Ông Dương Văn Cường, Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, năm 2023, lực lượng kiểm ngư đã triển khai hoạt động thường xuyên, liên tục và có hiệu quả công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm pháp luật.
Kiểm ngư đã phối hợp chặt chẽ với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển khác như: Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát Biển và các địa phương tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn ngư dân thực hiện quy định của pháp luật về thủy sản; tham gia tích cực vào công tác phòng, chống thiên tai và phối hợp tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Tại nhiều địa phương đã tổ chức mở cao điểm ra quân tuần tra, kiểm tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi khai thác thủy sản. Thành lập các tổ xác minh, xử lý tàu cá vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài, tàu cá vi phạm phát hiện qua hệ thống giám sát hành trình, qua đó đã góp phần nâng cao hiểu biết, trách nhiệm và ý thức của chủ tàu/thuyền trưởng, người dân về các quy định của pháp luật thủy sản, các quy định về chống khai thác IUU.
Qua thanh tra, tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính của lực lượng kiểm ngư, đã kịp thời ngăn chặn và giảm dần các hành vi khai thác IUU như: sử dụng tàu cá không đăng ký, đăng kiểm; không lắp đặt thiết bị hoặc không duy trì tín hiệu giám sát hành trình; hoạt động sai vùng, sai nội dung trong giấy phép khai thác; sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản; vi phạm vùng biển nước ngoài…
Bên cạnh đó, công tác truyền thông, tuyên truyền, phổ biến các quy định chống khai thác IUU được lực lượng kết hợp trong quá trình tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, được tổ chức thường xuyên, liên tục và bằng nhiều hình thức khác nhau giúp ngư dân dễ dàng tiếp cận; ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân đã có chuyển biến tích cực.
Theo lãnh đạo Cục Kiểm ngư, trong năm 2023, lực lượng kiểm ngư Trung ương đã thực hiện 28 chuyến tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển, kiểm tra 1.061 phương tiện hoạt động khai thác hoạt động thuỷ sản trên biển, trong đó phát hiện 161 tàu cá vi phạm; xử phạt theo thẩm quyền hoặc chuyển các cấp chính quyền xử phạt vi phạm hành chính trên 10,7 tỷ đồng.
Trong năm, lực lượng kiểm ngư phát hiện, xử lý nhiều trường hợp vi phạm lỗi nghiêm trọng theo Điều 20 Nghị định số 42/2019/NĐ-CP, tập trung chủ yếu các tàu thuộc tỉnh: Quảng Ngãi, Thanh Hóa, Thái Bình, Kiên Giang… Cục đang tổng hợp số liệu tàu cá “3 không” được các đơn vị trực thuộc phát hiện, xử lý để báo cáo Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU và đề nghị địa phương tăng cường giải pháp quản lý, xử lý khối tàu này.
Với tàu cá nước ngoài, lực lượng kiểm ngư đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm; tiến hành lập biên bản, ký xác nhận, điểm chỉ vào tổng đồ vị trí vi phạm, chụp ảnh, sau đó buộc rời khỏi vùng biển Việt Nam 42 tàu cá nước ngoài cùng 167 thuyền viên xâm phạm vùng biển Việt Nam để khai thác thủy sản.
Bên cạnh đó, lực lượng kiểm ngư cũng tiếp nhận 166 vụ, 172 tàu, 778 người gặp tai nạn, sự cố trên biển; cung cấp thông tin cho các lực lượng chức năng cứu được 53 lượt tàu, 391 người và hỗ trợ y tế cho 17 người bị thương, bị ốm, 9 người bị tai nạn lao động…
Còn tại các địa phương, đến đầu tháng 12/2023 đã xử phạt hơn 3.000 vụ, gần 73 tỷ đồng. Một số tỉnh có số tiền xử phạt lớn như: Kiên Giang 665 vụ, với gần 38 tỷ đồng; Cà Mau 228 vụ, hơn 6 tỷ đồng; Bình Thuận 555 vụ, gần 6 tỷ đồng; Quảng Ngãi 47 vụ, gần 3,3 tỷ đồng; Quảng Ninh 255 vụ, hơn 3 tỷ đồng…
Tuy nhiên, theo Cục kiểm ngư, bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác thực thi pháp luật năm 2023 của lực lượng kiểm ngư Trung ương và địa phương thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục như: Còn 7 tỉnh, thành phố ven biển chưa kiện toàn lực lượng kiểm ngư địa phương; tổ chức bộ máy ở kiểm ngư địa phương chưa được thống nhất; chế độ chính sách cho lực lượng kiểm ngư địa phương chưa được quy định.
Bên cạnh đó, nhân lực, phương tiện, trang thiết bị của lực lượng kiểm ngư địa phương chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ và phạm vi được giao quản lý; kinh phí cấp cho hoạt động tuần tra, kiểm tra, kiểm soát còn hạn chế.
Ngoài ra, công tác tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm hành chính trên biển chưa đồng bộ tại tất cả các tỉnh, thành phố ven biển. Công tác điều tra, xác minh, xử lý các hành vi khai thác IUU, đặc biệt là hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài, gửi, tắt thiết bị VMS… còn hạn chế, chậm, chưa quyết liệt xử lý đến cùng; xử lý vi phạm qua hệ thống giám sát tàu cá VMS đạt tỷ lệ thấp.
Tại hội nghị trực tiếp và trực tuyến với 28 địa phương ven biển để “Đánh giá kết quả công tác thực thi pháp luật năm 2023 và bàn giải pháp nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của lực lượng kiểm ngư Việt Nam năm 2024”, mới đây, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng cho biết, thời gian tới, Cục Kiểm ngư sẽ đề xuất, báo cáo Bộ NN&PTNT, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về điều kiện đảm bảo của kiểm ngư địa phương.
Theo ông Hùng, trong bối cảnh hiện nay khi nguồn lợi thủy sản đang suy giảm nghiêm trọng, cảnh báo “thẻ vàng” IUU vẫn chưa tháo gỡ được thì việc thực thi pháp luật nói chung, đối với lực lượng kiểm ngư Trung ương và địa phương nói riêng lại càng đóng vai trò quan trọng.
Bên cạnh đó, dự kiến chậm nhất đến tháng 6/2024, Cục Kiểm ngư sẽ hoàn thiện để Bộ NN&PTNT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030, tầm nhìn 2045, trong đó tập trung vào việc xây dựng hệ thống kiểm ngư thống nhất từ Trung ương đến địa phương; đề xuất đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và bổ sung biên chế, chế độ, chính sách đối với kiểm ngư địa phương. Đây là một trong những căn cứ rất quan trọng để phát triển lực lượng kiểm ngư.