Tuy nhiên, có một thực tế, không phải ai cũng có sẵn tiền để mua “nơi yên nghỉ cuối cùng” khi nhắm mắt xuôi tay.
Để có nơi an nghỉ ưng ý, các đại gia, quan chức bỏ ra vài trăm triệu đồng chỉ để nhờ thầy “phán” chỗ đất tốt xây mộ. Mộ tốt là phù hộ cho người sống hanh thông mọi nhẽ. Có lẽ khi họ vung tiền đầu tư đất phần âm, họ chả phải phân vân, áy náy khi xung quanh mình còn rất nhiều người nghèo. Nhiều trường học còn dột nát. Nhiều trẻ em đến trường không có nổi một mảnh áo lành.
Người viết bài này từng chứng kiến một người bạn phải khốn khổ thế nào khi không xây được mộ cho ông, bà. Anh đi làm ăn xa nhưng lúc nào cũng đau đáu một chuyện: mộ ông bà vẫn chỉ là hai nắm đất nằm song song nhau giữa một thành phố cõi âm sầm uất. Anh kể, sinh thời được ông bà thương yêu hết mực, có gì cũng để dành. Vì thế, mỗi lần về quê thắp hương, nhìn mộ ông bà, anh không cầm được nước mắt.
Việc con cháu lo mồ mả cho ông bà, cha mẹ là đạo lý từ ngàn đời nay của người Việt. Có nhiều người dù đi làm ăn xa, nhưng lòng vẫn không yên khi mồ mả ông bà, cha mẹ chưa được khang trang. Hằng năm vào tiết thanh minh, cháu con lại tụ về thăm nom chăm sóc phần mộ. Hiếu nghĩa, thảo thơm vốn ngàn xưa không nệ quy mô lăng mộ.
Một nghĩa trang Hoàn Vũ, Vĩnh Hằng, tinh tươm như những công viên, để khi đến đó, những người đang sống thả hồn mình vào những hoài niệm, ký ức, những điều tốt đẹp. Nên lắm chứ! Tôi bỗng nhớ câu thơ của Trần Đăng Khoa trong bài “Ở nghĩa trang Văn Điển” rằng: Ôi thiên nhiên cám ơn người nhân hậu/ Những so le người kéo lại cho bằng/ Ít nhất cũng là khi nằm xuống/ Trong mảnh gỗ rừng dưới một vầng trăng…
Thấm thía thay!