Sư cô cưu mang 60 trẻ mồ côi

Sư cô cưu mang 60 trẻ mồ côi
TP - Sư cô Tâm Niệm (Trần Thị Kim Kết) trụ trì chùa Bửu Trì ở phường Xuân Khánh (Ninh Kiều, Cần Thơ) 15 năm qua đã đón nhận, nuôi nấng hơn 60 em trẻ mồ côi, trong đó đa số là trẻ sơ sinh.
Sư cô cưu mang 60 trẻ mồ côi ảnh 1
Sư cô Tâm Niệm và một cháu bé được cưu mang từ hài nhi

Có trẻ nằm khóc oe oe giữa chánh điện, có bé được đặt trước cổng chùa. Đang đêm, nghe người gọi có trẻ em bị bỏ rơi, sư cô lại ra bế vào. Lại có trẻ được anh em chạy xe honda ôm chở đến. Các bé hầu hết mới được môt hai ngày tuổi. Cá biệt, có cháu còn lòng thòng cuống rốn, đã bị mẹ bỏ rơi. Sư cô Tâm Niệm luôn mở rộng vòng tay yêu thương để đón nhận những mảnh đời bất hạnh, chăm sóc nuôi dưỡng, cho ăn học thành người.

Theo sự hướng dẫn của sư cô, tôi đi ra sau chùa tới nhà bếp chung với nhà ăn. Tất cả sạch sẽ, gọn gàng, tươm tất. Rẽ về phải là hậu liêu, khu nhà sàn là nơi ăn ở của trẻ em. Khác với không khí tĩnh mịch phía trước, nơi đây trẻ nô đùa, cười, khóc náo nhiệt. Lời ru ầu ơ của các bảo mẫu trông coi trẻ từ 1 tháng đến 3 tuổi. Mỗi chiếc võng có 2 trẻ nằm. Sư cô bảo rằng, các cháu uống sữa nhiều cũng lo, không uống được cũng lo...

Anh Nguyễn Văn Mới là Tổ trưởng tổ tự quản 14 thuộc khu vực 7 (phường Xuân Khánh) cho biết: “Nhà tôi sát chùa, 4 giờ sáng là đã nghe tiếng trẻ khóc, tiếng sư cô ru hời hoặc trò chuyện. Sư cô nuôi trẻ rất giỏi, từ lúc bà ẵm con qua xin xác nhận có người bỏ con để làm giấy khai sinh, thấm thoắt rồi chúng biết đi, biết chạy, đứa nào cũng bụ bẫm, da dẻ hồng hào”. Hiện trong chùa còn có 8 người già neo đơn ăn ở, cao tuổi nhất 93 tuổi, ít tuổi nhất 59 tuổi.

Sư cô Tâm Niệm cho biết: Nhờ có học qua các lớp hướng dẫn chăm nuôi con trẻ nên bà không lúng túng khi nhận những đứa trẻ đầu tiên. Còn bây giờ thì sư cô đã có rất nhiều kinh nghiệm nuôi trẻ. Không những chăm sóc tốt sư cô còn biết chữa những bệnh thông thường cho chúng.

Tất cả trẻ đến đây được làm giấy khai sinh ở chùa, được đi học đàng hoàng. Ngoài giờ học ở trường, sư cô còn mướn thầy về chùa dạy tiếng Anh, Pháp, Hoa. Những ngày hè, chùa mời sinh viên đại học đến dạy kèm giúp cho các em học yếu. Trong chùa, bên cạnh sư cô Tâm Niệm, còn có 2 ni cô, 3 bảo mẫu và một người giúp việc nấu ăn giặt giũ.

Năm tháng trôi qua, nhiều em đã trưởng thành, ra đời lập nghiệp, thành đạt. Có em đã trở thành giảng viên đại học, là y bác sĩ phục vụ trong các bệnh viện. Tất cả trẻ từ khi đến chùa đều khỏe mạnh. Sư cô cho biết: “15 năm nay cũng chưa thấy có ai trở lại tìm giọt máu của mình”. Sư cô Tâm Niệm là mẹ và chùa Bửu Trì đã trở thành ngôi nhà ấm áp của 60 mảnh đời, là chốn đi về, thương nhớ khi chúng trưởng thành.

Năm 1991, hai đứa trẻ lần đầu tiên được sư cô nhận cưu mang là hai anh em ruột, người anh trai Nguyễn Thanh Liêm 6 tuổi, em gái Nguyễn Thị Ngọc Hạnh 4 tuổi ở huyện Thốt Nốt, không có cha, mẹ đi lấy chồng.

Hiện nay ở chùa có 30 em, lớn nhất 20 tuổi, nhỏ nhất 1 tháng tuổi, trong đó 8 trẻ thơ, 8 em học lớp mầm non, 9 em học cấp một, 4 em cấp trung học và 1 em học đại học.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.