Số phận gia đình người bị bắt vì hưởng ứng bài thơ của Xuân Khải - kỳ cuối

Số phận gia đình người bị bắt vì hưởng ứng bài thơ của Xuân Khải - kỳ cuối
TP - Khi đọc loạt phóng sự “Từ bài thơ gây chấn động dư luận dư luận và đêm trước đổi mới” trên Tiền phong, ông Nguyễn Thế Hồ, nguyên là cán bộ Sở GTVT Tuyên Quang, hiện đã nghỉ hưu và chuyển về Hà Nội sinh sống nghĩ ngay đến người bạn ở Tuyên Quang.
Số phận gia đình người bị bắt vì hưởng ứng bài thơ của Xuân Khải - kỳ cuối ảnh 1
Từ trái qua phải: Ông Nguyễn Thế Hồ, Phạm Ngọc Tuấn, Lê Minh Hùng và bà Xuân Khải.

Ông Hồ vội tìm đến ông Lưu Văn Lợi (thư ký của ông Lê Đức Thọ) nhờ “chắp nối” để gặp bà Xuân Khải. Ông nhận ra đây là cơ hội quý để nói lên những oan khuất, thanh minh cho bạn mình.

Ông Hồ nóng lòng chờ chuyến đi này bởi một điều nung nấu trong lòng mà ông bộc bạch với tôi lúc lên xe: “Chú mong mọi việc được sáng tỏ. Điều này giống như thắp một nén nhang sưởi ấm tâm hồn người đã khuất”. Xe lên tới thị xã Tuyên Quang lúc hơn 4 giờ chiều.

Theo lời khuyên của bà Xuân Khải, việc đến thăm gia đình cô gái cứ để một mình bà đi vì bà nghĩ gia đình họ vẫn ái ngại trước sự xuất hiện của báo chí.

Khi trong thơ có lửa

Chúng tôi đến nhà ông Phạm Ngọc Tuấn, hiện đang là Phó giám đốc Ngân hàng NN&PTNT tỉnh Tuyên Quang, nơi mẹ cô gái đang công tác để gặp mặt những người bạn của bố cô.

“Thời đấy sau khi bài MXNB đăng báo, tôi có nghe ở một số nơi có người bị bắt ít cũng 4-5 ngày, nhiều thì một vài tháng nhưng sau đó cũng được thả chứ không biết một ai cụ thể cả.

Vừa rồi, trước ĐH Đảng X, báo chí và những người có trách nhiệm rà soát lại và công khai minh oan cho nhiều người, trong đó có tôi. Đất nước muốn đổi mới thì phải đổi mới từng việc, từ chuyện cũ thì mới thành đổi mới lớn được”- Bà Xuân Khải tâm sự với những người bạn của tác giả bài thơ “Gửi em”.

“Anh ấy là người sống ngay thẳng, chân thành.  Ba người bạn của người đàn ông sáng tác bài thơ “Gửi em” đã có chung một nhận xét như vậy về ông.

Câu chuyện của những người “gặp nhau vì thơ văn” bắt đầu bằng lời dẫn dắt câu chuyện của ông Phạm Ngọc Tuấn: “Trường hợp của anh bạn tôi vì một bài thơ mà phải khổ sở, lúc bắt thì nhiều người biết nhưng lúc thả lại chẳng ai hay. Đó là nỗi đau, uất ức của một người có tâm hồn trong sáng”. 

Ông Lê Minh Hùng (công tác tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Tuyên Quang), kể lại: “Tôi với anh ấy là bạn học với nhau ở ĐH Ngân hàng.  Anh ấy lại làm cùng phòng với vợ tôi và cùng cơ quan với tôi.

Cả 2 gia đình chúng tôi lại ở gần nhau trong khu tập thể. Thời gian dài quen biết nhau, tôi chưa từng thấy anh ấy làm thơ. Vậy mà đầu năm 1986, khi đọc được bài thơ MXNB của chị Xuân Khải, anh ấy có xúc cảm rất đặc biệt.

Nó đến với anh một cách bất ngờ khiến anh- một người mới chỉ yêu văn thơ, chưa từng sáng tác bài nào cũng phải bật lên thành tác phẩm. Tôi có cảm nhận là người ta chưa hề làm thơ nhưng nhận được bài thơ, bài văn hợp với lý tưởng, đánh trúng vào những bức xúc, hợp với tâm tư của con người thì có thể bùng lên thành thơ.

Bài thơ anh ấy viết ra dưới dạng văn vần, những câu chưa thành thơ, anh ấy đưa cho một số người bạn ở các ngành khác và họ in roneo, mỗi người thêm bớt và sửa sang để nó thành bài cuối cùng như mọi người biết đến.

Bài “Gửi em” thực sự có lửa và nó nhanh chóng được mọi người trong tỉnh Hà Tuyên (nay là Hà Giang và Tuyên Quang) lúc bấy giờ thuộc lòng.

Ít lâu sau, vào một buổi sáng cơ quan điều tra đến làm việc với 7-8 anh em trong phòng chúng tôi. Người ta có hỏi là: “Các anh có biết sự kiện gì xảy ra trong tập thể anh không?”.

