Sớm sửa Luật Bảo hiểm xã hội

0:00 / 0:00
0:00
Sẽ sớm sửa Luật BHXH và một số luật liên quan để khắc phục các tồn tại, bất cập nhằm tăng độ bao phủ mạng lưới an sinh xã hội. ẢNH: PHẠM THANH
Sẽ sớm sửa Luật BHXH và một số luật liên quan để khắc phục các tồn tại, bất cập nhằm tăng độ bao phủ mạng lưới an sinh xã hội. ẢNH: PHẠM THANH
TP - Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, xây dựng để trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và các luật liên quan để khắc phục các tồn tại hạn chế, đảm bảo an sinh bền vững. Đề xuất này được đưa ra tại phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới đây cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện các chế độ chính sách về BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020.

BHXH tự nguyện vượt chỉ tiêu

Báo cáo thẩm tra sơ bộ về tình hình thực hiện chính sách, chế độ BHXH, quản lý và sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 của Ủy ban xã hội của Quốc hội đánh giá, Chính phủ, BHXH Việt Nam và các bộ ngành liên quan đã chủ động, tích cực trong triển khai chính sách BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp.

Dù ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhưng Chính phủ và các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng và đạt nhiều kết quả cao trong mở rộng diện bao phủ BHXH, Bảo hiểm thất nghiệp. Trong đó, đã có những chính sách kịp thời để hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Việc phát triển người tham gia BHXH tự nguyện năm 2020 đạt độ bao phủ bằng 2,3% lực lượng lao động trong độ tuổi, kết quả này vượt xa mục tiêu đề ra cho năm 2021 (đạt độ bao phủ 1% lực lượng lao động, và gần bằng mục tiêu đặt ra cho năm 2025).

Điều này có được một phần nhờ chính sách hỗ trợ tiền đóng BHXH tự nguyện từ ngân sách nhà nước. Năm 2020, đã có hơn 1,1 triệu người được ngân sách hỗ trợ tiền đóng khoảng 137 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, ngành BHXH Việt Nam đã nỗ lực thu hồi nợ đóng BHXH, số nợ từ 5 năm trở lên tới cuối năm 2020 còn 2.190 tỷ đồng (giảm gần 1,2% so với năm 2019); trong tổng số nợ BHXH có tới 26% là lãi phạt chậm nộp...

Tuy vậy, các đại biểu cho rằng, tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, số nợ đóng, chậm đóng BHXH có thể tiếp tục tăng trong năm nay và những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, để khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành chính sách tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Do đó, cần tính toán tới trường hợp hết thời hạn tạm dừng đóng nhưng doanh nghiệp không có khả năng đóng số tiền đã hoãn, làm ảnh hưởng tới quyền lợi người lao động, việc quản lý Quỹ BHXH.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ khẳng định, Quỹ BHXH là quỹ ngoài ngân sách lớn nhất, nên trách nhiệm của Chính phủ, các ngành liên quan trong quản lý quỹ này rất lớn. Chủ tịch Quốc hội ghi nhận nỗ lực của Chính phủ, BHXH Việt Nam và các bộ ngành liên quan đã vượt qua khó khăn, nhờ đó công tác phát triển BHXH tự nguyện tăng nhanh. Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp trốn đóng, nợ đóng ảnh hưởng đến Quỹ BHXH. Vì vậy, cần tăng cường hơn nữa kỷ cương, sớm sửa đổi Luật BHXH, sửa đổi quy định hưởng BHXH một lần... để người lao động tham gia và ở lại hệ thống BHXH, đảm bảo an sinh xã hội.

Sớm sửa Luật BHXH

Để đạt mục tiêu Nghị quyết số 28 về cải cách chính sách BHXH đặt ra, theo các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chính sách BHXH cần thiết kế theo gói đóng - hưởng, đa dạng, đa tầng, linh hoạt. Trong điều chỉnh chính sách cần tăng hỗ trợ các đối tượng tham gia BHXH, nhất là hỗ trợ để người nghèo, cận nghèo tham gia vào hệ thống BHXH nhằm đảm bảo an sinh lâu dài.

Bên cạnh đó, một số chính sách, quy định đã có nhưng chưa đi vào cuộc sống, như Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại lao động để duy trì việc làm; chưa có quy định xử lý tiền nợ BHXH, BHYT, Bảo hiểm thất nghiệp của đơn vị không còn khả năng trả nợ (đã dừng hoạt động, đang làm thủ tục giải thể, phá sản, chủ bỏ trốn...) để đảm bảo quyền lợi cho người lao động...

Thường trực Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành, các địa phương tăng cường thanh kiểm tra thực hiện chính sách BHXH để ngăn chặn chậm đóng, nợ đóng, trốn đóng BHXH. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần có giải pháp phát triển thêm người tham gia BHXH, đặc biệt là nhóm lao động khu vực phi chính thức, hạn chế hưởng BHXH một lần...

Đặc biệt, Chính phủ, các bộ ngành cần khẩn trương nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc hội xem xét sửa đổi Luật BHXH; Luật An toàn, vệ sinh lao động; Luật Việc làm và các luật khác liên quan. Qua đó nhằm kịp thời thể chế hóa các nghị quyết của Đảng, khắc phục các tồn tại hạn chế, tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để phát triển lĩnh vực an sinh xã hội bền vững và thích ứng với những tác động, biến đổi xã hội (như dịch COVID-19)...

Kết luận phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ LĐ-TB&XH cùng các cơ quan liên quan khẩn trương rà soát, tiếp thu những nội dung để hoàn thiện báo cáo về tình hình thực hiện chính sách chế độ BHXH và quản lý, sử dụng Quỹ BHXH năm 2020 để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp tháng 10 tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội lưu ý các đơn vị cần rà soát, làm rõ nguyên nhân nợ BHXH để đề xuất giải pháp tháo gỡ, bảo vệ quyền lợi của người lao động. Việc thu, chi Quỹ BHXH phải đảm bảo đúng, đủ cho đối tượng thụ hưởng, tránh thất thoát; khẩn trương tổng kết việc thi hành Luật BHXH, sớm đưa vào chương trình xây dựng luật về Luật BHXH sửa đổi.

Theo BHXH Việt Nam, đến hết năm 2020, cả nước có hơn 16,1 triệu người tham gia BHXH, tăng 2,5% so với năm trước đó. Trong đó, có hơn 15 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, giảm 1,1% so với năm 2019; hơn 13,3 triệu người tham gia Bảo hiểm thất nghiệp.

MỚI - NÓNG
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.