Sợi dây cương

Sợi dây cương
TP - Cú sốc trước vụ tấn công khủng bố kinh hoàng ngày 11/9/2001 làm gần 3.000 người thiệt mạng đã khiến Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua đạo luật Yêu nước.

Hơn 10 năm sau, vụ bê bối Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) nghe lén điện thoại, đột nhập thư điện tử hàng triệu người lại khiến Quốc hội Mỹ soạn thảo một đạo luật mới mang tên Tự do.

Đạo luật Yêu nước, với mục tiêu tăng cường bảo vệ nước Mỹ, đã bao gồm nhiều điều khoản trong đó có việc trao quyền hạn lớn hơn cho các cơ quan tình báo trong việc theo dõi, do thám các đối tượng nghi vấn nhằm ngăn chặn sớm.

Dự luật Tự do, vừa được Hạ viện thông qua ngày 22/5, lại như một sợi dây cương đối với các cơ quan tình báo khi đề xuất gia tăng các biện pháp, cơ chế kiểm soát đối với hoạt động của nhóm này.

Theo dự luật Tự do, các hoạt động do thám, nghe lén của NSA giờ đây cần phải nhận được sự chấp thuận của tòa án trước khi được tiến hành. Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ có bộ phận chuyên trách nhằm giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động của các cơ quan tình báo.

Có thể nói, làn sóng chỉ trích dữ dội cả trong và ngoài nước về việc tình báo Mỹ lạm dụng quyền hành để xâm phạm riêng tư cá nhân đã buộc chính phủ phải tìm biện pháp để khôi phục uy tín. Tuy nhiên, an ninh quốc gia vẫn luôn là mục tiêu số một không chỉ với Mỹ mà cả với tất cả các quốc gia khác trên thế giới.

Điều mà cả Quốc hội và chính quyền Tổng thống Barack Obama hướng tới là một đạo luật cân bằng được cả hai vấn đề trên. Chính vì vậy, khi được đưa ra Hạ viện, rất nhiều điều khoản liên quan đến việc kiểm soát và hạn chế phạm vi hoạt động của cơ quan tình báo đã bị lược bỏ hoặc giảm nhẹ.

Liên đoàn Tự do Dân sự Mỹ gọi Dự luật Tự do là một quyết tâm của Quốc hội đối với việc thắt chặt kiểm soát hoạt động các cơ quan tình báo, mặc dù vẫn là một nỗ lực “chưa hoàn hảo”. Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Mike Rogers còn thẳng thắn hơn khi gọi dự luật là một sự thỏa hiệp.

Thực tế, cho dù có thể sẽ còn trải qua những điều chỉnh bổ sung tại Thượng viện trước khi được Tổng thống ký thành luật, Dự luật Tự do vẫn sẽ không đi ra ngoài mục tiêu vừa có thể giúp chính phủ tiếp tục bảo vệ an ninh quốc gia đồng thời vẫn bảo đảm được quyền riêng tư của người dân. Và đây sẽ là một vấn đề đau đầu đối với các nhà lập pháp Mỹ.

MỚI - NÓNG