Số phận khác nhau của những cổ phiếu có khả năng bị huỷ niêm yết

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Các chỉ số đồng loạt phục hồi trong phiên hôm nay, đáng chú ý nhờ lực kéo từ nhóm vốn hoá lớn. Cổ phiếu nhỏ và vừa cũng giao dịch tích cực. Sự chú ý của giới đầu tư liên quan những cổ phiếu có khả năng bị huỷ niêm yết như HAG, QBS thời gian qua tiếp tục làm nóng thị trường.

Các trụ cột như như MSN, VHM, VIC, BID, VCB … dẫn dắt thị trường trong phiên hôm nay. MSN tăng tới 5,9%, là mã đóng góp tích cực nhất cho VN-Index với 2,7 điểm. Đây là phiên tăng giá liên tiếp thứ 5 của MSN, giá trị giao dịch tăng vọt so với các phiên trước, thanh khoản đạt 418 tỷ đồng, tăng 43% so phiên trước.

Bộ 3 VIC, VHM, VRE cũng đồng loạt tăng giá 2-3%. Cùng với nhóm ngân hàng BID, VCB, VPB, MBB là những động lực chính kéo chỉ số phục hồi. Ngoài ra, nhóm dẫn dắt thị trường còn có BCM, GAS, DIG.

Sau phiên điều chỉnh mạnh, lực cầu quay lại nhóm ngân hàng, sắc xanh bao phủ toàn bộ các mã nhà băng trên HoSE. Nhóm chứng khoán cũng lấy lại sắc xanh dù biên độ tăng không lớn, chủ yếu dưới 3%. Trên HoSE, VND tăng mạnh nhất 3,4%. Sự khởi sắc trở lại ở 2 nhóm lớn này kéo chỉ số ngành tài chính tăng 1,59%.

Tuy nhiên, đây chưa phải nhóm giao dịch tích cực nhất, khi cổ phiếu bất động sản có phần vượt trội hơn. CKG, VRC, DIG tăng trần, DXG tăng sát giá trần. Kể cả các cổ các mã “nóng” như LDG, CEO, NBB, QCG… đều tăng giá tốt.

Ngược dòng thị trường, cổ phiếu dầu khí bị chốt lời đáng kể sau những phiên tăng tốt. BSR, OIL, PLX, PVD… chìm trong sắc đỏ. Cổ phiếu hàng không cũng điều chỉnh, VJC, HVN đều lọt nhóm ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số. Nhóm ngành thép cũng điều chỉnh, HPG, HSG gây thêm áp lực lên thị trường.

Đáng chú ý trong phiên hôm nay, cổ phiếu HAG được giải cứu sau phiên nằm sàn hôm qua, trước những lo ngại về việc cổ phiếu này bị huỷ niêm yết do thua lỗ 3 năm liên tiếp sau hồi tố. HAG đang lỗ lũy kế hơn 4.400 tỷ đồng.

Từ chỗ kết phiên 14/2 dư bán sàn 15 triệu cổ phiếu, sang phiên 15/2, HAG đã được “giải cứu”, đóng cửa tăng nhẹ 0,87% lên 11.650 đồng/cổ phiếu. Thanh khoản HAG tăng vọt gấp hơn 3 lần phiên trước đó, hơn 38,5 triệu cổ phiếu sang tay trong phiên, tương ứng giá trị 430 tỷ đồng.

Trước đó, HAG đã gửi công văn kiến nghị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam và HoSE cho phép công ty được áp dụng điều kiện thử thách, nếu kết quả kinh doanh bán niên và cả năm 2022 không có lãi mới xem xét đến việc hủy niêm yết.

Lãnh đạo công ty giải thích tình hình sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc của HAG đã có nhiều cải thiện so với trước đây. Nhiều khoản nợ vay và trái phiếu tồn đọng đã được tất toán. Năm 2021 công ty có lãi hơn 120 tỷ đồng, và dự kiến năm nay lợi nhuận sẽ vượt 1.100 tỷ đồng.

Hiện tại, cơ quan quản lý chưa đưa ra thông báo chính thức về kiến nghị của HAG.

Cũng liên quan việc một cổ phiếu khác có khả năng bị huỷ niêm yết, gây chú ý thời gian qua – QBS, HoSE đã thu hồi văn bản thông báo này.

Vào ngày 9/2, HoSE đã có thông báo về việc cổ phiếu QBS có khả năng sẽ bị hủy niêm yết do thuộc trường hợp thua lỗ liên tiếp trong 3 năm (2019-2021). Cụ thể, HoSE dẫn số liệu rằng QBS đã lỗ sau thuế lần lượt 174 tỷ đồng, 98 tỷ đồng và 20 tỷ đồng trong giai đoạn 2019-2021.

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 4/2021 của QBS, công ty đã có lãi trở lại trong năm 2021, cụ thể là gần 491 triệu đồng.

Nhận thấy sai sót trong quá trình trích dẫn số liệu kết quả kinh doanh năm 2021 của QBS nên HoSE đã thu hồi văn bản thông báo về việc cổ phiếu QBS có khả năng hủy niêm yết. QBS đang thuộc diện chứng khoán bị kiểm soát, đóng cửa phiên hôm nay, QBS giảm 2,56% xuống 6.480 đồng/cổ phiếu.

Kết thúc phiên giao dịch, VN-Index tăng 20,79 điểm (1,41%) lên 1.492,75 điểm. HNX-Index tăng 2,83 điểm (0,67%) lên 423,84 điểm. UPCoM-Index tăng 0,37 điểm (0,33%) lên 111,22 điểm.

Thanh khoản thị trường giảm mạnh so với phiên trước, trong đó giá trị khớp lệnh riêng sàn HoSE giảm 26,7%, đạt 17.486 tỷ đồng. Khối ngoại mua ròng mạnh trở lại 996,4 tỷ đồng, sau 3 phiên liên tiếp bán ròng, tập trung gom STB, MSN, VHM, GAS…

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.