Sống chung, không chủ quan

0:00 / 0:00
0:00
TP - Mở cửa trường học trực tiếp cho hầu hết các cấp học, lập tức số ca F0 tăng nhanh, khiến một số địa phương đã phải thay đổi phương án học trực tiếp sang học trực tuyến.

Sau Tết, số ca mắc COVID tại nhiều địa phương tăng cao, trong đó có nhiều lao động tại các khu công nghiệp. Cụ thể, những ngày gần đây, số ca mắc ở các tỉnh phía Bắc luôn được tính bằng con số hàng nghìn. Điển hình như Hà Nội ngày 19/2, số ca F0 mới lến đến gần 5.000 ca. Trong số các ca bệnh ở các tỉnh này, có nhiều công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp, nguy cơ lây nhiễm trong KCN rất cao. F0 phải tự cách ly tại nhà, dẫn đến tình trạng các cơ quan, nhà máy thiếu lao động là điều không tránh khỏi.

Sống chung, không chủ quan ảnh 1

Tác giả: Ngọc Lâm

Bài toán làm gì để vẫn đảm bảo an toàn cho người dân và không ảnh hưởng đến phát triển kinh tế, một lần nữa lại được đặt ra. Lời giải chắc sẽ không quá khó khăn như thời “cơn bão COVID-19” tràn vào TPHCM và các tỉnh phía Nam đợt tháng 7, tháng 8/2021, nhưng rõ ràng là không thể chủ quan.

Thứ nhất, đây là giai đoạn thích ứng an toàn dịch bệnh trong cuộc sống bình thường mới, mọi người đã tiêm đủ vắc xin, tình trạng bệnh của F0 hơn 90% là không triệu chứng, và đều được điều trị tại nhà.

Thứ hai, cả nước vẫn đang trong tâm thế chống dịch, cho nên để đảm bảo an toàn cho người lao động nhưng vẫn thực hiện hiệu quả mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế”, ngoài những chính sách, hướng dẫn và cơ chế hỗ trợ từ chính quyền, hiện nay phần lớn các doanh nghiệp trên địa bàn phải chủ động, linh hoạt thực hiện các biện pháp vừa khôi phục sản xuất vừa phòng chống dịch đã được hướng dẫn từ trước. Các doanh nghiệp luôn test nhanh cho người lao động để hạn chế lây lan F0 trong nhà máy, chủ động có phương án bố trí lao động thay thế trong dây chuyền sản xuất nếu có F0. Chủ động các phương án phòng chống dịch đồng thời phối hợp với cơ quan y tế, chính quyền địa phương xử lý tình huống khi có ca mắc mới.

Theo các chuyên gia, không chủ quan lơ là việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch, nhưng cũng không quá hoang mang.

Một chuyên gia trong ngành dịch tễ nói rằng, không ít người nói ở Hà Nội bây giờ F0 nhiều hơn F1 và ai cũng bảo đã chuẩn bị tâm lý thành F0. Suy nghĩ như vậy là đang vô tình mang tâm lý mặc kệ, thả nổi “dính” lúc nào thì “dính”. Tính đến ngày 19/2, Hà Nội ghi nhận 196.416 ca COVID-19. Như vậy, số ca nhiễm COVID-19 thống kê được tại đây so với 8,3 triệu dân số Hà Nội thì mới chỉ chiếm hơn 2,3%.

Cũng có một số ý kiến quan ngại con số thống kê nêu trên chỉ là những F0 có khai báo, còn những người nhiễm bệnh không khai báo, hoặc bản thân không biết mình nhiễm bệnh vì không triệu chứng có thể cao hơn gấp nhiều lần.

Mặc dù vậy, chúng ta có thể bớt lo lắng vì phần lớn người dân đã được tiêm đầy đủ vắc xin. Kinh nghiệm và trang thiết bị đã được chuẩn bị từ những đợt bùng phát dịch trước đây, cũng là một trong những hành trang giúp chúng ta tự tin hơn trong các tình huống xử lý F0.

MỚI - NÓNG