Phát biểu tổng kết Hội thảo Văn hóa 2022 Thể chế, chính sách và nguồn nhân lực cho phát triển văn hóa, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đánh giá hội thảo diễn ra khẩn trương khoa học, thu hút sự quan tâm lớn của dư luận, các cơ quan, nhân dân và cử tri cả nước.
Chủ tịch Quốc hội cho biết vào năm 2023, nước ta sẽ kỷ niệm 80 năm đề cương văn hóa Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử, Đảng và Nhà nước ta luôn nhấn mạnh vai trò, vị trí của văn hóa.
“Do đó, Hội thảo góp phần tiếp tục thấm nhuần quan điểm thông suốt tư tưởng và xác định việc phải làm về thể chế, chính sách và nguồn lực để hiện thực hóa mục tiêu yêu cầu chấn hưng, phát triển văn hóa để văn hóa ngang hàng chính trị và kinh tế”, ông Vương Đình Huệ khẳng định.
Hội thảo đã đánh giá thực trạng công tác thể chế hóa, ban hành các chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn vừa qua.
Chủ tịch Quốc hội đã điểm lại một số kết quả đạt được về mặt thể chế, chính sách, các thiết chế văn hóa, bộ máy, quản lý văn hóa ngày càng được hoàn thiện. Nhiều chính sách văn hóa được ban hành tác động tích cực, thúc đẩy phát triển lĩnh vực văn hóa như phát triển con người Việt Nam toàn diện, xây dựng môi trường văn hóa, lĩnh vực văn hóa, đời sống văn hóa. Nguồn nhân lực và các nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa ngày càng được đảm bảo tốt hơn.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác xây dựng thể chế, ban hành chính sách và bảo đảm nguồn lực cho phát triển văn hóa tồn tại nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc. Hệ thống chính sách còn bất cập hiệu quả thấp. Chính sách phát triển công nghiệp văn hóa chậm ban hành….
Về thể chế và chính sách, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh yêu cầu kiến tạo cho việc chấn hưng và phát triển văn hóa, thúc đẩy hội nhập sâu rộng về văn hóa, quảng bá với quốc tế và tiếp thu tinh hoa.
“Phải bảo đảm các yêu cầu là tạo hành lang pháp lý để tổ chức và triển khai thuận lợi mọi hoạt động văn hóa trong khuôn khổ pháp luật dưới sự lãnh đạo của Đảng; phát huy tối đa năng lực sáng tạo, sự đa dạng và năng động của văn hóa, tạo điều kiện hội nhập thị trường văn hóa quốc tế; chú trọng tính đặc thù của văn hoá, vừa bảo đảm phát triển đúng định hướng chính trị, tư tưởng của Đảng, vừa bảo đảm tự do sáng tạo trên cơ sở phát huy tính tự giác cao với mục đích đúng đắn; văn hóa phải là một trong các trụ cột để phát triển bền vững đất nước”, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu.
Ông Vương Đình Huệ nhấn mạnh phải giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn, phát triển văn hóa với tăng trưởng kinh tế, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; giữa lợi ích kinh tế của chủ thể với lợi ích văn hóa của cộng đồng; giữa yếu tố dân tộc và quốc tế; giữa truyền thống và hiện đại; giữa văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học.
Hội thảo cũng thống nhất 9 nhóm chính sách lớn, quan trọng, cần được tập trung nghiên cứu, thể chế hóa để tháo gỡ các điểm nghẽn, tạo sự phát triển đột phá cho phát triển văn hóa.
Về nguồn lực cho phát triển văn hóa, Chủ tịch Quốc hội cho biết, để hoàn thiện chính sách huy động các nguồn lực cho phát triển văn hóa cần phát huy đầy đủ nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội, cả trong nước và ngoài nước. Hội thảo thống nhất kiến nghị 7 nhóm nhiệm vụ giải pháp cần tập trung làm ngay:
Một là, sớm xây dựng Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển văn hóa với 9 nhóm chính sách đã được chỉ ra tại Hội thảo là các nội dung quan trọng để xây dựng khung chính sách cho Chương trình này.
Hai là, rà soát các nội dung về văn hóa trong hai Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tiếp thu các ý kiến có giá trị tại Hội thảo để có những điều chỉnh phù hợp, đạt kết quả tốt hơn.
Ba là, tập trung triển khai có hiệu quả Chiến lược, chương trình, đề án về xây dựng văn hóa công sở, văn hóa học đường, văn hóa doanh nghiệp, ngoại giao văn hóa…
Bốn là, đầu tư các công trình văn hóa mang tính biểu tượng quốc gia và thời đại Hồ Chí Minh. Phát triển các sản phẩm văn hoá có giá trị đỉnh cao về nghệ thuật và tư tưởng, phấn đấu có các tác phẩm văn học nghệ thuật xứng tầm
Năm là, đổi mới cơ chế hoạt động, nhất là cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa để thu hút, sử dụng nguồn lực hiệu quả hơn.
Sáu là, đẩy mạnh thu hút đầu tư cho phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch, sản phẩm thương mại mang bản sắc văn hóa Việt Nam.
Bảy là, chú trọng các cơ chế, chính sách phát huy, tạo điều kiện, khuyến khích, năng lực sáng tạo của các chủ thể văn hóa.