Sử dụng PPC trong chế tạo phương tiện thủy: Có mạo hiểm?

TP - Thời gian qua, một số cơ quan báo chí đưa nhiều thông tin khác nhau về việc sử dụng vật liệu polypropylen copolyme (PPC) liên quan đến quy định về chế tạo và đăng kiểm phương tiện thủy nội địa. 

Theo lý giải của Cục Đăng kiểm Việt Nam, PPC là một loại nhựa nhiệt (thermoplastic) nhập khẩu từ nước ngoài và trên cơ sở kinh nghiệm của một số nước, Việt Nam đã nghiên cứu ứng dụng vật liệu PPC trong chế tạo phương tiện thủy để sử dụng thử nghiệm; đồng thời, cũng là nước đầu tiên xây dựng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia áp dụng đối với phương tiện thủy chế tạo bằng vật liệu này.

Trong năm 2015, Cục Đăng kiểm và Cty Cổ phần Công nghệ James Boat đã có nhiều nghiên cứu, thử nghiệm đối với vật liệu PPC. Kết quả cho thấy, PPC là vật liệu dễ cháy tại điều kiện thử 25 kW/m2 có lửa mồi và 50 kW/m2 không có lửa mồi, đồng thời có mật độ quang của khói khi cháy cao hơn mức cho phép nêu trong Bộ luật quốc tế về áp dụng các quy trình thử lửa (FTP Code) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).

Đồng thời, vật liệu PPC bị rão (creep) và đặc tính cơ học sẽ suy giảm theo thời gian do tác động của các yếu tố về điều kiện làm việc như nhiệt độ, tải trọng, liên kết hàn, môi trường. “So với các loại vật liệu đóng tàu thì PPC có những nhược điểm như trên, cần phải xem xét thận trọng khi sử dụng trong chế tạo phương tiện thủy”, Cục Đăng kiểm khẳng định. 

Đối với 2 tàu khách Ferry 42 và Ferry 56 được đưa vào thử nghiệm trong thời gian qua, theo báo cáo của đơn vị sử dụng và đơn vị đăng kiểm quản lý địa bàn thì cả hai phương tiện đều bị sự cố, đã khắc phục sự cố và được cấp hồ sơ đăng kiểm để hoạt động trở lại, nhưng hiện rất ít hoạt động, chủ yếu vận hành để duy trì, bảo dưỡng.

Mặt khác, hiện nay, việc sử dụng thử nghiệm mới chỉ trong thời gian ngắn, vì vậy chưa có cơ sở xem xét đánh giá kết quả sử dụng thử nghiệm đối với tàu loại này.

Cũng theo Cục Đăng kiểm, trên thế giới chưa có nước nào hay tổ chức đăng kiểm nào có quy chuẩn, quy phạm về tàu đóng bằng vật liệu PPC. Vật liệu này mới chỉ được sử dụng để chế tạo tàu thuyền vui chơi giải trí, tàu thuyền công tác với chiều dài lớn nhất không quá 17 m, sức chở tối đa không quá 12 người.

Chưa có nước nào thực hiện việc thử nghiệm đối với tàu, thuyền có sức chở trên 12 người bằng vật liệu PPC. Ngoài ra, vật liệu PPC còn có những nhược điểm cần phải xem xét thận trọng khi sử dụng trong đóng tàu thuyền.

Hiện chưa có đầy đủ các cứ liệu khoa học cả về lý thuyết lẫn thực tiễn cho việc ứng dụng vật liệu PPC trong chế tạo phương tiện thủy nội địa có kích cỡ và sức chở người lớn hơn so với quy định. Cục Đăng kiểm cho biết, sẽ tiếp tục thử nghiệm các phương tiện thủy nội địa có kích cỡ và khả năng chở người lớn hơn, đồng thời tổ chức đánh giá và báo cáo kết quả thử nghiệm trước 30/6/2018 theo kế hoạch.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.