Sớm ban hành luật liên quan Hiến pháp

TP - Ngày 23/12, phát biểu tại Phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý lưu ý cần ưu tiên cho các dự án luật liên quan đến việc triển khai Hiến pháp.

“Hiến pháp được thông qua, có hiệu lực từ 1/1/2014. Chúng tôi có rà soát lại những luật nào cần phải ban hành ngay và thời hạn bao lâu, những luật nào có thể để sau hơn một chút, nhưng cũng không thể chậm được. Do đó, tôi đề nghị năm 2014 - 2015 phải tăng cường thời gian thông qua một số dự luật nhằm đáp ứng yêu cầu của Hiến pháp” - ông Lý kiến nghị.

Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh thời gian tới “cần ưu tiên đối với những văn bản luật liên quan đến thực hiện Hiến pháp”. Nội dung này cũng phải được bàn bạc rất kỹ tại phiên họp này. Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam Nguyễn Văn Pha kiến nghị “nên có một kỳ họp chuyên về công tác xây dựng pháp luật”.

 “Cử tri phản ánh nhiều buổi vắng quá nhiều ĐB, thực tế đúng là như vậy. Thậm chí có buổi có đoàn chỉ còn một người dự họp, khiến cử tri thắc mắc”.  

ĐBQH Nguyễn Kim Khoa

Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đánh giá, kỳ họp thứ 6 là kỳ họp bản lề của nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Quốc hội đã xem xét, thông qua Hiến pháp, Luật Đất đai (sửa đổi), quyết định nhiệm vụ kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2014, những năm còn lại của kế hoạch 5 năm, nhiều nội dung khác về công tác lập pháp, giám sát tối cao và các vấn đề quan trọng của đất nước.

Các ủy viên UBTVQH cho rằng đây là kỳ họp có nhiều đổi mới, đảm bảo tính dân chủ, thẳng thắn, công khai minh bạch. Tuy nhiên một số dự án luật trình Quốc hội cho ý kiến chưa được chuẩn bị kỹ, hoặc bố trí thời gian thảo luận chưa thỏa đáng. Theo Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, mỗi ngày ĐB nhận được cả một gang tay tài liệu cũng là điều phải xem lại, tìm cách để tiết kiệm chi phí vì giấy tờ in ấn như vậy cũng rất tốn kém. Ngoài ra, công tác thảo luận luật nên có thay đổi. “Có khi một buổi sáng mà thảo luận tới hai Luật thì thời gian cho một luật là quá ít để cho đại biểu nghiên cứu” – bà Ngân nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Pha - Phó Chủ tịch UBTƯMTTQ Việt Nam cho rằng, ý kiến ĐB phản ánh về việc mỗi ngày Quốc hội họp tiêu tốn cả tỷ đồng ngay tại phiên thảo luận về nội dung tiết kiệm, chống lãng phí là rất đáng quan tâm. “Đành rằng, sau đó Quốc hội đã có giải thích với Đại biểu và sau đó tại cuộc họp báo kết thúc kỳ họp, chúng ta cũng đã trao đổi lại với báo chí rồi, nhưng lẽ ra, chúng ta phải có trả lời, giải thích với ĐBQH ngay sau khi có ý kiến đại biểu phát biểu về vấn đề đó” - ông Pha nói.

Cử tri băn khoăn vì ĐB nghỉ họp nhiều

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Nguyễn Kim Khoa đều cho rằng nhiều phiên họp ĐB nghỉ quá nhiều. “Cử tri phản ánh nhiều buổi vắng quá nhiều ĐB, thực tế đúng là như vậy. Thậm chí có buổi có đoàn chỉ còn một người dự họp, khiến cử tri thắc mắc” - ông Khoa phát biểu.

Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng cho biết là có cử tri xem truyền hình đã nhắn tin cho bà hỏi tại sao ĐB nghỉ nhiều thế. Cử tri rất quan tâm theo dõi kỳ họp, cũng như tính nghiêm túc của ĐB vì vậy khi thấy ghế ĐB trống nhiều quá cử tri đã có phản ánh lại ngay.

Theo bà Ngân, kỳ họp này QH đã có điểm danh và chỉ cần nhìn vào bảng sơ đồ trước mặt là biết ngay vị trí trống, biết ai nghỉ họp. Vì vậy đây cũng là điều phải rút kinh nghiệm.

Cần đánh giá việc lấy phiếu tín nhiệm

Đề cập Nghị quyết 35 của QH về lấy phiếu, bỏ phiếu tín nhiệm, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho biết việc thực hiện nghị quyết này đã được báo cáo lên Bộ Chính trị tuy nhiên chưa báo cáo QH. “Chúng ta cần đưa nội dung này ra xem xét, nếu thấy cần sửa nội dung nào thì phải sửa ngay” - Chủ tịch QH nói.

Theo Báo giấy