Sốc với thế giới 'hậu tuổi thơ' của Đặng Hoàng Giang

Giới trẻ quan tâm đến cuốn sách nói về chính họ
Giới trẻ quan tâm đến cuốn sách nói về chính họ
TP - Đặng Hoàng Giang là tác giả hiếm hoi ở Việt Nam đi theo dòng văn chương phi hư cấu với cách chọn đề tài, nhân vật bám sát đời sống xã hội. Cuốn mới nhất của anh Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ thuật lại những bi kịch mà người trẻ trải qua trên hành trình đơn độc tìm kiếm bản thể. Sách đang dẫn đầu trong Top 100 sách tâm lý tuổi teen bán chạy trên một kênh bán sách trực tuyến.

BI KỊCH VÌ… NGOAN QUÁ

Tác giả thú nhận ban đầu hình dung vấn đề khá đơn giản và còn tưởng sắp được sống lại thời tuổi trẻ của mình lúc bắt tay vào dự án. Anh thậm chí gạch ra những đầu dòng mà anh cho sẽ là nội dung chính của sách: tình dục, thời trang, âm nhạc và bảo vệ môi trường. Nhưng rút cuộc: “Các nhân vật đã cầm tay tôi dẫn vào những nơi mà tôi không nghĩ nó tồn tại”. Anh bỏ ra 2 năm để khám phá thế giới của hàng trăm người trẻ qua những cuộc gặp gỡ, qua thơ, nhạc, tranh của họ. Có những nhân vật ngay lần gặp đầu tiên cho biết bố mình đã mất nhưng phải một năm sau mới chia sẻ lý do…

“Tôi nhận ra phải cần rất nhiều kiên nhẫn để đi xuống những tầng sâu trong tâm hồn của các bạn. Nên không lấy làm lạ khi người lớn không đủ kiên nhẫn để hiểu người trẻ. Khi gia đình, xã hội thiếu sự kiên nhẫn ấy sẽ không thể kết nối được”, anh khẳng định. “Nhu cầu được chia sẻ ở các bạn là khổng lồ. Đáng buồn là người được nghe câu chuyện của các bạn lại là tôi chứ không phải chính bố mẹ của các bạn… Thương cho các bạn, thương cho bố mẹ các bạn! Họ có thể cắt chân cắt tay để cứu con nhưng lại không nói chuyện được với con”. Theo Đặng Hoàng Giang, sao nhãng (không quan tâm tới con cái đúng cách) cũng là một hiện tượng bạo lực tinh thần, cũng như việc không chu cấp cho con về tinh thần còn nguy hại hơn vật chất.

Một khái niệm mới tác giả đưa ra là “phụ huynh hóa” - chỉ những đứa trẻ sớm phải lo toan những việc vốn của phụ huynh với tinh thần tự nguyện, nhưng sau đó trở nên quá tải. “Các bạn trẻ trong nhóm nhầm vai này gây cho tôi nhiều khó khăn nhất. Vấn đề của họ khá khó xác định. Đi sâu vào đời sống của các bạn, tôi mới thấy bi kịch đến từ chữ “ngoan”. Đáng tiếc ở Việt Nam khao khát có con ngoan (có trách nhiệm phải thực hiện khao khát mong mỏi của phụ huynh) vô cùng phổ biến. Vì bố mẹ sống trong chiến tranh, hậu chiến, rồi hôn nhân tan vỡ”… TS Giang cho rằng nếu không nhận ra tình trạng này thì nó sẽ trở thành vòng tròn lặp lại ở thế hệ kế tiếp.

Nhà phê bình văn học Trần Ngọc Hiếu thì khẳng định, khủng hoảng của nhân vật không chỉ gắn với gia đình mà còn liên quan đến xã hội. “Chính xã hội làm người lớn cảm thấy bất an trước. Khi họ còn chưa biết ngày mai của mình thế nào, đã phải lo lắng cho con,” anh khẳng định. “Tôi thấy bố mẹ nào trong tác phẩm cũng bơ vơ cô đơn. Họ cũng cần được ai đó đáng tin cậy lắng nghe, cảm thông”.

Đặng Hoàng Giang phát hiện ra một căn bệnh đáng sợ ở các bậc cha mẹ đó là ái kỷ, sĩ diện, triền miên sống trong sự sợ hãi không được tôn trọng. “Đứa con trở thành nguồn cung cấp thể diện. Khi họ cảm thấy bản thể của mình bị tổn thương, bèn quay ra trừng phạt con mình. Cha mẹ ái kỷ có năng lực cảm xúc thấp, không có sự thấu cảm, không nhìn được vào nỗi đau khổ cùng cực của con”, anh chỉ ra. Điển hình trong sách có nhân vật uống thuốc ngủ tự vẫn nhưng thay vì được quan tâm hỏi han, người lớn chỉ đổ xô vào kết tội cô là vô ơn, bất hiếu, “lần sau mày còn làm thế tao đuổi khỏi nhà”… Đáng sợ là người ái kỷ luôn đề cao bản thân, tất nhiên sẽ không nghĩ mình bệnh cho nên giúp họ rất khó. “Gia đình của bố mẹ ái kỷ như ngục tù của tình yêu rất khủng khiếp”, tác giả mô tả.

