Sốt xuất huyết gần chạm ngưỡng cảnh báo dịch

Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội)
Bệnh nhi điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Nhi T.Ư (Hà Nội)
TP - Cục Y tế Dự phòng - Bộ Y tế cảnh báo, trong 3 tuần gần đây, số ca mắc sốt xuất huyết (SXH) có xu hướng tăng và gần với ngưỡng cảnh báo dịch. Dự báo, từ nay đến đầu năm 2021, SXH vẫn có những diễn biến phức tạp do thời tiết thuận lợi cho dịch bệnh phát triển.

Ngày 21/9, tại Hội nghị trực tuyến tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, công tác tiêm chủng và an toàn tiêm chủng năm 2020 tại điểm cầu Bộ Y tế và 62 tỉnh, thành phố, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết, những tháng đầu năm 2020, các bệnh SXH, tay chân miệng, sởi, sốt rét giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2019. Tuy nhiên, SXH vẫn có số mắc cao, tăng cục bộ tại một số địa phương; nhiều ca bệnh bạch hầu xuất hiện tại các tỉnh khu vực Tây Nguyên và miền Trung.

SXH gia tăng, nhiều xã “trắng” tiêm chủng bạch hầu

Cục Y tế Dự phòng cho biết, từ đầu năm đến giữa tháng 9, Việt Nam ghi nhận 70.585 ca mắc SXH, giảm 64,8% so với cùng kỳ năm 2019, nhưng trong 3 tuần gần đây, số ca mắc có xu hướng tăng. Số ca mắc SXH tập trung ở Bến Tre, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Gia Lai, Kon Tum, Khánh Hoà, Bình Thuận, Long An, Phú Yên, Quảng Bình, Tây Ninh, Tiền Giang, TPHCM, Hà Nội…

Về tình hình dịch SXH trong năm nay, ông Đặng Quang Tấn, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, đánh giá, không có sự bất thường về diễn biến dịch, tuýp lưu hành chủ yếu vẫn là D1, D2 (chiếm 90%). Tại miền Nam, tỷ lệ người bệnh ở nhóm trên 15 tuổi đang có xu hướng tăng dần. “Do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên thời gian qua, việc giám sát, kiểm tra phòng chống SXH tại các địa phương cũng bị ảnh hưởng. Số mắc SXH có nguy cơ tiếp tục gia tăng trong các tháng cuối năm do điều kiện thời tiết thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển; nới lỏng giãn cách xã hội và gia tăng hoạt động giao lưu đi lại, tăng mật độ tập trung đông người nên số mắc luôn có nguy cơ gia tăng, lan rộng nếu không thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống”, ông Tấn nhận định.

Về dịch bạch hầu ở Tây Nguyên thời gian qua, đa số ca bệnh đều xuất hiện ở vùng lõm tiêm chủng. “Vì thế, phải giải quyết được vùng lõm trong tiêm chủng, đảm bảo tính an toàn, hiệu quả”, Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên nêu rõ. Về khó khăn trong phòng chống dịch bạch hầu, ông Tấn cho biết, đa số các xã có ổ dịch ở vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số, điều kiện khó khăn, bất đồng ngôn ngữ, không hợp tác tiêm vắc-xin. Một số khu vực đã lâu không ghi nhận ca bệnh, cán bộ y tế cơ sở thiếu kinh nghiệm trong chẩn đoán, giám sát phát hiện sớm. “Nhiều trường hợp mắc bệnh bạch hầu ở nhóm tuổi lớn, ở thời điểm chương trình tiêm chủng mở rộng chưa triển khai đầy đủ, còn xã “trắng” về tiêm chủng. Một số địa phương, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn chưa quản lý được hết các đối tượng, tỷ lệ tiêm chủng còn thấp ở quy mô cấp xã. Vắc-xin giải độc tố bạch hầu chỉ tạo ra miễn dịch kháng độc tố, không làm giảm được tình trạng người lành mang trùng sau khi tiêm vắc-xin.

Nguy cơ bùng phát dịch

Dự báo, cuối năm 2020 và đầu năm 2021, tình hình dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, các bệnh dịch lưu hành trong nước có nguy cơ bùng phát thành dịch do thời tiết mùa đông xuân rất thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.

Ngoài nguy cơ và ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19, một số bệnh dịch vẫn có nguy cơ gia tăng số mắc và tử vong nếu không có các biện pháp phòng chống hiệu quả như cúm, nhiễm trùng đường hô hấp, SXH, tay chân miệng, sởi, bệnh dại, sốt rét, và các bệnh dịch lây truyền từ động vật sang người. Đặc biệt, các bệnh có vắc-xin phòng như bạch hầu, ho gà có thể ghi nhận thêm nhiều ca mắc.

Để tăng cường công tác phòng, chống bệnh bạch hầu, PGS.TS Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, đã hướng dẫn kỹ thuật các tuyến về công tác giám sát, xử lý và phòng, chống bệnh bạch hầu. Theo đó, bạch hầu đã có vắc-xin, tiêm phòng bệnh bạch hầu đúng lịch là biện pháp quan trọng, đặc hiệu để phòng bệnh, nhưng cần lựa chọn đúng vắc-xin về liều lượng và thời điểm tiêm chủng. Đồng thời, cần áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp cách ly, bệnh nhân, ca bệnh nghi ngờ, người tiếp xúc gần, xử lý ổ dịch, điều trị ca bệnh và điều trị dự phòng để hạn chế tối đa lây nhiễm. Biện pháp sử dụng kháng sinh dự phòng có tác dụng quyết định, nhằm loại trừ nguồn lây trong cộng đồng (bệnh nhân và người lành mang trùng) rất hiệu quả.

Theo thống kê của Cục Y tế Dự phòng, tính từ đầu năm tới nay, 10 địa phương có số ca mắc sốt xuất huyết cao nhất gồm TPHCM, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Bình Dương, Đồng Nai, Bến Tre, Quảng Bình, Tiền Giang và Hà Nội. Trong đó, TPHCM dẫn đầu với 13.322 trường hợp, Hà Nội đứng thứ 10 với 1.993 ca mắc. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.