Cháu dùng những từ ngữ mà tôi và cha cháu không thể chấp nhận được. Gần đây tôi theo dõi thấy cháu có những tin nhắn bất thường. Cháu nhờ bạn mua giùm thuốc lá, có những lời lẽ không hay khi nói về các bạn gái.
Cháu rất thích chụp những tấm hình bậy bạ của các bạn như trong lúc các bạn đi vệ sinh, thay đồ (chỉ là các bạn nam). Tôi không biết nói chuyện với con như thế nào vì con tôi là một đứa bé rất tinh ý, nếu tôi nói không khéo cháu sẽ biết tôi vào lén Facebook của mình. Xin hãy cho tôi lời khuyên sớm nhất có thể. (Lan Hương)
Trả lời
Chào bạn,
Như chia sẻ trong thư, chúng tôi hiểu được phần nào nỗi lo lắng về cậu con trai của bạn. Đây cũng là một trong những nỗi niềm của các bậc cha mẹ khi có con bước vào tuổi dậy thì. Không ít bố mẹ than phiền, con họ từ nhỏ rất ngoan, vậy mà tới tuổi này lại gây ra nhiều rắc rối cho gia đình. Để có thể ứng xử khéo léo với con ở độ tuổi này, đòi hỏi cha mẹ phải thật tinh ý, nắm bắt được suy nghĩ của con và kết giao với con như một người bạn.
Tuổi dậy thì là tuổi trẻ ở trong giai đoạn khó khăn nhất của cuộc đời. Về mặt sinh học, con bạn đã hoặc đang đi đoạn đường ngắn ngủi cuối cùng để trở thành người lớn. Vì vậy, con bạn muốn trở nên độc lập, muốn tự quyết định và nhiều khi cứ tưởng mình đã là người lớn. Bên cạnh đó, con bạn sẽ gặp các trở ngại vì nằm dưới sự kiểm soát của bố mẹ và phụ thuộc nhiều mặt vào phụ huynh.
Đây là thời kỳ con phải đối mặt với những vai trò mới, phải đảm nhận: nghĩ tới chuyện chọn bước đi cho tương lai, vừa phải làm tròn bổn phận con cái nhưng phải hòa nhập vào một nhóm bạn nào đó.
Khủng hoảng lứa tuổi thiếu niên là một giai đoạn không thể tránh khỏi. Đầu giai đoạn này, người thiếu niên có cảm giác “bị đánh mất mình”, bản sắc dường như “bị nhòe đi” và ngay lập tức là sự giảm sút về tự đánh giá bản thân. Những thay đổi đột ngột về thân thể khiến cho người thiếu niên dường như không tìm lại được chính mình. Hơn nữa các thay đổi sinh lý của thời kỳ dậy thì, sự trỗi dậy của các động năng tính dục kéo theo những biến đổi tâm tư, nguyện vọng cũng làm cho người thiếu niên không thể không có cảm giác lạ lẫm.
Để đương đầu với cảm giác “không là mình nữa”, không ít các thiếu niên đã phải cầu viện vào các hình thức tự vệ thể hiện chủ yếu qua những thay đổi mang tính nghi thức liên quan tới đi đứng, ăn mặc, nói năng cũng như các mối quan hệ với người khác.
Con trai bạn là một bạn học giỏi, năng động và chăm sóc em rất giỏi nhưng trong thời gian gần đây con có những từ ngữ “khiếm nhã” khi nói về bạn gái, nhờ bạn mua thuốc lá và có hành vi chụp ảnh “nhí nhố” với bạn trai. Ở nhà, dưới sự bao bọc của cha mẹ, cháu không có các hành vi khác thường mà tỏ ra là một người con ngoan, một người anh tốt. Khi ở trường hay trên facebook, cháu mới thể hiện cái bản ngã của mình với những lời lẽ và hành vi khác thường.
Lúc này, bạn phải thật bình tĩnh vì con trai bạn đang bước vào giai đoạn tuổi dậy thì, đang thể hiện cái “tôi” của bản thân. Bạn có thể điều chỉnh hành vi của con một cách khéo léo như luôn ủng hộ con và năng cùng con trò chuyện về vấn đề học tập, bạn bè và các nhu cầu trong cuộc sống để con phát triển thành người đàn ông mạnh mẽ, toàn diện và không ngại bộc lộ cảm xúc.
Việc con nói về bạn gái và có hành vi chụp ảnh với bạn trai khi thay đồ, đây là điều không thể tránh, tốt nhất bạn nên nói chuyện với con về vấn đề này. Tuổi dậy thì với những băn khoăn về cơ thể, giới tính trẻ sẽ tự tìm kiếm thông tin, những bậc cha mẹ tốt nhất cũng khó lòng kiểm soát hết mọi ngóc ngách trong cuộc sống của con. Bạn đừng vội cho rằng con như vậy tức là đã hư hỏng.
Bạn không nên chia sẻ nhiệt tình quá mức, đặt ra quá nhiều câu hỏi cho con, vì con trai không thích nói chuyện với những người mà chúng cho rằng đang muốn điều khiển mình hoặc đang ứng xử thái quá, bất kể họ có động cơ tốt hay không. Để thuyết phục con chia sẻ nhiều hơn với bố mẹ bạn nên tỏ ra tôn trọng ranh giới của con, quan trọng là đừng cố thay con giải quyết, sửa chữa mọi rắc rối.
Khi bước vào tuổi dậy thì, nhiều trẻ rơi vào trạng thái tâm lý dở dở ương ương, rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương nhưng cũng vô cùng bướng bỉnh. Trong lúc này, việc bắt ép trẻ đi theo ý muốn của cha mẹ là một điều không tưởng. Theo phản xạ tự nhiên, cái tôi cá nhân của trẻ sẽ nổi dậy và việc phản kháng lại sự áp đặt của cha mẹ là hoàn toàn bình thường. Vì vậy, đối mặt với chuyện con trẻ có những hành vi không đúng mà bố mẹ tỏ ra nghiêm khắc, chửi bới, cấm đoán là điều tối kỵ.
Khi phát hiện con có những hành vi đó qua điện thoại, email… trước hết cha mẹ không nên quá hoảng hốt, coi đó như chuyện “động trời”, mà cần tế nhị tìm hiểu quan hệ của chúng đã đến mức độ nào mới có thể gỡ ra một cách khéo léo. Hãy để con trẻ thoải mái tâm sự về những cách suy nghĩ của mình. Nhờ thế, cha mẹ biết rõ để có thể phân tích cho con biết điều đúng, sai và kịp thời ngăn chặn những hệ lụy.
Chúc bạn và con luôn vui vẻ.