Sự cố đứt cáp quang biển: Vẫn chưa có chính sách hỗ trợ khách hàng

TP - Cả 3 tuyến cáp quang biển quốc tế kết nối vào Việt Nam bao gồm AAG, APG và IA đều đang gặp sự cố. Đây là trường hợp hy hữu, nghiêm trọng và lần đầu tiên xảy ra tại Việt Nam. Hàng triệu khách hàng đang bị ảnh hưởng, tuy nhiên, đến nay các nhà mạng vẫn chưa đưa ra được bất kỳ chính sách hỗ trợ nào.

Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện VNPT VinaPhone cho biết, sự cố gây ảnh hưởng phần nào đến lưu  lượng kết nối Internet hướng đi quốc tế của VNPT. Tuy nhiên, mạng Internet của VNPT vẫn còn  duy trì  3 hướng cáp đi quốc tế (hệ thống cáp đất, hệ thống cáp quang biển SMW3 và một phần của hệ thống cáp quang biển  APG), đảm bảo duy trì tốt các hướng đi các nước châu Á, Âu, Mỹ, các kết nối với Google và Facebook.

Ngay khi sự cố xảy ra, VNPT đã chủ động định tuyến lưu lượng Internet sang các hướng khác: CSC (cáp đất liền qua Trung Quốc) và SMW3 (tuyến cáp châu Á sang Ấn Độ vào châu Âu) đảm bảo thông suốt mạng lưới, phối hợp với các đối tác quốc tế để bố trí dung lượng ứng cứu kết nối khắc phục sự cố gián đoạn đường truyền tới khách hàng.

VNPT VinaPhone cũng đã lập danh sách các khách hàng cần đặc biệt ưu tiên để đảm bảo tốc độ truy cập Internet hướng quốc tế.   “Chúng tôi đang triển khai các biện pháp nhằm duy trì dịch vụ, bảo đảm thông tin liên lạc thông suốt cho khách hàng, đồng thời chủ động liên lạc để thông tin và hỗ trợ khách hàng. Thời gian khắc phục dự kiến từ ngày 23/1 đến ngày 7/2/2017”, đại diện VNPT VinaPhone cho biết.

Đại diện Viettel, ông Hoàng Sơn, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viễn thông Viettel cho biết, đến tối ngày 14/1/2017, Viettel đã đáp ứng gần 95% nhu cầu sử dụng dịch vụ kết nối quốc tế vào giờ cao điểm, hoàn thành bổ sung dung lượng 180 Gbps, trong đó có 70 Gbps qua hướng cáp đất liền đi Trung Quốc - Hong Kong, 100 Gbps qua hướng APG nhánh đi Hong Kong và 30 Gbps qua đất liền hướng đi Lào, Campuchia và Thái Lan. 

Viettel đang tiếp tục khẩn trương phối hợp với các đối tác tại Nhật Bản để đẩy nhanh tiến độ đưa vào sử dụng, khai thác thêm 100 Gbps dung lượng quốc tế nhằm đảm bảo dung lượng tương đương như trước khi xảy ra sự cố và khách hàng Viettel có thể sử dụng dịch vụ bình thường.

Đại diện Viettel cũng cho biết, Viettel đã gửi tin nhắn cho khách hàng thông báo sự cố đứt cáp biển khiến cho các kết nối Internet ra nước ngoài bị chậm, chập chờn. Lãnh đạo Viettel cũng chính thức gửi lời xin lỗi tới khách hàng vì sự bất tiện trong thời gian xảy ra sự cố. 

Đại diện Viettel cũng khẳng định Viettel đã tập trung mọi nguồn lực về tài chính, nhân sự và công nghệ để triển khai giải pháp ứng cứu, định tuyến kết nối, đảm bảo 100% chất lượng cho các dịch vụ sử dụng lưu lượng quốc tế như 3G, thuê kênh, roaming, VoIP, Internet có các nội dung Google đã được lưu trữ tại hệ thống máy chủ đặt ở Việt Nam và một phần lưu lượng cho dịch vụ cố định. 

Bên cạnh đó, Viettel cũng nhanh chóng đẩy lưu lượng cache (lưu trữ dữ liệu) cho gần 100 server máy chủ của Facebook đã được lắp đặt tại Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM, song song với việc bổ sung dung lượng quốc tế.

- Tuyến APG vừa đưa vào sử dụng tháng 12/2016 bị 2 sự cố đồng thời ngày 31/12/2016 (tại Singapore và Chongming - Trung Quốc) dẫn tới mất lưu lượng đi Singapore. Dự kiến ngày 23/1 sẽ khắc phục xong.

- Tuyến AAG bị sự cố ngày 8/1/2017 dẫn tới mất lưu lượng từ Việt Nam đi Hong Kong, Singapore và Mỹ. Dự kiến ngày 28/1 sẽ sửa chữa xong.

- Tuyến IA bị lỗi sự cố tại nhánh đi Hong Kong vào ngày 10/1/2017 tuy nhiên ngay trong ngày đã cấu hình lại nguồn nên đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, vào 16h15 ngày 11/1/2017 lại phát hiện tiếp lỗi rò rỉ nguồn tại nhánh đi Singapore. Hiện chưa có thông báo từ Ban Quản lý tuyến cáp về lịch trình sửa chữa. Viettel là doanh nghiệp duy nhất tham gia khai thác tuyến cáp quang này tại Việt Nam.

MỚI - NÓNG