Sốc với thế giới 'hậu tuổi thơ' của Đặng Hoàng Giang ảnh 1Tìm mình trong thế giới hậu tuổi thơ đã in khoảng 1 vạn bản ảnh: Phương Hiền

QUYỀN ÐƯỢC “NỔI LOẠN”

Sự nghiệp làm cha của tác giả cũng chuyển biến tích cực trong quá trình làm sách. “Chắc chắn trong quá khứ, tôi từng có những duy nghĩ, ánh mắt, lời nói, so sánh đã làm tổn thương con tôi mà tôi nghĩ là bình thường. Giờ đây tôi có sự phản chiếu để cố gắng rút kinh nghiệm không lặp lại những lỗi lầm đó”. Tác giả cũng đưa ra ví dụ như hôm trước rủ con tới buổi ra mắt sách. Nhưng khi cô bé 14 tuổi từ chối để ở nhà chơi với Kem (tên con chó) thì anh cũng không buồn hay giận. Vì anh hiểu con mình đến lúc “cá nhân hóa”, muốn tách khỏi gia đình. “Kinh khủng là khi 18 tuổi mà trẻ vẫn nhằng nhẵng bám theo bố mẹ,” anh nói.

Trước sự quan tâm của độc giả về phương pháp chữa lành, Đặng Hoàng Giang tỏ ra thận trọng: “Theo những gì tôi được biết, chúng ta nên bắt đầu bằng quan điểm rằng chúng ta có quyền được mưu cầu hạnh phúc, ai sinh ra cũng có quyền sống cuộc đời của mình, đi tìm con người của mình, được hoang mang, được nổi loạn... mà không có nghĩa vụ sống cho hạnh phúc của người khác, dù là cha mẹ của mình”. Tuy vậy anh cũng biết điều này rất khó vì trong xã hội Việt Nam, việc con cái phải nghe lời, làm vui lòng bố mẹ được quy vào đạo đức, truyền thống văn hóa. Nhưng: “Nếu hạnh phúc của bố mẹ đi ngược với hạnh phúc của mình thì phải cứu mình trước. Khi mình khỏe mạnh, hạnh phúc rồi mới có thể quay lại giúp bố mẹ đang bấn loạn trước những khủng hoảng, đổ nát của họ”.

Tác giả cũng chia sẻ câu chuyện bản thân khi phải quyết định từ Áo trở về Việt Nam. “Về Việt Nam có thể tôi sẽ hạnh phúc hơn, nhưng điều kiện vật chất cho con tôi chắc chắn sẽ tệ hơn so với Áo. Gia đình họ hàng có thể cho tôi là ích kỷ và chính tôi cũng nghĩ như vậy: tại sao không hy sinh mình để con tiếp tục sống tại Áo. Đến giờ, tôi hiểu tôi đã quyết đúng.

TS Trần Ngọc Hiếu gợi ý thêm các hiệu quả chữa lành từ âm nhạc, văn chương… và dẫn một câu của nhân vật: “Đôi khi mình còn sống được là bởi vì còn được nghe một bản nhạc hay”. TS Hiếu nhận định các nhân vật trong sách của TS Giang là can đảm khi dám đối diện với cái tôi bên trong để hòa giải với chính mình. Điều này khó hơn và là cơ sở cho bước tiếp theo: hòa giải với thế giới. “Một số bạn (trong sách) từ chối tư duy đổ lỗi, họ nhận tất cả các vấn đề đó như những gì cần phải giải quyết khi trưởng thành”, anh cũng nhấn mạnh. “Cần phải học cách biết thương thân mình. Không ai thương các bạn bằng các bạn được đâu! Các bạn đang khao khát các giá trị lớn trong đời sống như sự tử tế, cống hiến, tự do. Nhưng càng khao khát thì đời sống càng thử thách. Cũng là bình thường, đời sống chỉ thách thức những thứ muốn vượt lên trên nó chứ không phải những kẻ thỏa hiệp lập tức với nó”. Trần Ngọc Hiếu khuyên người trẻ hãy hành động để biến thách thức, khủng hoảng thành cơ hội để xác lập vị trí trong xã hội chắc chắn đang cần đến họ.

“Sự cần thiết phải đối diện với người bên trong làm cho ta trở nên can đảm. Thành công chính là khi ta nhìn thấy con người bên trong, là cái mà ta tự chịu trách nhiệm mang theo hết cuộc đời. Khủng hoảng không chỉ có ở tuổi trẻ nhưng khi đã vượt qua giai đoạn này, các bạn sẽ không gục ngã ở lần sau”. 
TS Trần Ngọc Hiếu

“Các bạn trong sách không đại diện cho thế hệ thanh niên hôm nay khi họ đều khá ưu tú, được học hành bài bản. Vô vàn các số phận đang trôi nổi ngoài kia đã không tìm đến tôi. Họ đã tuột khỏi tay chúng ta. Họ có thể đang lang thang ở quán net, hút chích và bị lên án. Họ từng mong muốn yêu thương, mong muốn cuộc sống có ý nghĩa, nhưng đã đầu hàng”.
TS Đặng Hoàng Giang

MỚI - NÓNG
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
Sắp xếp bộ máy, sẽ 'đụng chạm' nhiều bộ trưởng, thứ trưởng
TPO - "Tôi chưa thống kê cụ thể, nhưng với phương án sắp xếp của Chính phủ, Quốc hội, nhìn sơ sơ đụng chạm tới khoảng 20 bộ trưởng và tương đương, cùng khoảng 80 - 100 thứ trưởng và tương đương ở cả khối Đảng, Mặt trận, Nhà nước...", TS Đinh Duy Hòa - nguyên Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính - Bộ Nội vụ nói.