Solomon – Xứ đảo thần tiên giữa Thái Bình Dương

Solomon – Xứ đảo thần tiên giữa Thái Bình Dương
TPO - Sau 3 giờ trên máy bay của hãng Pacific Blue từ sân bay Brisbane (Australia), tôi đặt chân lên đất Solomon Islands. Có lẽ nhiều quí vị đọc bài viết này phải mở bản đồ may ra mới tìm được xứ đó nằm ở đâu.

Trong đời chưa bao giờ tôi nghĩ lại đặt chân đến nơi xa tít tắp giữa Thái Bình Dương với hơn một nghìn hòn đảo, diện tích 28 nghìn km2 bao gồm đảo và biển với hơn nửa triệu dân, trong đó tộc Melanesia chiếm tới 94%. Thủ đô Honiara nằm trên đảo Guadalcanal.

Nơi tôi đang ngồi viết bài có internet không dây, trước mặt là biển êm đềm, sau lưng là khách sạn Kitano Mendana, nằm trên phố chính của Honiara. Muốn về Hà nội cần 3 tiếng bay đi Brisbane, rồi từ đó mất thêm 7 tiếng tới  Singapore và thêm 2 giờ để tới về Hà Nội. Một ngày đêm về đến Việt Nam là may lắm.

Ngày xưa học lịch sử nói rằng, mặt trời không bao giờ lặn ở Vương quốc Anh, tôi không tin. Hôm nay cầm đồng 5 hào có ảnh hoàng hậu Elisabeth  II, đi taxi tay lái nghịch, mới nhận ra quốc đảo Solomon dù cách xa London hàng chục ngàn dặm, vẫn nấp bóng sư tử già nua.

Dưới trướng nước Anh và ảnh hưởng của Úc rất lớn nhưng dân Solomon rất nghèo, có thể so với vùng Quảng Trị nhà ta. Biển xanh, cát trắng, cá tôm đầy ắp, rừng xanh bạt ngàn nhưng không có gì để ăn. Có lẽ vì thế mà dân ngoại quốc đang đổ xô tới đây để xem những gì còn gin trước khi cơn sốt phát triển xóa đi những nền văn hóa lâu đời ở miền biển nam Thái Bình Dương này.

Người ta cho rằng, xứ Solomon được người Melanesia tới sống từ mấy ngàn năm trước. Tới năm 1890, đế quốc Anh tới đây và đặt quyền cai trị. Solomon được độc lập vào năm 1976. Tôi tới đây đúng vào dịp dân Honiara nghỉ Quốc khánh 7-7-1976. Tiếng Anh rất phổ biến dù có tới gần 60 thổ ngữ khác nhau.

Solomon – Xứ đảo thần tiên giữa Thái Bình Dương ảnh 1
Tòa nhà Quốc hội của Honiara. Ảnh : Hiệu Minh

Với mô hình Thủ tướng đứng đầu và nghị viện kiểu Anh, chính quyền Solomon đã trải qua thăng trầm vì xung đột sắc tộc, tranh giành quyền lực giữa các phe nhóm. Đất nước đã trải qua nội chiến những năm 1998-2003 do sự điều hành kém cỏi của Chính phủ.

Cựu thủ tướng Allan Kemakeza thời đó đã xoen xoét “no body is above the law – ai cũng bình đẳng trước pháp luật”, nhưng rồi chính ông ta vào tù 5 tháng  (2008) do tham nhũng, lạm dụng quyền lực, “ngồi xổm” trên hiến pháp.

Thời gian đó, các phe nhóm cực đoan và bộ tộc nổi dậy đánh nhau. Australia đưa quân đến dẹp loạn dưới danh nghĩa RAMSI (Regional Assistance Mission to the Solomon Islands) và từ đó mới ổn. Hỏi dân còn thích đánh nhau, ai cũng lắc đầu.

Solomon – Xứ đảo thần tiên giữa Thái Bình Dương ảnh 2
Rất nhiều những mái tranh nghèo... Ảnh : Hiệu Minh

Thủ đô Honiara có một phố chính dài vài km, chạy dọc bờ biển đẹp mê hồn, nước trong xanh, nhìn thấy cá bơi dưới nước. “Cao tốc” hai chiều nhưng chưa có hệ thống đèn tín hiệu giao thông. Đi sâu vào hai bên đường một chút không còn đường nhựa, dân chúng rất nghèo trên những mái nhà tạm bợ...

