Số phận gia đình người bị bắt vì hưởng ứng bài thơ của Xuân Khải - kỳ 2

Số phận gia đình người bị bắt vì hưởng ứng bài thơ của Xuân Khải - kỳ 2
TP - Những tố cáo tiêu cực của người đàn ông ấy và nhiều vấn đề trong bài thơ “Gửi em” là có thật nhưng thời ấy người ta đã cố ý lờ đi và thay vào đó gây sức ép khiến ông phải chuyển công tác.

>> Kỳ 1: Cuộc gặp bất ngờ sau 20 năm

Số phận gia đình người bị bắt vì hưởng ứng bài thơ của Xuân Khải - kỳ 2 ảnh 1
Mẹ con cô con gái cả trước ngôi nhà mới khánh thành

16 năm sau khi bài thơ ra đời, kẻ bị ông nhắc đến trong bài thơ đã phải lĩnh án 16 năm tù vì tội tham ô. Chồng mất sớm, vợ ông vốn ốm yếu đã phải gánh cả nỗi đau, sự vất vả và lo toan nuôi dạy các con trưởng thành.

Phía sau một “kết thúc có hậu”…

Sau bữa cơm tối, tôi và hai mẹ con người phụ nữ ấy ngồi lại với nhau. Bà bắt đầu lần giở lại chuyện đời mình.

“Bây giờ cô và các em đều có công việc ổn định. Cô vẫn làm ở cơ quan cũ và người bạn cùng phòng chồng cô lên làm giám đốc. Cô ấy rất tốt, tạo mọi điều kiện cho cô làm việc.

Với anh ấy, ân oán thế là xong. Bây giờ đứa nào cũng có công việc ổn định, với cô thế là một kết thúc có hậu rồi. Thằng con út mới nhận việc ở huyện Vị Xuyên (Hà Giang).

Khi cháu gọi điện báo lên thăm, nó cương quyết: “Mẹ và các chị đừng để chị ấy viết bài nhé. Con vừa đi làm và không muốn mọi người nhìn mình mà nói rằng: “Cậu ấy là con một người làm thơ chống tiêu cực đấy!”.

Khi tôi ngỏ ý muốn chụp ảnh với gia đình làm kỷ niệm, bà vội vàng xua tay: “Cô hiểu ý tốt và cám ơn sự chia sẻ của cháu với gia đình. Có thể lãnh đạo cơ quan cô, nơi 3 chị em làm việc hiện nay - là những người cùng thời với cô chú, họ biết chuyện và hiểu, cảm thông, giúp đỡ gia đình cô đến ngày hôm nay.

Nhưng phía sau bài báo thì sao? Phức tạp lắm cháu ơi!”. Lúc này, tôi thực sự hiểu rằng trong tâm khảm người phụ nữ này vẫn còn thường trực dư chấn của cú sốc cách đây 20 năm khi trong nhà, ngoài ngõ đầy công an, chồng bị còng tay trước mặt bà! Yên lặng.

Người đàn bà vội quay đi lén lau những giọt nước mắt bà cố nén nhưng vẫn trào trên má như sợ tôi và cô con gái đang ngồi kề bên trông thấy. Tôi bất chợt quay sang cô gái. Đôi mắt cô con gái cả luôn tỏ ra cứng rắn giống mẹ cũng đỏ hoe.

Những uẩn khúc và đắng cay của gia đình bà ào đến khiến tôi lúng túng chưa biết nên nói gì với mẹ con họ. Chuyện buồn quá khứ của gia đình bà làm cho không khí trong căn phòng trở nên căng thẳng, u buồn.

Gia đình ông có 8 anh chị em và cả 8 người đều được ông bà thân sinh cho học đại học. Ông là con thứ 4 nhưng lại là con trai trưởng và là cháu đích tôn của gia đình. Mặc dù theo học chuyên ngành kinh tế và làm việc tại ngân hàng nhưng ông lại rất yêu văn thơ và cũng hay viết lách.

Những kẻ luôn đố kị và bị ông lên tiếng chỉ trích trong bài thơ đã nhân cơ hội xúi bẩy, thêm mắm, thêm muối, đồn thổi để tìm cách vu cho ông cái tội làm phản.

Giọng cô gái trầm buồn: “Sau 49 ngày tạm giam, bố mình được thả tự do với quyết định miễn tố và bị xử phạt hành chính hạ một bậc lương. Nhưng khi bố mình trở lại làm việc, người ta luôn ép ông phải thừa nhận: “Ông viết bài thơ này với mục đích làm phản”.

Bố mình một mực từ chối và khẳng định rằng: “Trước cơ quan điều tra tôi đã không bao giờ thừa nhận thì bây giờ cũng vậy. Tôi chỉ nói những điều tôi trông thấy từ thực tế thôi”.

