Sông Nhuệ khó đảm nhiệm vai trò thoát lũ

Sông Nhuệ khó đảm nhiệm vai trò thoát lũ
TP - Cán bộ Cty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ đi kiểm tra tình trạng lấn chiếm sông Nhuệ. Với thực trạng bị lấn chiếm, dễ thấy sông Nhuệ sẽ khó đảm nhiệm vai trò thoát lũ chủ yếu của Hà Nội.

Sông Nhuệ bị lấn chiếm nghiêm trọng
> Thủ tướng yêu cầu xử lý thông tin báo Tiền Phong nêu
> Hà Nội xử lý xong trong quý I

Những điểm nóng

Cùng đi với cán bộ kiểm tra, chúng tôi tới Trạm Quản lý công trình đầu mối Liên Mạc-Hà Đông (gọi tắt là Trạm Liên Mạc-Hà Đông), đơn vị quản lý sông Nhuệ trên địa bàn các huyện Từ Liêm, Thanh Trì và quận Hà Đông. Đây là ba địa phương diễn ra tình trạng vi phạm lấn chiếm sông Nhuệ phổ biến nhất, trong đó nóng hơn cả phải kể đến các địa bàn như Cầu Diễn, Mễ Trì, Đại Mỗ thuộc huyện Từ Liêm.

Tại Cổ Nhuế- Cầu Diễn- Mễ Trì- Đại Mỗ, một cán bộ của Trạm Liên Mạc- Hà Đông nói: "Chúng tôi thường xuyên qua lại nơi này, trong khi tình hình ở đây khá phức tạp. Có lần, một đồng nghiệp của chúng tôi vừa chụp mấy kiểu ảnh về nạn đổ đất lấn chiếm sông Nhuệ, lập tức có mấy người tới giằng máy ảnh ném xuống sông rồi túm áo đe dọa".

Lòng sông Nhuệ dưới gầm cầu Diễn bị thu hẹp Ảnh: K.N
Lòng sông Nhuệ dưới gầm cầu Diễn bị thu hẹp Ảnh: K.N.

Qua địa bàn xã Cổ Nhuế, thấy những công trình lấn chiếm được xây dựng sát lòng sông Nhuệ mọc san sát. Tình trạng vi phạm tại đây không khác so với ở xã Tả Thanh Oai và Hữu Hòa (Thanh Trì) mà người viết bài này từng phản ánh cách đây không lâu. Theo trạm Liên Mạc- Hà Đông, những vi phạm này tuy nghiêm trọng, nhưng có từ lâu và nằm sẵn đó rồi, chỉ cần có chế tài đủ mạnh là dẹp được. Nhưng hiện nay, nạn đổ chất thải gây ách tắc dòng chảy cũng là điều đáng quan tâm vì khó xử lý.

Tới khu vực cầu Diễn đang thi công, thấy đất cát bề bộn. Chui xuống gầm cầu, dễ thấy đất được đổ lấn ra sông Nhuệ một khoảng lớn, khiến sông Nhuệ tại đây như một đoạn mương ách tắc, nước chảy rất chậm. Khi xây dựng cầu Diễn, đơn vị thi công đã để đất phế thải lấn ra sông 3-4m mỗi bên, đến nay vẫn chưa khắc phục.

Cũng thuộc thị trấn Cầu Diễn chúng tôi bắt gặp những đống đất được đổ cao, tràn trên mặt đê. Tình trạng này diễn ra từ cuối năm 2010, đã được chính quyền địa phương ngăn chặn nhưng phần đất đổ trộm vẫn chưa được xúc đi. Khi giơ máy chụp vài kiểu ảnh, cán bộ Trạm Liên Mạc- Hà Đông nói: "Anh chụp nhanh kẻo một số đối tượng nghiện ra gây sự là phiền phức đấy".

Tại xã Mễ Trì, tình hình vi phạm cũng tương tự. Còn tại xã Đại Mỗ, một dải đất được đổ cao ngang với mặt đê ven sông Nhuệ, và chiếm tới vài ngàn mét vuông. Khu đất này chỉ cách đại lộ Thăng Long chừng 1km, là nơi xe tải lén đến đổ đất.

Cần quyết liệt

Vài tháng gần đây, từ khi UBND TP Hà Nội chỉ đạo các địa phương vào cuộc xử lý vi phạm một cách quyết liệt, tình trạng vi phạm lấn chiếm sông Nhuệ đã giảm đáng kể. Nhưng đáng nói ở chỗ, với những vụ đổ đất lấn chiếm sông Nhuệ, để chuyển lượng đất phế thải này đi là không đơn giản. Còn nếu để hiện trường trong tình trạng như đề cập ở trên, thì việc tái lấn chiếm của đối tượng đổ đất vẫn có thể diễn ra khi có cơ hội.

Theo Cty TNHH Một thành viên Đầu tư phát triển thuỷ lợi sông Nhuệ (gọi tắt là Cty Thuỷ lợi sông Nhuệ), để bảo vệ sông Nhuệ điều cốt yếu phải xử lý ngay từ khi bắt đầu xảy ra vi phạm, còn để sự việc khá nghiêm trọng mới xử lý là rất khó khăn. Cty Thuỷ lợi sông Nhuệ hiện chỉ có quyền kiểm tra, rồi lập biên bản vi phạm, còn việc xử lý lại thuộc chính quyền địa phương. Không ít vụ việc được Cty Thuỷ lợi sông Nhuệ phát hiện sớm, nhưng chính quyền địa phương lại chậm xử lý nên tình trạng vi phạm càng tái diễn.

Sông Nhuệ vẫn là một kênh thoát nước chủ yếu của Hà Nội trong mùa mưa bão. Tuy nhiên, nếu như trước kia sông Nhuệ có chiều rộng 60m, thì đến nay chiều rộng trung bình của con sông này chỉ còn 40-50m, thậm chí nhiều nơi chỉ còn 20-25m.

Tình trạng lấn chiếm hai bên bờ sông này đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tiêu thoát nước. Đơn cử, đoạn sông từ Liên Mạc tới Hà Đông mức tiêu nước được thiết kế là trên 100m3/s, song thực tế chỉ còn 50m3/s do lòng sông nơi đây ngày càng bị thu hẹp. Dòng chảy sông Nhuệ ngày càng chậm dần.

Nếu các cấp có trách nhiệm không xử lý triệt để, quyết liệt hơn nữa sai phạm thì hiệu quả tiêu thoát lũ trong mùa mưa của sông Nhuệ vẫn sẽ ngày một kém đi.

Tiền Phong ngày 22-12-2010 đăng bài Sông Nhuệ bị lấn chiếm nghiêm trọng. Sau khi báo đăng, Văn phòng Chính phủ có công văn (số 9382, ngày 27-12-2010) thông báo chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra sự việc và có biện pháp xử lý nghiêm.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu các sở ngành, địa phương khẩn trương vào cuộc, xử lý ngay những hành vi lấn chiếm sông Nhuệ.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG