Sóc Trăng yêu cầu công an chấn chỉnh tình trạng môi giới 'bát nháo', đẩy giá nhà đất

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trước tình trạng nhà đầu tư, doanh nghiệp, môi giới bất động sản (BĐS) lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc triển khai dự án đầu tư hạ tầng giao thông để tung tin đồn thổi, nhằm đẩy giá BĐS lên cao để trục lợi, Sóc Trăng đã yêu cầu công an và các cơ quan liên quan vào cuộc.

Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, Trần Văn Lâu vừa ký văn bản gửi công an tỉnh này cùng các sở, ngành và chính quyền huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh về việc tăng cường kiểm soát hoạt động môi giới BĐS.

Được biết, động thái này xuất phát từ việc các cơ quan chức năng của Sóc Trăng nhận thấy, gần đây đã xuất hiện tình trạng một số nhà đầu tư, doanh nghiệp, người môi giới BĐS lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc triển khai các dự án đầu tư hạ tầng giao thông để tung tin đồn thổi, lôi kéo người dân tham gia theo tâm lý đám đông vào các giao dịch BĐS, gây nhiễu loạn thông tin nhằm đẩy giá BĐS lên cao để trục lợi.

Do đó, để chấn chỉnh tình trạng này và tăng cường thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 11 ngày 23/4/2019 của Thủ tướng về một số giải pháp thúc đẩy thị trường BĐS phát triển ổn định, lành mạnh, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, chỉ đạo các sở, ngành, công an tỉnh, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ tăng cường quản lý nhà nước đối với hoạt động môi giới kinh doanh BĐS trên địa bàn.

Sóc Trăng yêu cầu công an chấn chỉnh tình trạng môi giới 'bát nháo', đẩy giá nhà đất ảnh 1

Trước tình trạng nhà đầu tư, doanh nghiệp, môi giới bất động sản (BĐS) lợi dụng các thông tin về quy hoạch, việc triển khai dự án đầu tư hạ tầng giao thông để tung tin đồn thổi, nhằm đẩy giá BĐS lên cao để trục lợi, Sóc Trăng đã yêu cầu công an và các cơ quan liên quan vào cuộc. (Ảnh minh họa)

Trong đó, giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các cơ quan có liên quan tổ chức kiểm tra các tổ chức, cơ sở, doanh nghiệp, cá nhân hoạt động môi giới bất động sản trên địa bàn tỉnh, bảo đảm tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật, xử lý kịp thời các vi phạm theo thẩm quyền, báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện trong tháng 9/2022.

Theo tìm hiểu của Tiền Phong, khoảng vài năm gần đây, thị trường BĐS ở Sóc Trăng phát triển khá nhộn nhịp nhờ có nhiều dự án cầu, đường quy mô lớn, tiêu biểu như cầu Mạc Đĩnh Chi gần 278 tỷ đồng, kết nối TP Sóc Trăng với tuyến đường phục vụ an ninh quốc phòng, ứng cứu tàu thuyền vùng biển Trần Đề (đường tỉnh 934B), trục phát triển tôm - lúa, cầu Vành Đai 2, cầu Nguyễn Văn Linh, cầu Mạc Đỉnh Chi, đường tỉnh 934B,…

Đáng chú ý, sau ngày có thông tin cầu Mạc Đĩnh Chi hợp long, vào cuối năm 2021, mỗi ngày có gần trăm người ở các công ty BĐS đưa khách hàng sang tỉnh lộ 934B để xem đất và thực hiện các giao dịch với sự hỗ trợ của ngân hàng.

Thời điểm ấy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cũng lưu ý rằng, do có chủ trương quy hoạch Khu kinh tế biển Trần Đề, cảng Trần Đề, cầu Đại Ngãi, các dự án trọng điểm khác và do tình trạng giới đầu cơ lợi dụng để thổi giá đất, giá BĐS lên cao đã làm cho giá đất tại một số địa phương có diễn biến phức tạp.

Do đó, lãnh đạo tỉnh này đề nghị UBND các địa phương sớm hoàn thiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết các công trình dự án trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để công bố, công khai cho người dân biết.

MỚI - NÓNG
Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận sáp nhập huyện, xã như thế nào?
Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận sáp nhập huyện, xã như thế nào?
TPO - Để đảm bảo sự thống nhất, đồng thuận về tên gọi mới khi sáp nhập, Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tổ chức lấy ý kiến cử tri, người dân, thời gian từ ngày 25/4 đến ngày 4/5. Còn tỉnh Bình Thuận sẽ có 17 xã, phường thuộc 5 huyện, thành phố, thị xã có liên quan đến sắp xếp đơn vị hành chính.