Không đạt được mục đích thâm độc, họ tìm mọi cách ép bố mình phải chuyển công tác”- Cô gái kể lại- “Với cách đối xử ấy của ông giám đốc cũ, bố mình luôn sống và làm việc trong trạng thái tâm lý hết sức nặng nề với nỗi niềm đau xót.

Cuối năm 1986, bố mình chuyển sang làm ở HTX mua bán của thị xã. Tại đây, bố mình đã cố gắng phấn đấu làm việc tốt, được mọi người tín nhiệm giao cho làm cửa hàng trưởng HTX mua bán.

Nhưng do cú sốc 49 ngày sống trong trại tạm giam, bố mình vẫn sống trong tâm trạng nặng nề nên sức khỏe ngày càng suy giảm. Mới ngoài 40 mà râu tóc bố đã bạc hết cả. Thấy không còn đủ sức khoẻ nữa, đến năm 1992, bố mình xin nghỉ theo chế độ mất sức”.

Với đồng lương hưu ít ỏi, bố mẹ mình mua máy vắt sổ về nhận hàng gia công cho các cơ sở may mặc. Tan tầm, mẹ lại tranh thủ ngồi bên chiếc máy thay cho bố đã cặm cụi cả ngày trong lúc chúng mình thay mẹ chuyện bếp núc.

Cơm tối xong, 2 chị em mình thay nhau đạp xe đưa hàng tới các điểm thu nhận. Có nhiều đêm 11 giờ rồi, cả thị xã vắng lặng và tối om, mình mới xong việc trở về nhà.

Công việc kéo dài cho đến năm 1996, bố mình lâm bệnh nặng và bị tai biến mạch máu não. Một năm sau, bố mình qua đời ở tuổi 50. Trước khi bố qua đời, bố còn trăng trối: “Kẻ tham ô, có tội sẽ bị trừng trị chứ không thể nhởn nhơ mãi được”.

Khi tôi báo tin sẽ tiếp tục viết và đăng loạt bài về gia đình cô gái, bà Phạm Thị Xuân Khải đã gửi bản fax từ Quy Nhơn (Bình Định). Bà Khải viết:

“Mẹ cô gái có gọi điện cho tôi- Bà dường như muốn quên đi chuyện cũ. Công cuộc đổi mới đã 20 năm nhưng không phải ở địa phương nào cũng có cơ hội thuận lợi để nói ra tất cả những oan trái vào lúc này.

Tuy vậy, tôi và báo Tiền phong vẫn muốn viết để làm được một điều gì đó cho gia đình bà.

Cần để những người trước đây và hiện nay hiểu rõ câu chuyện buồn đau, sự mất mát không gì bù đắp cho gia đình bà và từ đó để các cấp lãnh đạo ở địa phương tạo điều kiện tốt nhất cho gia đình, cho tương lai các con của người đàn ông quá cố”.

Và đúng 16 năm sau khi bài thơ ra đời, người mà bố mình tố cáo trong bài thơ đã bị bắt với tội danh tham ô và lĩnh án 16 năm tù. Khi người kia bị bắt, rất nhiều người trong cơ quan cũng như những người biết về bài thơ “Gửi em” đã nói: “Đó là cái giá phải trả với kẻ đã gây ra “sóng gió” cho ông. Ông ấy ở dưới suối vàng cũng mát dạ”.

Bỗng chốc, nét mặt cô gái trở nên tươi tỉnh, ánh mắt ánh lên niềm vui. Cô gái khẽ mỉm cười, kéo tôi lại gần kể cho tôi nghe câu chuyện cuối năm 2005.

“Hôm đó mình đến nhà một người bạn chơi đúng lúc tivi của tỉnh đang phát chương trình những bài thơ được phổ nhạc. Mẹ của người bạn ấy chép miệng: “Những bài này chưa hay bằng bài của một cậu ở phường Phan Thiết! Nhưng tiếc thay, cậu ấy lại chết trẻ quá!”.

Mình chột dạ nghĩ tới bài thơ của bố vội hỏi: “Bác nói đến bài thơ nào vậy?”- Người đó đọc luôn câu thơ đầu: “Anh ở trên này cũng nhiều mây…” mình vội thốt lên: “Người sáng tác bài thơ là bố cháu đấy” “Thế bố cháu bao nhiêu tuổi?” “Bố cháu sinh năm 1947 cơ chứ không phải là một “cậu” nào đó đâu”.

“Vậy mà bác cứ ngỡ đó là một thanh niên nào đấy!…”. Cũng lạ thật, thời gian đã 20 năm trôi qua mà không hề làm mờ đi ký ức của họ về một bài thơ, một số phận con người. Nó vẫn cứ mới mẻ như vừa mới đây thôi.

