Cái giá phải trả cho sự vội vàng vĩnh cửu quá đắt: Chất lượng cuộc sống suy giảm, cơ thể nổi loạn. Sự coi thường thực tế đe dọa cái chết đến sớm.
+ Bác sĩ có nghe nói đến cái gọi là blue zones, những vùng xanh?
- Đó là những vùng đất trên hành tinh chúng ta, nơi cư dân có tuổi thọ cao nhất, rất hiếm người mắc các bệnh ung thư, các bệnh hệ tim mạch và có chỉ số béo phì thấp nhất. Đó là Sardynia ở Italia, Loma Linda ở California (Mỹ) và Nicoya ở Costarica...
+ Những cư dân ở đó đã làm gì, để duy trì phong độ tuyệt vời như thế?
- Họ ăn nhiều hoa quả, rau xanh, rất ít thịt mầu đỏ. Ngoài ra họ thực hành nếp sống điều độ, thường mang lại cho nhau những điều thú vị, dành thời gian thích hợp cho bạn bè và tất cả, không phụ thuộc và tuổi tác, mỗi ngày dành 180 phút để làm việc gì đó mang tính phát triển.
+ Thế nào là mang tính phát triển?
- Là những gì bản thân quan tâm, những gì lôi cuốn và không mang lại phần thưởng. Các tế bào thần kinh của chúng ta liên tục chết đi, nhưng não bộ không già nua, nó tự phục hồi – cho đến khi chúng ta tạo cho nó thử thách mới. Thậm chí người ta đã cụ thể hóa lối sống đó bằng công thức: T + S = T’ (Thú vị + Sở thích = Thông minh).
+ Theo bác sĩ, tôi cần làm gì, để có số lượng tối đa tế bào thần kinh?
- Ngủ nhiều – cần phải điều chỉnh nồng độ hoóc-môn giấc ngủ. Cần tự thuần hóa nhịp tối ưu: tám giờ lao động (trong đó có ba giờ dành cho bạn bè), tám giờ nghỉ ngơi và tám giờ dành cho giấc ngủ. Sau thực tế 35 năm điều trị và quan sát bệnh nhân, tôi đi đến kết luận: gien di truyền của chúng ta không thể thích nghi với điều kiện sống chi phối trong thế kỷ XXI.
+ Có phải vì thế chúng ta liên tục sống trong stress?
- Chính thế, chúng ta liên tục bị sức ép thời gian. Stress có thể gây ra tới 170 triệu chứng bệnh lý khác nhau, và chúng ta hoàn toàn bị đánh mất mình – đến khi thích nghi với chúng. Chúng tôi chia ra hai dạng người phản ứng theo cách khác nhau với stress.
+ Bác sĩ có thể nói cụ thể?
- Dạng thứ nhất là những người làm việc hết mình, cố gắng trở thành nhân vật số một và đạt được mục tiêu đề ra tại vị trí công tác; cho đến khi cơ thể buộc phải phát tín hiệu “đã đến lúc phải nghỉ” thông qua những biểu hiện bệnh lý khác nhau. Phía bên kia là những người kém khả năng đề kháng hơn – đối tượng tự cho phép mình làm việc với cường độ nhẹ nhàng, có chừng mực.
+ Cơ thể cảnh báo bằng cách nào?
- Thông qua các cơn co cơ, những rối loạn giấc ngủ - giai đoạn hai hoặc những trục trặc chu kỳ hoóc-môn, cả ở phụ nữ cũng như nam giới, những rối loạn áp huyết, những sự cố với trí nhớ, sự giảm sút năng lực hệ đồng miễn dịch và những trạng thái viêm nhiễm mạn tính – cùng với thời gian có thể dẫn đến sự xuất hiện các bệnh ung thư.
Tôi tin rằng, những chuỗi axít amin thần kinh đảm trách nhiệm vụ kiểm soát cảm xúc của chúng ta cũng thông báo cho chúng ta tín hiệu tương tự qua hệ miễn dịch và hoóc-môn. Hiện tượng thấy rõ qua thực tế làn da và hệ tiêu hóa chịu tác động của cảm xúc.
+ Có thể đo đếm stress?
- Chúng tôi sử dụng kỹ thuật tạo hình ảnh thần kinh, sinh lý học thần kinh, di truyền học, xét nghiệm máu và nước dãi; xét nghiệm nồng độ các chất dẫn suất thần kinh cụ thể: noradrenalin – hợp chất mà sự gia tăng đánh dấu trạng thái hưng phấn, sự tìm kiếm liên tục thách thức và cảm giác mới lạ, thái độ coi thường sự trớ trêu của số phận và dopamin – hợp chất, mà sự thiếu hụt dẫn đến trầm cảm nội sinh.
+ Stress còn đe dọa xuất hiện bệnh gì?
- Bệnh tiếp theo do stress là thủ phạm là sự tăng trưởng mô mỡ ở bụng, hiện tượng có thể dẫn đến các trạng thái viêm nhiễm, tiểu đường và gia tăng áp huyết tâm trương.
+ Tình trạng mỡ bụng tăng trưởng...
- Muốn hạn chế cần thực hiện chế độ ngày ăn chia nhỏ thành 5 bữa, bởi khi nồng độ đường trong máu suy giảm, mỡ cơ thể hấp thụ được sẽ tích tụ ở bụng. Vòng hai lớn hơn 102 cm với nam giới và 88 cm đối với phụ nữ, không phụ thuộc vào cân nặng và chiều cao, đều bị coi là có bệnh. Tình trạng rối loạn nhịp sinh học hàng ngày ảnh hưởng bất lợi đến khả năng đề kháng của cơ thể, trọng lượng cơ bắp, dẫn đến tình trang già trước tuổi và kìm hãm sự gia tăng chiều cao ở trẻ em.
+ Muốn khắc phục tình trạng bê bối, cần thực hiện nếp sống nghiêm túc hơn và sử dụng ít tân dược hơn?
- Trong hệ thống chăm sóc sức khỏe xã hội, cần có sự tham gia của các chuyên gia xã hội học, tâm lý học và chuyên gia dinh dưỡng. Thực tế, nguyên nhân khoảng 40% các trường hợp người lao động nghỉ ốm có những triệu chứng bệnh lý hoàn toàn có thể loại bỏ dựa vào nỗ lực thay đổi lối sống.
Chúng ta cần ăn nhiều sản phẩm thực vật, và ăn đúng giờ nhất định, không phải nhằm mục đích giảm béo, mà gia tăng năng suất lao động. Dạ dày của chúng ta có thể kéo thậm chí 80% lượng máu lưu thông trong cơ thể. Tôi tin vào mối quan hệ mật thiết giữa phần thể xác và tinh thần của con nguời.
+ Bác sĩ khuyên bệnh nhân chiến đấu với stress bằng cách điều chỉnh lối sống?
- Nền y học bắt dầu từ giường ngủ, từ nhà bếp và kết thúc ở hiệu thuốc. Bệnh lý mới của thế kỷ XXI là những biến đổi liên tục diễn ra trong xã hội. Chúng ta cần áp dụng tâm lý trị liệu, yoga, cầu nguyện – tức tất cả những gì khả dĩ giúp chúng ta chấm dứt nghĩ quẩn.
+ Theo bác sĩ, nghĩ quẩn là xấu?
- Khi nghĩ vẩn vơ, đầy mơ hồ, chúng ta tiêu tốn 40 đơn vị năng lượng, trái lại khi nghĩ về sự kiện cụ thể, chúng ta chỉ cần 10 đơn vị.
+ Tuy nhiên không dễ làm chủ hoài nghi.
- Tất nhiên gần như không ai làm được điều đó. Nhiều người khổ sở vì lý do stress kinh niên và thậm chí bản thân không hay biết. Những người này thực hiện công việc bản thân ưa thích, đòi hỏi nhiều ở bản thân và vì thế không nghe thấy nhữ gì cơ thể nói.
+ Mặc dầu vậy về mặt tương đối họ cảm thấy hạnh phúc.
- Tuy nhiên nếu ai đó thức giấc người đã mệt, tấm thân để có thể làm việc với cường độ thích hợp, cần phải tiết ra hoóc-môn hại chủ kortyzol. Và bắt đầu vòng tròn cạm bẫy: buổi tối con người về nhà sức lực cạn kiệt, không thể ngủ ngon, để rồi sáng mai dậy sớm tiếp tục công việc…và vòng tròn tiếp tục lặp lại.
+ Đã nhiều năm ông làm việc với tư cách bác sĩ học đường. Theo bác sĩ, trẻ em thời nay hay gặp rắc rối gì nhất?
- Chúng phải học quá nhiều môn và đầu óc phải tự thuần hóa lượng thông tin quá lớn. Trẻ cần phải có thời gian tự phát triển. Không thể cùng lúc nhồi nhét quá nhiều sự thay đổi, cơ thể chúng ta không có khả năng thích nghi với tốc độ nhanh như vậy.
Vinh Hà
Tri Thức Trẻ