Sôi động khởi nghiệp vùng biên

0:00 / 0:00
0:00
TP - Với quyết tâm làm giàu, gây dựng một thương hiệu cho quê hương, nhiều bạn trẻ vùng biên Buôn Đôn (Đắk Lắk) đã có những ý tưởng khởi nghiệp, bắt sỏi đá “đẻ” tiền. Họ quy tụ lại thành câu lạc bộ, chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ cùng nhau làm giàu.

Đừng bận tâm đến ý kiến “bàn lùi”!

Chương trình Café khởi nghiệp số 1 do CLB Khởi nghiệp Sáng tạo huyện Buôn Đôn (Đắk Lắk) tổ chức, thu hút đông đảo bạn trẻ tham gia. Anh Phan Bảo Long, nhà sáng lập LMS (Giảm béo chuẩn y khoa)- khách mời chương trình đã thắp lên ngọn lửa khởi nghiệp trong bạn trẻ vùng biên qua câu chuyện của chính mình.

Từ một người có thân hình gầy gò, ốm yếu vì 2 bệnh nền, anh Bảo Long “lột xác” thành vận động viên thể hình chinh phục sân chơi quốc tế. Chưa hết, anh nghỉ công việc giảng dạy ở Đại học Tây Nguyên để khởi nghiệp mô hình giảm béo tự nhiên nhờ tập luyện và ăn uống khoa học. Mô hình khởi nghiệp của anh đã chinh phục 5 “cá mập” cùng đầu tư trong Shark Tank Việt Nam năm 2021. Là người con của Đắk Lắk, anh khuyên các bạn trẻ khởi nghiệp ở vùng biên khắc nghiệt cần quyết tâm cực lớn, xây dựng kế hoạch thật chi tiết và hành động, đừng bận tâm đến ý kiến “bàn lùi” của người khác.

Anh Phạm Thanh Tuấn - Giám đốc điều hành Cty xã hội Bồ Công Anh, cố vấn khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk lại truyền cảm hứng cho các bạn trẻ qua 4 lần khởi nghiệp của bản thân. Anh tặng mỗi thanh niên 1 cuốn sách 7 thói quen của bạn trẻ thành đạt, để trở thành phiên bản tốt hơn chính mình. Anh khuyên các bạn trẻ muốn khởi nghiệp phải có ước mơ đủ lớn, luôn giữ được năng lượng tích cực, biết vượt qua nỗi sợ để biến ước mơ thành sự thật.

Hai khách mời, anh Nguyễn Văn Mừng (Giám đốc Khu du lịch sinh thái Troh Bư) và chị Nguyễn Lê Thanh Thảo (quản lý Khu du lịch Bản Đôn) đã dành cho các bạn trẻ lời khuyên về sự kiên trì theo đuổi đam mê, bởi người khởi nghiệp rất cô đơn. Theo anh Mừng, người khởi nghiệp phải tìm được lối đi riêng, mô hình du lịch phải nhanh nhạy nắm bắt nhu cầu thị trường. Còn chị Thảo cho rằng, lĩnh vực du lịch cần tránh cạn ý tưởng, biết khai thác lợi thế về thiên nhiên, cùng bản sắc văn hóa để tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn, tránh “ăn xổi”.

Tạo thương hiệu cho vùng đất Buôn Đôn

Đến với Café khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Cao Thi- người lập ra An An Farm (ở xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) chia sẻ nỗi sợ không tìm được nguồn nhân công chất lượng khi bắt tay mở rộng mô hình trồng ớt an toàn lên 2 ha sắp tới. Chị Thi đã có kinh nghiệm và đầu ra cho sản phẩm nên rất cần nhân công để thực hiện. Tuy vậy, địa phương chỉ còn người già, trẻ em nên chị gặp khó khăn trong việc tìm nhân công trẻ, đủ sức khỏe để làm việc ngoài trời.

Anh Nguyễn Văn Hải- ông chủ Trang trại Sữa dê Ban Mê (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn)- người sáng lập CLB Khởi nghiệp Sáng tạo huyện Buôn Đôn chia sẻ, hành trình khởi nghiệp không hề dễ dàng, bản thân anh là minh chứng sống. Anh Hải từng làm lãnh đạo công ty chuyên về viễn thông có chi nhánh ở nhiều nước Đông Nam Á. Việc anh từ bỏ “quần tây đóng áo sơ mi”, quay về khởi nghiệp nghề nuôi dê lấy sữa- một lĩnh vực còn khá mới mẻ là một thử thách rất lớn. Bao lần gian truân, liên tục trả “học phí”, anh Hải mới xây dựng được thương hiệu Sữa dê Ban Mê.

Với mong muốn tạo ra sân chơi bổ ích cho những người có cùng đam mê khởi nghiệp, tháng 7/2021, anh Hải lập ra CLB Khởi nghiệp Sáng tạo huyện Buôn Đôn. Đến nay, CLB có 10 thành viên, đều có mô hình khởi nghiệp như: Sữa dê, nuôi ốc nhồi hương, cam quýt, trồng ớt, sản xuất tương…

Theo anh Hải, mỗi tháng CLB sẽ tổ chức 1 buổi Café khởi nghiệp, mời các khách mời là nhà nông, nhà khoa học, nhà quản lý…, để chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên. Mục tiêu của CLB là hướng đến xây dựng sản phẩm OCOP (mỗi địa phương 1 sản phẩm), tạo nên thương hiệu cho vùng đất Buôn Đôn.

Đại diện UBND huyện Buôn Đôn cho biết, hỗ trợ thanh niên bám trụ phát triển kinh tế tại địa phương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm. Thực tế cho thấy thanh niên nông thôn còn hạn chế về kỹ năng, kiến thức, vốn sản xuất kinh doanh…, nên UBND huyện đã chỉ đạo các phòng ban, ngành có liên quan triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong việc hỗ trợ thanh niên trên địa bàn phát triển kinh tế, lập thân, lập nghiệp, khởi nghiệp. Đồng thời, thông qua Huyện Đoàn Buôn Đôn để giải ngân các nguồn vốn cho thanh niên có dự án tốt, hiệu quả cao.

Từ 2018 đến nay, huyện Buôn Đôn đã giải ngân cho 20 dự án khởi nghiệp, tập trung vào các lĩnh vực như chăn nuôi dê, heo rừng lai, vườn ao chuồng, trồng cam, bưởi... Mới đây UBND huyện Buôn Đôn đã định hướng giải ngân, hỗ trợ một số dự án mới như: Nuôi ốc nhồi và chế biến các sản phẩm từ ốc nhồi, gia công may mặc...

MỚI - NÓNG