Người phụ nữ bệnh tật với gánh nặng gia đình

Khi chồng mất, mẹ cô gái lại càng gắng gượng hơn bao giờ hết để tiếp tục là chỗ dựa cho các con. 4 miệng ăn và chuyện học hành của các con chỉ trông chờ vào đồng lương của bà. Một kế hoạch thắt lưng, buộc bụng được bà đưa ra, đơn giản từ việc bà không bao giờ cho con tiền ăn sáng cả.

Nếu cơm nguội thừa từ đêm trước thì sáng dậy mấy chị em rang lên lót dạ. Nhưng phần lớn chị em cô gái nhịn ăn đi học. Thói quen đó đến giờ thường làm chị em cô quên bữa sáng.

Rồi bà lần lượt định hướng cho các con học nghề và xin việc làm cho từng đứa. Con gái cả tốt nghiệp chuyên ngành thuế vào làm ở Chi cục Thuế thị xã Tuyên Quang từ năm 1996. Hiện nay cô gái đang theo học năm thứ 3 ĐH Tài chính hệ tại chức.

Cô con gái thứ 2 đang công tác ở Cty Khai thác khoáng sản Baris (Tuyên Quang) và cả 2 vợ chồng cô được cơ quan tạo điều kiện theo học tại chức ở 2 trường ĐH Kinh tế Quốc dân và Tài chính. Cậu em út sinh năm 1984 mới được nhận công tác.

Cô gái cho biết: “Hầu hết những người lãnh đạo ở cơ quan của 3 chị em đều rất cảm thông với điều kiện của gia đình mình. Chú giám đốc Cty em gái mình công tác luôn động viên: “Cháu đừng tự ti và lo nghĩ nhiều như vậy mà thay vào đó phải tự hào vì có người bố dũng cảm như thế mới đúng!”.

Lo việc cho con xong, bà mẹ lại tính chuyện nhà cửa. “Mới năm ngoái, một tay mẹ xây dựng cơ ngơi cho vợ chồng mình khi mình đang theo học ở Hà Nội”- Cô gái tự hào khi kể về mẹ.

“Thấy vợ chồng mình ở trong căn nhà tạm mấy năm trời, mẹ không đành lòng. Mẹ quyết định xây nhà khi 2 đứa không có lấy một đồng trong tay. Cô mình ở Hà Nội hứa cho vay tiền xây nhà nhưng đúng đêm trước khi đào móng, cô gọi điện lên nói rằng phải dồn tiền mua nhà.

Mẹ vẫn quyết định khởi công. Mình trở về mà không dám tin vào mắt mình nữa. Đêm đầu tiên được ngủ trong nhà mới mà sáng dậy mình cứ ngỡ như một giấc mơ”.

Cô gái xúc động dẫn tôi đi xem từng căn phòng trong ngôi nhà mới 2 tầng trên diện tích 60m2 ngay gần bệnh viện tỉnh. Với đồng lương cuả mình, mẹ cô lại tiếp tục thắt lưng, buộc bụng để trả tiền lãi hàng tháng cho vợ chồng cô.

Trước khi tôi rời Tuyên Quang, bà chào tạm biệt tôi bằng lời tâm sự như nói với lòng mình: “Mình còn lo được cho con cháu bao nhiêu thì sẽ còn gắng sức. Còn một năm nữa cô về hưu. Cô sẽ sống cuộc sống điền viên trên mảnh đất vợ chồng, con cái cô đã sinh sống”.

Người phụ nữ khắc khổ ấy bao năm vẫn sớm tối lặng lẽ một mình khi các con đã lớn khôn và ổn định cuộc sống riêng của từng đứa. Bà bị bệnh tim bẩm sinh mà ông bác sỹ đã từng nói phải có sự kỳ diệu mới giúp bà sống sót qua 3 kỳ sinh nở, đối mặt với những biến cố, phức tạp trong cuộc đời.

Bà luôn tỏ ra rắn rỏi và giấu nước mắt vào tim nhưng tôi đoán chắc rằng, những cái gối trong buồng kia sẽ mặn chát bởi những giọt nước mắt nín lặng rơi hàng đêm...

Kỳ 3: Chuyện của những người trong cuộc

MỚI - NÓNG
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến (bên phải) trao Quyết định cho bà Nguyễn Vũ Bích HIền.
Thành ủy Hà Nội trao quyết định về công tác cán bộ
TPO - Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quyết định chuẩn y bà Nguyễn Vũ Bích Hiền (SN 1975), Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, tham gia Ban Thường vụ, giữ chức vụ Phó Bí thư Đảng uỷ Khối các trường Đại học, Cao đẳng Hà Nội, nhiệm kỳ 2020 - 2025.