Lúc ấy tôi là Phó phòng Tiền tệ và lưu thông của ngân hàng, đại diện đứng ra trả lời đó là “sự kiện” bài thơ. Thậm chí vì hứng khởi, tôi còn đọc 4 câu thơ cuối mà tôi rất tâm đắc cho các anh công an nghe. Và họ tìm ra anh ấy, người sáng tác bài “Gửi em”.

Khi anh ấy bị bắt, ở khu tập thể ai cũng bất bình. Rõ ràng, bài thơ chỉ là hình thức phản ánh những hiện thực gần giống như bài MXNB thôi. Nhưng giai đoạn ấy, người ta nhận thức đó là việc “chống phá” thì anh ấy phải chịu oan ức như vậy.

49 ngày tạm giam, anh ấy còn làm thơ cho từng ngày và đó là cả quá trình anh nhìn nhận về cuộc đời, về giá trị của cuộc sống tự do...”.

Ông Tuấn vừa là cấp trên của vợ chồng tác giả bài thơ nhưng cũng là người họ hàng xa với họ. ấn tượng đáng nhớ nhất về người bạn kém may mắn của mình ùa về khiến ông Tuấn rưng rưng xúc động: "Khi anh ấy mới được tạm tha, không một ai biết tin cả. anh ấy vừa đi, vừa chạy bước thấp, bước cao như pha trộn niềm vui với sự cay đắng đến thẳng nhà một người họ hàng cách trại hơn 1 cây số.

Đúng lúc đó, tôi có mặt ở đấy và chúng tôi cùng nhau ăn cơm trưa. Anh ấy kể, những người được giao nhiệm vụ điều tra hàng ngày yêu cầu anh ấy làm thơ và anh ấy cũng đã viết những vần thơ về cuộc sống”.

Ông Tuấn kể: “Giữa năm 1986 tỉnh Hà Tuyên tổ chức Đại hội Văn học nghệ thuật. Những người trong hội đem bài thơ đến hỏi nhà văn Nguyên Ngọc, một vị khách được Đại hội mời dự.

Đọc xong bài thơ “Gửi em”, nhà văn Nguyên Ngọc thẳng thắn: “Thực ra, bài này cũng giống như bao nhiêu bài trong dân gian, người dân  tức cảnh mà làm thơ trước những hiện tượng, vấn đề trong xã hội mà thôi. Bài “Gửi em” rất bình thường và không hề có “mầu sắc chính trị” nào trong đó cả”.

Chúng tôi mong chờ ngày này đã 20 mươi năm

Cả 3 người đàn ông đang trò chuyện với chúng tôi đều bày tỏ: họ mong chờ có cuộc gặp mặt này từ rất lâu, như một điều gì đó làm thay đổi những bế tắc trong suy nghĩ của nhiều người.

Ông Hùng nêu lên thực tế: “Đến nay, ở đây nhiều người vẫn còn e ngại. Ví dụ mới đây thôi, tôi nói với mọi người trong khu tập thể, nơi trước đây gia đình anh ấy sinh sống: “Tối nay tôi gặp chị Xuân Khải, người sáng tác bài MXNB cách đây 20 năm đấy”.

Nếu như người ta mạnh dạn thì sẽ đi theo tôi rất đông nhưng họ e dè và chỉ nói với tôi: “anh đi xem chị như thế nào rồi về kể cho chúng tôi biết với nhé!”.

Hỏi những người bạn của tác giả bài thơ cảm xúc và suy nghĩ của họ như thế nào khi bài viết về gia đình chú ấy, góp phần minh oan cho người đã khuất được đăng trên báo?. 

Ông Lê Minh Hùng thẳng thắn. Tôi cho rằng đây là một trong những việc cần làm ngay và làm nhanh bởi vì đây là lúc đất nước ta đang nhìn lại thành tựu của 20 năm đổi mới”.

“Không phải riêng chú Hùng mà những người bạn của tôi trong câu lạc bộ hưu trí ở Hà Nội đều mong muốn làm sáng tỏ câu chuyện của anh ấy. Điều này không chỉ an ủi người đã khuất mà giúp ích cho chính người đang sống, những người bạn của anh ấy, như tôi có sự thanh thản”- Ông Nguyễn Thế Hồ bày tỏ.

Ông Phạm Ngọc Tuấn nói: “Ngay từ phút đầu tiên anh Hồ gọi điện thông báo về chuyến đi của chị Khải và báo Tiền phong, tôi rất hồi hộp.

Việc minh oan cho anh và viết về cuộc sống của gia đình họ sau biến cố là việc làm tốt và hợp lý, hợp tình.

Việc đăng báo không chỉ tốt cho gia đình anh ấy mà giúp cho các cấp chính quyền khi xử lý, xem xét một vấn đề gì, nhất là liên quan đến con người thì cần phải thận trọng”.

Kỳ I: Cuộc gặp bất ngờ sau 20 năm

Kỳ II: Nỗi sợ 20 năm

MỚI - NÓNG