Không muốn xa nương rẫy
Chỉ cách trung tâm xã hơn 15km, nhưng chúng tôi phải nhờ cán bộ xã Ea Kiết dẫn đường và mượn “con ngựa sắt đặc biệt” mới đến được làng Mông. Làng trải dài gần 10km qua các tiểu khu 540, 544, 547 A do Lâm trường Buôn Ja Wầm quản lý. Cách đây hơn 20 năm, bà con dân tộc Mông từ các tỉnh Lai Châu, Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang… di cư vào đây phá rừng, khai hoang lập làng. Làng cách biệt với bên ngoài như một ốc đảo bởi không có điện, đường, trường, trạm và nước sạch. Con đường mòn độc đạo dẫn vào làng còn bị chia cắt bởi nhiều con suối lớn nhỏ khiến giao thông vô cùng khó khăn. Cuộc sống đã đói nghèo càng lạc hậu khi người lớn chỉ nghĩ đến việc phá rừng làm rẫy, trẻ em không được học hành. Đứa nào cũng gầy guộc, bẩn thỉu.
Năm 2009, chính quyền huyện Cư M’gar thực hiện dự án chuyển làng đến khu tái định cư gần trung tâm xã. Mỗi hộ gia đình được cấp đất ở, hỗ trợ tiền chuyển nhà. Tuy nhiên làng ngoài thiếu đất sản xuất. Muốn canh tác, trồng trọt phải vào làng trong nên bà con không chịu chuyển đi. “Chúng tôi ở đây quen rồi, gần nương rẫy không lo bị đói. Giờ chuyển ra ngoài đó cách xa cả chục cây số, tiền xăng dầu đi lại hàng ngày tốn kém, mà không lên rẫy lấy gì no cái bụng?”, ông Lù A Páo giải thích.
Già làng Hoàng Chứ Páo cho biết: “Làng có 152 hộ, 800 nhân khẩu, nhưng chỉ có 67 hộ chuyển ra nơi ở mới, còn 85 hộ với 434 khẩu vẫn ở làng trong. Làng ngoài chỉ cách trung tâm xã 5km, có điện, đường, trường, nước sạch, được cấp sổ hộ khẩu. Chỉ tội cho đám trẻ ở làng cũ. Muốn học chữ phải trèo qua mấy con dốc, vượt qua mấy con suối mới đến được trường”.
Đi học lúc gà chưa gáy sáng
Làng Mông hiện chỉ có hai dãy phòng học gồm: Lớp Mầm non, lớp 1 và lớp 2 của phân hiệu trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi. Học lớp 3 phải ra làng ngoài (cách làng trong hơn 10km). Lớp 4, lớp 5 và cấp 2 phải ra tận trường chính ở trung tâm xã. Vì vậy, học trò phải dậy từ 3 giờ sáng chuẩn bị sách vở, thức ăn, rồi băng rừng, vượt suối đến trường mới kịp giờ vào lớp.
Em Lù Thị Nhung (học sinh lớp 3H, trường Tiểu học Mạc Thị Bưởi) kể: “Nhà em ở cuối làng, cách trường hơn mười cây số nên hàng ngày em phải dậy từ 3 giờ sáng đi học. Lúc đi trời còn tối, bọn em hẹn nhau tại con suối rồi cùng đi cho đỡ sợ”. Đi học từ lúc gà chưa gáy nhưng tới 2 giờ chiều Nhung mới về đến nhà. Với những em học buổi chiều thì bắt đầu đi từ 9 giờ sáng, em Trương Thị Vương (học sinh lớp 8, trường THCS Hoàng Văn Thụ) chia sẻ: “Em học buổi chiều nhưng toàn đi từ lúc 9 giờ mới kịp vào lớp vì trường ở tận trung tâm xã. Mỗi lần đi học, chúng em đều phải lội qua vài con suối. Mùa nắng còn dễ đi chứ mùa mưa đường lầy lội, nước suối dâng cao không đi được”.
Hiện có hơn 100 học sinh làng Mông này hằng ngày phải băng rừng, vượt suối đến trường. Đoạn đường tới điểm trường gần nhất là 4km nằm trong rừng, còn xa nhất là 17km ở trung tâm xã Ea Kiết.
Cuộc sống nghèo đói, thiếu thốn khiến số trẻ ở đây học đến cấp 2 chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Nhiều em ham học mà đành bỏ dở vì đường đến trường quá khó khăn. Cô Đường Thị Lý, giáo viên chủ nhiệm lớp 3H làng ngoài tâm sự: “Đa số dân làng không mặn mà với việc học hành của con cái bởi cách nghĩ chỉ lên rẫy mới có cái ăn. Mùa nắng, các em đi học đều nhưng cứ đến mùa mưa lại nghỉ vì đường lầy lội, trơn trượt, nước suối dâng cao rất nguy hiểm”.
Bà Trần Thị Loan, Trưởng ban Dân vận huyện Cư M’gar cho biết: “Dự án ổn định dân cư tự do buôn Mông được triển khai từ năm 2009. Nhưng đồng bào không chịu dời xa nương rẫy dù huyện đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền, thậm chí đến từng hộ gia đình, ra tận nương rẫy vận động.