Dân chúng qua đường trên phố, nhìn trước, nhìn sau và ale hấp… chạy. Má phanh xe ở đây đắt như Hà Nội, nên tuy thấy người đi bộ, lái xe cứ thế lao tới. Không thấy chiếc xe máy nào. Lèo tèo vài xe đạp. Ôtô không bấm còi, bỗng chợt nhớ da diết tiếng còi toe toe ầm ỹ ở Hà Nội.

Honiara giống thị xã Ninh Bình cách đây 20 năm gồm ba chữ B: Bụi, Bần, Buồn, tuy rằng phố phường ở đây nhộn nhịp hơn. Đường bụi bẩn vì mùi dầu diezen của xe thải ra nhưng ít thấy dân xả rác ra đường. Đợi rút tiền ATM ngoài phố, vài người cũng xếp hàng, dù trông mặt họ rất “thổ dân”.

Solomon – Xứ đảo thần tiên giữa Thái Bình Dương ảnh 3
Khẩu hiệu : Hãy giữ cho Honiara sạch ! Ảnh : Hiệu Minh

Chả bù cho Hà Nội thanh lịch nhà mình, toàn dân Kinh, ăn mặc lịch sự, nhưng lại ít chịu xếp hàng hay nói xin lỗi, cảm ơn... Thế mới biết, tiền bạc đôi khi không mua được văn hóa.

Xứ sở của những người chân đất, nhai trầu

Dân Solomon rất niềm nở, gặp khách vẫy tay chào “hello, có khỏe không” hay “anh từ đâu tới”. Họ cười rất tươi, dù răng miệng do ăn trầu nên vàng khè, nha sỹ ở đây thất nghiệp. Dù nghèo nhưng họ có tấm lòng và luôn hy vọng vào ngày mai.

Solomon – Xứ đảo thần tiên giữa Thái Bình Dương ảnh 4
Rất nhiều người vẫn còn đi chân đất... Ảnh : Hiệu Minh

Nói chuyện với khoảng 30 người kể cả trong văn phòng lẫn ngoài đường. Ai cũng mừng rỡ “A, Việt Nam hero, pằng pằng America – VN anh hùng, đánh nhau với Mỹ”. Nhưng hỏi Việt Nam ở đâu, chắc cũng như những người đọc bài viết về quốc đảo Solomom này, tra bản đồ mãi mới biết nước ta ở chỗ nào.

Solomon và thủ đô Honiara cũng là nơi xảy ra trận chiến ác liệt giữa Mỹ và Nhật trong chiến tranh thế giới thứ 2 những năm 1942-1943. Phía Mỹ và đồng minh mất khoảng 7000 lính và bên Nhật tổn thất hơn 31.000 người. Dấu vết của người Nhật để lại trên bãi chiến trường cạnh thủ đô Honiara chứng tỏ sự khốc liệt của cuộc chiến.

Cảm tử quân kamikaze ngày nay không còn nữa mà thay vào đó là xe Toyotta, tủ lạnh, tivi của xứ Phù Tang. Người Nhật tặng Solomon cái chợ khổng lồ, xây rất đẹp, bán thượng vàng hạ cám, từ chuối, cam, đu đủ, khoai sắn đến cá biển. Tuy  gần biển mà chợ cá lèo tèo.

Bãi biển Honiara có vài chỗ để khách du lịch tắm biển và xuống đáy đại dương ngắm cá. Tôi thử một chuyến và thấy đây đúng là nơi thủy thần sống. Một chiếc tầu của Nhật bị đánh chìm thời xưa, nay là nơi cho các loài san hô, cá biển sinh sống, bơi lội muôn mầu sắc như trong tranh. Dù đất nước nghèo nhưng chính phủ cấm đánh bắt cá những chỗ này để muốn bảo tồn thiên nhiên.

Tới đây, tôi rất tự hào vì “trắng” hơn các bạn Solomon, dù thời ở cơ quan cũ, các cô chưa chồng vẫn đùa rằng, mẹ tôi chạy không kịp khi lính lê dương Pháp càn vào làng. Chụp chân dung chọn trưa nắng gắt, nếu hơi tối một chút là không biết người ta đang đứng chỗ nào.

