'Số tiền đó chả có gì nhiều'

'Số tiền đó chả có gì nhiều'
TP- Trong 5 năm 2006 - 2010, khoảng 3 vạn văn nghệ sỹ chuyên nghiệp được hỗ trợ sáng tác 175 tỷ 260 triệu đồng. Trong số này, 10 hội chuyên ngành sẽ nhận 90 tỷ. Hiện, Hội Nhà văn có 1.000 hội viên, số tiền đó chả có gì nhiều.

Nhà thơ Hữu Thỉnh - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết như vậy tại cuộc gặp gỡ báo chí để công bố về đầu tư và hỗ trợ sáng tác năm 2007- 2008 tại trụ sở Hội Nhà văn Việt Nam, chiều qua, 11/1. 

Nhà thơ Hữu Thỉnh cho biết: Tiền hỗ trợ sáng tác được “bảo hộ” bởi Quyết định 926 ngày 6/7/2006 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án sáng tạo tác phẩm VHNT và báo chí giai doạn 2006 -2010, và thông tư liên tịch hướng dẫn thi hành của Bộ VHTT và Bộ Tài chính.

Theo đó, trong 5 năm 2006 - 2010, khoảng 3 vạn văn nghệ sỹ chuyên nghiệp được hỗ trợ sáng tác 175 tỷ 260 triệu đồng. Trong số này, 10 hội chuyên ngành sẽ nhận 90 tỷ. Hiện, Hội Nhà văn có 1.000 hội viên, “số tiền đó chả có gì nhiều” - lời ông Hữu Thỉnh, và mức cao nhất mà Hội Nhà văn VN nhận được là 1,6 tỷ đồng/năm.

Ban chấp hành Hội dùng số tiền này để mua sách báo của Hội cấp miễn phí cho hội viên, tổ chức đi thực tế, mở trại sáng tác, hỗ trợ xuất bản và hỗ trợ trực tiếp cho hội viên.

Muốn nhận tiền hỗ trợ sáng tác, nhà văn hội viên phải có đơn, đề cương bản thảo. Nếu gia đình có hai vợ chồng cùng là nhà văn, như Dạ Ngân- Nguyễn Quang Thân, Lâm Thị Mỹ Dạ- Hoàng Phủ Ngọc Tường, thì phải luân cách “chàng một năm và em một năm”.

Theo đại diện Hội Nhà văn VN, sau 10 năm nhận tiền hỗ trợ sáng tác, “Hội thấy đây không phải là quỹ phúc lợi cứu đói mà là đầu tư cho văn hóa, văn chương, cho con người. Hội viên rất hoan nghênh, đáp ứng mong mỏi của họ cũng như thỏa mãn nhu cầu thưởng thức tác phẩm văn học của đông đảo công chúng”.

Tổ chức này khẳng định, công tác hỗ trợ sáng tác có hiệu quả thiết thực, giúp nhà văn cập nhật thông tin, tập trung để sáng tác. Nhiều tác phẩm có giá trị đã ra đời, trong đó không hiếm tác phẩm đoạt giải của Hội và các tổ chức khác.

Xung quanh chuyện cấp tiền đầu tư chất lượng cao, nhà văn Nguyễn Trí Huân phát ngôntrên một tờ báo rằng sẽ ưu tiên những người đoạt giải Nhà nước và giải của Hội.

Tuy nhiên, chiều qua nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định: Anh Huân nói như thế là nhầm lẫn, và tôi mới là người phát ngôn của Hội.

Ông Hữu Thỉnh cũng cho biết, việc đầu tư được tiến hành nghiêm túc, công khai, công bằng, hàng năm có thanh quyết toán với Bộ Tài chính. Tuy vậy việc hỗ trợ còn dàn trải, yêu cầu lớn mà kinh phí thì ít, vì vậy, Hội này nói, cần bổ sung nguồn kinh phí cao hơn.

Riêng năm 2007 là thời điểm đầu tiên Hội Nhà văn nhận tiền đầu tư chất lượng cao (đầu tư chiều sâu) với 1,6 tỷ đồng. Hội lập quy chế đăng trên báo Văn nghệ 2 kỳ liên tiếp, lập hội đồng đầu tư gồm 6 uỷ viên Ban chấp hành.

Cứ 3 tháng, các hội đồng thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và dịch thuật lại gửi báo cáo tác phẩm lên hội đồng đầu tư đọc, thẩm định, sau đó hội đồng bỏ phiếu kín xếp loại rồi gửi Ban chấp hành Hội.

Đến 31/12 vừa rồi, Hội Nhà văn nhận 253 đơn xin đầu tư chiều sâu, nhưng mới chỉ giải quyết 59 trường hợp. Tác phẩm của cá nhân có 3 mức: 15, 20, 25 triệu đồng, tác phẩm tập thể nhận 30 triệu đồng. “Ít, nhưng chúng tôi sẽ điều chỉnh”, người đứng đầu tổ chức nói.

Trong số 59 nhà văn mà Hội dự định cấp tiền, có Tô Hoài, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Ý Nhi. Trả lời Tiền phong về việc nhà văn Nguyên Ngọc từ chối nhận tiền đầu tư chiều sâu, ông Hữu Thỉnh nói, Hội mới gửi hợp đồng chứ chưa gửi tiền cho nhà văn Nguyên Ngọc.

“Hội viên ký vào hợp đồng và gửi lại chúng tôi, chúng tôi mới cấp 50%, xong tác phẩm mới cấp nốt 50% còn lại. Anh Ngọc là người tích luỹ vốn sống, có sức viết. Hội không quên anh ấy. Anh ấy không nhận là chuyện bình thường”.

Trước câu hỏi của Tiền phong “Dư luận cho rằng sáng tác là hoạt động độc lập của nhà văn, mở trại sáng tác là tàn dư của thời bao cấp. Liệu năm nay Hội Nhà văn có mở trại nữa không?”, nhà thơ Hữu Thỉnh nói: “Trại sáng tác là nơi nhà văn được gặp gỡ giao lưu, đọc tác phẩm để bổ sung cho nhau để hoàn thiện nó. Chắc chắn, một tiểu thuyết không thể hoàn thành ở trại, nhưng nơi ấy có không khí sáng tác cho nhà văn. Đó là hoạt động cần cho nhà văn” (?) . 

MỚI - NÓNG