hơn trước”.
Đại diện cho quyền lợi của hàng trăm ĐVTN, Bí thư Nguyễn Như Ý bày tỏ: “Là người lao động, chúng tôi chỉ mong sao nhà máy nhanh chóng đi vào ổn định, Tết này có lương thưởng cao”.
Ông Hà nói: “Chúng tôi đã gửi đơn kêu cứu khẩn cấp đến các cơ quan chức năng với mong muốn sớm làm rõ mọi việc để Cty sớm ổn định, đảm bảo việc làm và lương thưởng cho người lao động, tránh nguy cơ bị phá sản”.