Dân Solomon hầu hết là da đen nhẻm, tóc hình như không cắt bao giờ, phơi nắng 30-40oC không mũ nón nên tóc ai cũng vàng hoe. Nhìn quần áo mặc hay đứng cạnh cũng đoán ra, biển nước mênh mông nhưng không ai thích tắm.

Solomon – Xứ đảo thần tiên giữa Thái Bình Dương ảnh 5
Cô bạn đồng nghiệp xinh đẹp. Ảnh : Hiệu Minh 

Cô bạn đồng nghiệp xinh đẹp kể có họ hàng người Việt Nam (thảo nào xinh thế). Ông cố hay kỵ gì đó đi lính cho Pháp ở Papua New Guinea rồi lấy vợ ở đó. Cô nàng thích ăn phở 24 ở Sydney. Tuy là gốc Solomon nhưng đã có quốc tịch Úc, tiếng Anh hay cách ăn mặc chả còn chút nào của xứ Solomon.

Hơn chục năm về trước, dân từ các đảo hay trên núi  đổ về Honiara không đi giầy dép. Trên phố nay vẫn còn nhiều người “ba xoa hai đập” đi lại dù trời nắng chang chang 40oC trên vỉa hè bê tông.

Solomon – Xứ đảo thần tiên giữa Thái Bình Dương ảnh 6
Trầu cau kiểu... Solomon. Ảnh : Hiệu Minh

Trên đường các ông bà, thanh niên bỏm bẻm, miệng đỏ chót, thỉnh thoảng nhổ toẹt ra đường. Hóa ra, họ ăn quả cau với vôi và một nhánh hoa, chắc giống trầu của ta. Họ gọi món này là “Solomon Beer, nửa quả cau, say cả chiều”.  Mua một đô la được 4 quả (8 đô la Solomon ăn một đô la Mỹ).

Có thể ra đường buổi tối thoải mái, nhưng 6 giờ chiều đã vắng tanh và hết mặt trời. Dân chúng ban ngày đông nghịt, tối biến hết. Thấy có một rạp xi nê, ít café hay quán cóc trừ vài mẹt bán cau rẻ tiền.

Buổi tối, không thấy các em đứng đường chào mời khách “đi chơi không anh” như ở ta. Trong hướng dẫn du lịch, khách nữ được nhắc là mặc váy phải dài chùm hết đầu gối. Tuy thế, vẫn thấy các cô hở ngực đồ sộ hoặc váy dài nhưng lại trễ dưới rốn.

Giống như các thủ đô trên thế giới, ở đây cũng có China town. Hàng hóa hầu hết của Trung Quốc bán sang. Rất nhiều cửa hàng của người Hoa dù vẫn nghèo nàn. Tuy thế, có chai rượu Martell Cordon Bleu giá tới 2000$ Solomon (300USD) bày bán. Ông chủ người Hoa nói, cả năm bán được 2-3 chai.

Người Trung Quốc đang mua đất và xây nhà cho dân Solomon hay khách nước ngoài đến thuê. Khách sạn tôi trọ có tên là Kitano Mendana, nghe mang máng như Kitai (Trung Quốc). Hỏi ra, đúng là một ông người Hoa béo tốt làm chủ.

Tôi ở Solomon gần một tuần, một đất nước tuy nghèo nhưng hiếu khách. Dù phần đông không biết Hà Nội ở đâu, cũng như dân ta chả biết cái đảo Honiara này ở xứ nào, nhưng ai cũng quí mến Việt nam vì đã dám đánh nhau với Mỹ.

Solomon – Xứ đảo thần tiên giữa Thái Bình Dương ảnh 7
Thổ dân Solomon - John Kofi. Ảnh : Hiệu Minh 

Một bác có tên John Kofi câu cá mực trên bến cảng Honiara nói với tôi rằng, chiến tranh chỉ làm những người dân thường như họ đổ máu, sống trong hòa bình thì con cháu mới hạnh phúc.

Bác còn dặn tôi, khi nào về Việt Nam nhớ gửi thư và ảnh cho bác dù không đưa email. Viết bài này, tôi mong bác đọc được, nhờ đó cảm ơn những người bạn Solomon giản dị và hiếu khách. Tôi tin rằng miền đất Solomon thần tiên này sẽ đẹp mãi mãi như lòng người nơi đây.

Hiệu Minh
Solomon Islands, 5/7/2009.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.