Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Sử dụng biện pháp hòa bình để Trung Quốc tự rút giàn khoan

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri Hải Phòng. ảnh: Hoài Văn
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp xúc cử tri Hải Phòng. ảnh: Hoài Văn
TP - Phát biểu tại buổi tiếp xúc cử tri quận Hồng Bàng (TP Hải Phòng) chiều 15/5, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định cùng với việc phát triển kinh tế, Việt Nam sẽ sử dụng mọi biện pháp để Trung Quốc rút giàn khoan khỏi vùng đặc quyền kinh tế của nước ta.

Theo Thủ tướng, cùng với nhiệm vụ xây dựng kinh tế, phát triển đất nước, nhiệm vụ chiến lược hiện nay là tăng cường bảo đảm quốc phòng an ninh, giữ vững chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ.

Trong nhiều năm qua, đất nước ta đã duy trì được nền hòa bình, ổn định. Tuy nhiên, từ ngày 1/5 vừa qua, Trung Quốc đã ngang nhiên đưa giàn khoan nước sâu vào hạ đặt tại vùng biển Hoàng Sa, cách đảo Lý Sơn 120 hải lý. Đây là vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Việt Nam.

Hành động này của Trung Quốc đã vi phạm công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 cũng như thỏa thuận DOC. Việc làm này của Trung Quốc đã đe dọa hòa bình, an ninh an toàn tự do hàng hải trong khu vực. Tuy nhiên, nếu không kìm chế sẽ xảy ra xung đột, sẽ ảnh hưởng rất lớn tới an toàn hàng hải.

Theo Thủ tướng, Việt Nam đã hết sức kìm chế giải quyết thông qua con đường ngoại giao, giao thiệp với phía Trung Quốc yêu cầu họ tự rút giàn khoan khỏi vùng biển Việt Nam.

Tuy nhiên, Trung Quốc đã không những không chấp nhận đề nghị này của chúng ta mà còn tăng cường tàu chiến vào khu vực ngăn cản không cho tàu chấp pháp của Việt Nam tiếp cận vùng chủ quyền thực thi nhiệm vụ. Song song với việc đó, Trung Quốc còn ra tuyên bố đổ lỗi cho Việt Nam.

Thủ tướng cho biết, Việt Nam sẽ sử dụng biện pháp hòa bình để Trung Quốc phải tự rút giàn khoan khỏi vùng biển của chúng ta giống như 2 lần Trung Quốc đưa giàn khoan vào vùng biển của ta trước đây. Việt Nam sẽ làm hết sức mình để giữ vững hòa bình, ổn định đồng thời giữ vững quan hệ láng giềng hữu nghị với Trung Quốc.

Nhân dân đồng tình rất cao với Đảng, Nhà nước để cùng đấu tranh yêu cầu Trung Quốc chấm dứt xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Trên thực địa, Việt Nam đưa tàu ra tiếp cận yêu cầu, đồng thời tiếp tục đấu tranh ngoại giao, kêu gọi cộng đồng quốc tế lên tiếng phản đối Trung Quốc, ủng hộ việc làm chính đáng của Việt Nam.

Quốc tế đã lên tiếng phê phán hành động hung hăng của Trung Quốc và kêu gọi nước này không sử dụng vũ lực. Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn tiếp tục điều thêm tàu, đâm va, bắn nước vào tàu kiểm ngư và cảnh sát biển của Việt Nam. “Lực lượng kiểm ngư đã kiên cường đấu tranh, khẳng định được ý chí, quyết tâm của nhân dân ta”- Thủ tướng nói.

Thủ tướng lưu ý, vừa qua, tại một số địa phương xảy ra việc đập phá tài sản của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Hành động này của những người quá khích là vi phạm pháp luật, gây mất an ninh trật tự, làm ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế cũng như chính sách đối ngoại của nước ta. Cần phải bắt giữ và xử lý nghiêm.

Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, các tỉnh, thành phố bằng mọi biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm, xử lý nghiêm minh người vi phạm, đồng thời gặp gỡ, hỗ trợ doanh nghiệp sớm ổn định sản xuất. Mặt khác, phải thông báo cho cơ quan ngoại giao, nhà đầu tư nước ngoài hiểu rõ chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước trong việc tạo điều kiện và đảm bảo an toàn cho nhà đầu tư.

Về xây dựng kinh tế, phát triển đất nước, Thủ tướng cho biết từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, kìm chế các chỉ số cơ bản. Cố gắng giữ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở mức 6% chứ không phải mức 7% như dự báo trước đây, đồng thời tiếp tục giữ ổn định tiền đồng.

MỚI - NÓNG