Sự cô độc trong hành trình đi tìm bình yên, là không có ai đồng cảm và thấu hiểu

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Em chán nản vì mình không học giỏi xuất chúng, hay cũng không có tài năng gì nổi trội. Tại sao em không có siêu năng lực trí tuệ, hay một khả năng siêu nhiên nào đó cho bằng bạn bằng bè? Cứ thế, em trở nên tự ti vì cảm giác mình không đủ tuyệt vời so với người khác.

Thế nhưng em có biết không, phần lớn chúng ta là những người bình thường. Vì những bộ não “bình thường” chiếm đến 99,5% trong tổng số 7,6 tỷ người trên tinh cầu này.

Kỷ lục gia Dương Anh Vũ - giám khảo Siêu trí tuệ Việt Nam - từng chia sẻ rằng trên thế giới có 5 nhóm não. Nhóm đầu tiên là đột biến não bẩm sinh. Trên thế giới chỉ có 500 người nhóm này: Họ sở hữu những năng lực kỳ dị như trí nhớ phi thường hay khả năng tính toán đại tài nhưng lại không thể tự đi vệ sinh hay giao tiếp. Chính vì những đột biến của bộ não mà một chức năng thông thường bị rối loạn. Nhiều người trong số này phải kết thúc cuộc đời mình trong phòng thí nghiệm, trở thành những “chuột bạch” của những nhà khoa học. Nhóm 2 là những người có bộ não siêu việt nhưng không phải bẩm sinh mà do trải qua tai nạn, chấn thương. Nhóm 3 là thần đồng, có một trí tuệ bẩm sinh siêu việt. Thế nhưng 9/10 người nhóm này cho biết mình có cuộc đời bất hạnh, và đều phải đối mặt với chứng rối loạn trầm cảm.

Sự cô độc trong hành trình đi tìm bình yên, là không có ai đồng cảm và thấu hiểu ảnh 1

Sự cô độc trong hành trình đi tìm bình yên, là không có ai đồng cảm và thấu hiểu.

Nhóm thứ 4 là nhóm phát triển bền vững, là những nhà khoa học, những doanh nhân, người truyền cảm hứng… có đóng góp to lớn cho sự phát triển của xã hội. Nhóm này có 150 triệu người, và trong suốt 6.000 năm qua, đây là nhóm có nhiều đóng góp nhất cho xã hội loài người. Điều thú vị là nhóm này bao gồm những người từ nhóm 5, nhóm người bình thường, với phương pháp học tập đúng đắn và sự nỗ lực cố gắng không ngừng nghỉ đã có sự phát triển phi thường.

Em có thể tìm kiếm ngay những cái tên thiên tài như Natalia Strelchenko, Alan Turing, Walter Pitts, Sergey Reznichenko, Brandenn Bremmer… để biết được sự khắc nghiệt và áp lực của “Bàn tay của Chúa”. Đánh đổi lấy khả năng hơn người, điều họ nhận được chính là sự cô độc trong hành trình đi tìm bình yên, là không có ai đồng cảm và thấu hiểu.

Những người kiệt xuất có thể để lại cho đời một ý tưởng tầm vóc, nhưng để biến những ý tưởng đó thành hiện thực, duy trì và nâng cấp nó, thì em cần tới rất nhiều những con người bình thường. Những thiên tài đặt nền móng cho kỷ nghiệm công nghệ 4.0 có thể là bộ não của nhân loại, nhưng những người tự ti, những người yếu thế và sống với châm ngôn “cần cù bù thông minh” chính là đôi bàn tay cần cù, là đôi chân hăng hái, là trái tim yêu thương, là đôi mắt ngưỡng vọng, là đôi tai nghe ngóng, là bờ vai hòa bình, là lá phổi duy trì, là bất cứ thứ gì còn lại để tạo ra sự sống đủ đầy và cân bằng.

Sự cô độc trong hành trình đi tìm bình yên, là không có ai đồng cảm và thấu hiểu ảnh 2

Thế giới này, không thể trở nên tuyệt vời như thế nếu thiếu em!

Vì vậy nên đừng bao giờ nghĩ sự tồn tại hay đóng góp của em là không cần thiết, là quá nhỏ bé đến dư thừa. Thế giới này cần từng ngọn cây ngọn cỏ, cần những người vĩ đại vượt qua vực sâu tâm lý tăm tối, và cần cả những việc làm tí hon của hàng tỉ cá nhân bình thường.

Đại dương được tạo thành từ những giọt nước, rừng cây được tạo nên nhờ những chiếc lá, và mặt đất bao la được tạo ra từ từng hát cát, viên sỏi. Cơ thể em không thể thiếu từng lợi khuẩn siêu nhỏ trong dạ dày.

Và thế giới này, không thể trở nên tuyệt vời như thế nếu thiếu em!

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm