Đó là tâm sự của anh Đinh Văn Dương, người duy nhất sống sót trong vụ tai nạn máy bay quân sự tại Hòa Lạc năm 2014.

Chuông điện thoại rung lên. Hai cánh tay cụt ngủn nhanh nhẹn kéo chiếc điện thoại đến gần mình rồi lật lật tấm ốp. Cẳng tay nhăn nheo nhưng khéo léo chạm vào các nút chức năng trên màn hình. Bấm vào nút “Nghe”. Rồi lại bấm vào nút “Loa” để nói chuyện một cách thoải mái mà không phải cầm điện thoại. Trong khi nói chuyện, anh vẫn có những câu pha trò, những động tác hóm hỉnh như nháy mắt, thè lưỡi một cách rất hồn nhiên như thể muốn chọc cười người đối thoại.

Không ai có thể ngờ rằng, đó chính là người đã vượt qua tai nạn khủng khiếp nhất khiến gần như toàn bộ chiến sĩ trên chiếc máy bay trực thăng quân sự ra đi mãi mãi. Đó là Đinh Văn Dương thương binh trẻ nhất đang điều trị tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh)

Sau gần 1000 ngày nằm viện, anh trở về với hai chân, hai tay bị cụt, phần thân thể còn lại bị biến dạng nặng, suy đa phủ tạng…

Anh Dương không muốn nhắc nhiều đến vụ tai nạn lúc đó bởi hình ảnh đồng đội của anh cứ hiện về ám ảnh. Tai nạn xảy ra quá nhanh, chỉ trong tích tắc với một tiếng nổ lớn và anh không hề hay biết gì nữa. Đó là ngày định mệnh 7/7/2014, trong khi đang bay huấn luyện thả dù tại khu vực sân bay Hòa Lạc, máy bay Mi 171 số hiệu 01 của Trung đoàn Không quân 916, Sư đoàn Không quân 371 bị cháy động cơ, rơi tại thôn 11, xã Thạch Hòa, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Trên chuyến bay có 21 người, trong đó có 10 chiến sĩ thuộc Tiểu đoàn Đặc công 18 (Bộ Tư lệnh Thủ đô).

Tỉnh dậy trong bệnh viện, anh cũng không biết mình bị mất chân, tay bởi được quấn băng trắng xóa. Mãi sau này anh mới biết và đau đớn khi nghĩ rằng mình sẽ không thể làm được việc gì, trở thành người thừa của xã hội và gia đình.

Ba lần, trái tim của Dương đã ngừng đập nhưng rồi sự nỗ lực của các y, bác sĩ của 7 bệnh viện luôn túc trực, hội chẩn, điều trị thường xuyên đã giành được mạng sống của anh từ tay tử thần. 2 lần đầu khi tim ngừng đập, các bác sỹ nhanh chóng “kéo” Dương trở lại. Nhưng lần thứ 3, mặc dù đã dùng mọi phương pháp hiện đại nhất, các bác sỹ đã nghĩ đến chuyện buông tay, thông báo về tình trạng của Dương để gia đình chuẩn bị hậu sự. Trong lúc đó, mặc dù tim Dương đã ngừng rất lâu nhưng các bác sỹ Viện Bỏng Quốc gia quyết định cứ để máy thở cho đến khi nào không còn dấu hiệu gì của sự sống. Như có một phép màu, ngày hôm sau, tim Dương lại đập trở lại…

Chiến sỹ Đinh Văn Dương trước khi gặp nạn

Bác sĩ Phạm Thị Pha, người trực tiếp điều trị cho anh Dương tại Trung tâm điều dưỡng thương binh Thuận Thành, tỏ ra khâm phục ý chí của anh: “Dương luôn rất lạc quan và thường trêu đùa chúng tôi như những người trong nhà. Thỉnh thoảng Dương còn đọc thơ. Các bác sĩ rất quý Dương bởi anh là người trẻ nhất ở đây, luôn gần gũi, tình cảm với các y, bác sĩ. Mọi người luôn coi Dương là trường hợp đặc biệt bởi ý chí mạnh mẽ vượt qua khó khăn để sống vui vẻ”.

Cũng theo bác sĩ Pha, hiện nay sức khỏe của Dương đã khá ổn định. Tình trạng huyết áp, sức đề kháng, khả năng thích nghi và nhất là tâm lý của người thương binh giữa thời bình này cũng thực sự đáng nể. Anh được tặng một chiếc xe lăn điện để đi lại, giảm bớt khó khăn. Sau tai nạn, anh có hơn 20 lần phải phẫu thuật thẩm mỹ về da nhưng may mắn là tình trạng cơ thể chuyển biến tích cực. “Khó khăn nhất khi điều trị cho Dương mỗi lần cấp cứu hoặc dị ứng thuốc là việc lấy ven để tiêm truyền. Bởi toàn bộ cơ thể của anh đã bị tàn phá hết, không thể tìm ra ven”, bác sĩ Pha nói. Còn Đinh Văn Dương lại nghiêng đầu tán chuyện: “Chị cứ lấy ven ở cổ là được rồi!”.

Khi tai nạn xảy ra, vợ Dương đang mang bầu đứa con thứ hai. Những lần ngừng tim của Dương khiến vợ anh đau đớn, nhiều lần ngất lên ngất xuống. Bác sĩ đành phải cho mổ sinh sớm vì lo sức khỏe của chị không đảm bảo. Bây giờ, đứa con gái lớn của Dương đã học lớp 2, cậu con trai đã 3 tuổi rất quấn quýt bố. Chúng không sợ khuôn mặt dị dạng, không sợ làn da chằng chịt những vết sẹo của bố. Cậu con trai còn rất vui khi được ngồi trong lòng và được bố đưa đến trường trên chiếc xe lăn điện.

Hai vợ chồng Dương cũng được Nhà nước bố trí cho một căn hộ chung cư, vợ Dương được điều chuyển về làm điều dưỡng tại Bệnh viện Quân đội 108. Mỗi cuối tuần, chị lại cùng hai con bắt xe về Thuận Thành vui vầy, động viên anh. Còn “điều dưỡng viên” đặc biệt của Dương trong suốt thời gian từ khi bị tai nạn đến nay chính là mẹ anh. Bà Trịnh Thị Đông là người bón cho Dương từng thìa cơm, từng cốc nước, giúp Dương vệ sinh cá nhân và mọi hoạt động thường ngày.

Bà Đông - mẹ chiến sỹ Đinh Văn Dương

Mẹ của người thương binh nghị lực kể lại, 4 tháng sau tai nạn, Dương mở mắt và gọi được một từ “mẹ” đã khiến tim bà như ngừng lại vì quá sung sướng. Nhưng rồi, bà lại đau đớn khi anh liên tục đòi mua gương để soi. Từ chối mãi, cuối cùng bà đành nhượng bộ. Lần đầu nhìn lại hình hài của mình, bà xót xa khi nghe anh cảm thán: “Ô kìa, sao nhìn con lại béo và xấu thế nhỉ?!”. Nhưng rồi sau đó, Dương không phàn nàn nữa.

“Dương hay kêu đau người nên tôi phải thường xuyên bóp tay, chân cho nó. Đêm cũng phải dậy không thì nó đau không chịu được, kêu la suốt. Nhưng mấy hôm nay Dương thương mẹ không bắt tôi bóp tay, bóp chân cho nữa mà nếu đau quá thì nó ngồi dậy, đập tay, đập chân, đập người xuống giường. Còn khi không chịu được thì nó bảo mẹ ra mua 5.000 đồng thuốc chuột để chết quách cho xong… Ấy thế mà khi bình thường, nó thương mẹ lắm, hay pha trò để cho tôi cười nữa”, bà Đông kể.

Chỉ có những lúc các cơn đau hành hạ Dương mới trở nên bi quan. Có lúc anh bật khóc và đòi… quyên sinh. Những khi đó, bà Đông lại hài hước mắng yêu con: “Sư bố nhà anh, 22 người, có mỗi anh sống. Anh có biết nhà nước mất bao nhiêu tiền chữa cho anh rồi không mà đòi chết?”. Không chỉ “kè kè” bên cạnh con trai và động viên, bà Đông còn thường xuyên pha trò cười để con được vui. Bà thường nói về cuộc sống với tinh thần rất vui vẻ, hài hước. Có lẽ, chính trái tim của người mẹ và thái độ luôn vui vẻ, nghĩ về những điều tích cực của bà Đông là một phần động lực lớn tiếp sức cho Dương tiếp tục chiến đấu để giữ gìn sự sống.

Tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành, Đinh Văn Dương được cấp một căn phòng với đầy đủ tiện nghi, có điều hòa, nóng lạnh, ti vi và các trang thiết bị cần thiết. Hầu như tất cả các đoàn đến thăm trung tâm đều ghé vào căn phòng của người thương binh đặc biệt này. Với Dương, như thế là tạm ổn với cuộc sống của anh nhưng anh chỉ đau đáu về việc người mẹ già vẫn phải lo cho con từ những sinh hoạt nhỏ nhất.

Dương bảo, anh không phải kiêng cữ gì nhưng phải tự ăn uống điều độ để duy trì sức khỏe. Hàng ngày, Dương vẫn phải đeo 2 bao cát vào tay để luyện tập. Anh cười bảo, lúc làm thủ tục xác định thương tật, bác sĩ định ghi là mình mất 100% sức khỏe nhưng sau lại ghi là mất 99%, còn 1% đấy là nghĩa tình lắm bởi nếu không thì mình đã là người bỏ đi rồi. Ở trung tâm này, có hai bác thương binh mất 100% sức khỏe nhưng người bị mất cả hai tay, hai chân như Dương thì chỉ có một.

Mới đây, anh cùng gia đình về lại nơi 3 năm trước chiếc máy bay bị rơi. Nơi đây, di ảnh 20 đồng đội được người dân đặt trang trọng trong nhà tưởng niệm. “Nhìn di ảnh những người đồng đội, tôi không cầm được nước mắt”. Có lẽ, sự xúc động ấy đã thôi thúc anh nghĩ về một cuốn hồi ký. Anh mong muốn viết về những ngày trong quân ngũ, về ngày bi thương khi anh cùng các đồng đội gặp nạn. Tất nhiên, anh sẽ kể lại những trải nghiệm của mình, cuộc chiến đấu chống lại những vết thương nơi bệnh viện, tình cảm của các bác sĩ dành cho mình, sự thương yêu của người mẹ và gia đình dành cho anh. 24 lần phẫu thuật là sự đồng hành của những người thân. Vì thế anh mong muốn có một đôi tay giả để tự mình làm được các việc vệ sinh cá nhân, ăn uống. Song, mong muốn đó chưa thể thực hiện bởi chi phí để ghép một đôi tay giả quá lớn.

“Mình rất muốn có được một đôi tay giả. Bởi nếu có tay, mình có thể cầm được bát để ăn cơm, cốc để uống nước và nhất là vệ sinh có thể tự mình làm được, không muốn để cho mẹ mình phải vất vả nữa, bà đã già và yếu rồi. Hơn nữa có thể giúp cho vợ con được vài công việc lặt vặt. Còn việc tập đi, từ khi tập đi trở lại, anh đã dùng 3 đôi chân giả khác nhau theo mỗi giai đoạn tập luyện. Tuy nhiên, những đôi chân này đều là dạng thẳng, không có khớp nên việc bước đi còn khá khó khăn.

Mấy hôm trước, MC Phan Anh đã đến thăm và dẫn một công ty chuyên về làm tay giả về để lấy các thông tin, dữ liệu sinh học. Phan Anh hứa sẽ huy động các nhà tài trợ để tặng mình một đôi tay giả, cũng phải khoảng 600-700 triệu đồng. Còn chân giả thì Phan Anh chưa dám hứa…”, anh Dương nói và dõi đôi mắt nhìn xa xăm…