'Sốt đất' ở Tây Nguyên dịp cuối năm: Chiêu dùng dự thảo quy hoạch đất đẩy giá, trục lợi

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Những ngày cuối của năm đại dịch COVID-19 ở Đắk Lắk, hầu hết các mặt hàng kinh doanh đều đìu hiu, riêng thị trường bất động sản sôi động, “nhảy múa” chưa từng có. Chính quyền cảnh báo việc sử dụng dự thảo quy hoạch đất để tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất lên cao, tạo “bong bóng” bất động sản để trục lợi.

Lợi dụng dự thảo quy hoạch sử dụng đất tạo "sốt ảo"

Trao đổi với Tiền Phong, ông Trần Đình Nhuận - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk cho biết, chưa khi nào, thị trường bất động sản ở tỉnh lại sôi động như năm nay, nhất là thời điểm cuối năm.

Cụ thể, năm 2021, toàn tỉnh có gần 300.000 giao dịch về đất đai (gồm đăng ký ban đầu, đăng ký biến động, đăng ký thế chấp bảo lãnh). Riêng quý 3 và 4, giao dịch về đăng ký biến động, chuyển quyền sử dụng đất tăng 28.000 hồ sơ (tăng 30% so với cùng kỳ năm trước). Các văn phòng đăng ký đất đai đã hoạt động hết công suất để giải quyết lượng hồ sơ tăng đột biến trên.

'Sốt đất' ở Tây Nguyên dịp cuối năm: Chiêu dùng dự thảo quy hoạch đất đẩy giá, trục lợi ảnh 1

Người dân đi làm thủ tục đất đai từ 2-3 giờ sáng

Sở dĩ thị trường bất động sản sôi động đến bất thường, theo ông Nhuận xuất phát từ việc có hiện tượng tổ chức, cá nhân sử dụng dự thảo hồ sơ lập quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 để tung tin đồn, đầu cơ nhằm đẩy giá đất lên cao, tạo “bong bóng” bất động sản để trục lợi. Để ngăn chặn tình trạng “bong bóng” bất động sản, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các địa phương, công an vào cuộc.

Theo đó, UBND tỉnh giao UBND các huyện, thị xã, thành phố phổ biến cho người dân biết về việc địa phương đang công khai lấy ý kiến của các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư dự thảo hồ sơ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 để tiếp thu, hoàn thiện trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Do đó, người dân cần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo của tổ chức môi giới, mua bán bất động sản, cá nhân sử dụng dự thảo bản đồ quy hoạch đất của các địa phương để tung tin đồn thổi, đầu cơ, đẩy giá đất lên cao, tạo “bong bóng” bất động sản để trục lợi; kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm tổ chức môi giới, mua bán bất động sản, cá nhân có hành vi lừa đảo theo quy định pháp luật.

Công an vào cuộc chặn "sốt đất"

UBND tỉnh Đắk Lắk cũng yêu cầu các địa phương quán triệt cán bộ, công chức không được cung cấp hồ sơ, tài liệu có liên quan dự thảo hồ sơ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021-2030 cho các tổ chức môi giới, mua bán bất động sản, cá nhân khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép, nếu phát hiện vi phạm phải xử lý nghiêm; chỉ đạo công an vào cuộc rà soát, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân sử dụng dự thảo bản đồ quy hoạch sử dụng đất thời kỳ 2021 -2030 để tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá đất lên cao, gây bất ổn cho thị trường, ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự và đời sống của người dân.

'Sốt đất' ở Tây Nguyên dịp cuối năm: Chiêu dùng dự thảo quy hoạch đất đẩy giá, trục lợi ảnh 2

Bảng rao bán đất được gắn chi chít trên cây

Ngoài ra, Sở Tài nguyên và Môi trường Đắk Lắk cũng tham mưu UBND tỉnh ra Quyết định 07 thay cho Quyết định 36 về việc quy định hạn mức giao đất ở, đất trống, đồi núi trọc, đất sản xuất…; và quy định về kích thước, diện tích đất tối thiểu được phép tách thửa cho hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn tỉnh.

“Việc giải quyết tách thửa với người chưa có nhà ở, đang thật sự có nhu cầu làm nhà, nằm ở khu vực có hạ tầng, xen kẹt giữa các đô thị, khu dân cư. Với những khu vực mới nằm trên đất nông nghiệp hiện hữu phải lập dự án đầu tư theo quy định của luật đấu thầu, đầu tư, luật xây dựng, luật kinh doanh bất động sản… Quyết định 07 có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 sẽ ngăn chặn được tình trạng phân lô, tách thửa như thời gian qua”, ông Nhuận thông tin.

Trước đó, Tiền Phong có bài phản ánh 'Sốt đất' ở Tây Nguyên dịp cuối năm, xếp hàng làm sổ từ 2 giờ sáng phản ánh việc “Cò” đất và nhiều cá nhân, tổ chức đã mua đất vùng ven thành phố, hoặc khu vực du lịch sinh thái để “thổi” giá đất, khiến cho đất đai các tỉnh Tây Nguyên trở nên đắt đỏ hơn bao giờ hết. Nhiều nơi, người dân phải có mặt từ 2 giờ sáng sớm ở khu vực hành chính công để làm thủ tục sang nhượng, chuyển đổi đất...

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.