Sở hữu chéo Ngân hàng mê hồn trận

Sở hữu chéo Ngân hàng mê hồn trận
TP - Trong các mối quan hệ sở hữu chéo, sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng ngân hàng bị giới học giả phê phán nhiều hơn cả.

> Cổ phiếu ngân hàng: Giảm lãi, 'rớt' nhà đầu tư
> Dòng tiền có trở lại?

Bên cạnh lý do về cấu kết ngầm, sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng ngân hàng tạo ra rủi ro hệ thống do đặc thù của lĩnh vực này. Số này, trang TCNH Tiền Phong trích đăng bài viết của TS.Đinh Tuấn Minh tại Diễn đàn kinh tế mùa thu 2013 cùng chủ đề.

Mầm mống nợ xấu

Có thể phân sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng thành hai loại: sở hữu giữa doanh nghiệp và ngân hàng, theo đó doanh nghiệp sở hữu cổ phần của ngân hàng hoặc ngân hàng sở hữu cổ phần của doanh nghiệp; và các ngân hàng nắm cổ phần của nhau…

Hệ quả của sở hữu chéo giữa doanh nghiệp và ngân hàng là nguy cơ tạo ra các khoản vay thiếu cẩn trọng và việc sử dụng vốn kém hiệu quả từ phía doanh nghiệp. Đây là mầm mống dẫn đến các khoản nợ xấu lớn và thường được che đậy trong hệ thống ngân hàng.

 “Tại Việt Nam, tình trạng sở hữu chéo trong hệ thống tín dụng ngân hàng đã ở mức báo động. Các mối quan hệ sở hữu chéo được hình thành chằng chịt giữa các ngân hàng thương mại nhà nước (NHTMNN), ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), NHTM nước ngoài (NHTMNNg), các quĩ tài chính, doanh nghiệp nhà nước (DNNN), và doanh nghiệp tư nhân”  

TS.Đinh Tuấn Minh

Lo lắng lớn nhất về tác hại của sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng là rủi ro đổ vỡ hệ thống tài chính.Trong các mối quan hệ sở hữu chéo thông thường giữa các doanh nghiêp với nhau, nếu có đổ vỡ thì chỉ có một vài doanh nghiệp liên quan bị liên luy. Do các ngân hàng và tổ chức tín dụng là các trung gian tài chính, hoạt động của chúng bị ràng buộc bởi tỷ lệ an toàn vốn.

Khi các đối tác có quan hệ sở hữu chéo với các tổ chức tín dụng bị thua lỗ, giá cổ phiếu sụt giảm hoặc phá sản sẽ khiến cho các tổ chức tín dụng này không đáp ứng được tỷ lệ an toàn vốn. Điều này dẫn đến giảm năng lực tín dụng và có thể khiến cho các tổ chức tín dụng đó rơi vào tình trạng mất thanh khoản.

Một khi điều này xảy ra, chúng sẽ kéo theo một loạt các tổ chức tín dụng khác bị đóng băng thanh khoản do các tổ chức tín dụng đều có mối quan hệ tín dụng với nhau qua hệ thống liên ngân hàng.

Các nghiên cứu của Laeven (1999) về vai trò của cấu trúc sở hữu đối với hành vi tín dụng rủi ro tại các ngân hàng Đông Á và của Scher (2001) và Gilo (2007) về sở hữu chéo tại Nhật Bản chỉ ra rằng sở hữu chéo là một nguyên nhân quan trọng dẫn đến nợ xấu mang tính hệ thống và đổ vỡ hệ thống tài chính tại các quốc gia châu Á và châu Mỹ la tinh trong vài thập kỷ gần đây.

Còn nghiên cứu của Donnato và Tiscini (2009) về sở hữu chéo giữa ngân hàng và doanh nghiệp tại Ý cho thấy mối quan hệ này khiến cho doanh nghiệp phải chịu chi phí về lãi vay cao hơn so với trường hợp không tham gia vào sở hữu chéo chứ không phải theo chiều ngược lại.

Báo động chằng chịt

Trên cơ sở phân chia sở hữu chéo thành hai nhóm giữa doanh nghiệp với tổ chức tín dụng và giữa các tổ chức tín dụng với nhau, ta có thể chia thành các nhóm nhỏ sau:

Về sở hữu của các NHTM Nhà nước và NHTM Nhà nước tại các ngân hàng liên doanh, hiện có 6 ngân hàng liên doanh trong hệ thống các TCTD của Việt Nam. Chẳng hạn ngân hàng Việt Thái là ngân hàng liên doanh giữa 3 đối tác lớn – NHNo&PTNT, NHTM Siam của Thái Lan và Tập đoàn Charoen Pokphand (CP) của Thái Lan với tỷ lệ vốn góp tương ứng là 34%, 33% và 33%; NH Việt Nga là liên doanh giữa BIDV và Ngân hàng VTB với mức góp vốn điều lệ ngang nhau.

Bên cạnh, một hình thức sở hữu khác là cổ đông chiến lược nước ngoài tại các NHTM, cả nhà nước lẫn cổ phần. Đến thời điểm cuối 2011, có khoảng 10 NHTM có đối tác chiến lược là các tập đoàn tài chính nước ngoài. Hình thức nữa là cổ đông tại các NHTM là các công ty quản lý quĩ: Từ 2005 trở lại đây, các quĩ quản lý vốn bắt đầu xuất hiện nhiều ở Việt Nam. Các quỹ này thường đầu tư vốn vào những NHTMCP có tiềm năng phát triển tốt. Chẳng hạn, Vinacapital đầu tư vốn vào Sacombank, VOF đầu tư vào Eximbank, quỹ Dragon đầu tư vào ACB ..

Còn sở hữu của các NHTMNN tại các NHTMCP: Đến thời điểm cuối 2011, có 8 NHTMCP có quan hệ cổ phần với 4 NHTMNN như Vietcombank, hiện đang sở hữu 11% tại NH Quân Đội, 8,2% tại Eximbank, 4,7% tại NH Phương đông, 5,3% tại NH Sài Gòn. Bên cạnh là sở hữu lẫn nhau giữa các NHTMCP: Từ những thông tin công bố của các ngân hàng, hiện có ít nhất 6 NHTMCP có cổ đông là một NHTMCP khác. Chẳng hạn, Eximbank hiện sở hữu 10,6% cổ phần tại Sacombank, 8,5% cổ phần tại NH Việt Á.

Ngoài ra, việc sở hữu NHTMCP còn bởi các tập đoàn, tổng công ty nhà nước và tư nhân: Đến thời điểm cuối 2011 có khoảng gần 40 các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân có sở hữu trên 5% tại các NHTMCP. Hơn nữa hầu hết các tập đoàn nhà nước đều có các công ty tài chính. Mối quan hệ giữa NHTMCP với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức tạp. Nhiều ngân hàng có thể được sở hữu bởi rất nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình vốn đồng thời lãnh đạo ở các doanh nghiệp khác.

Cuối cùng là Ngân hàng sở hữu các công ty chứng khoán, đầu tư tài chính, bảo hiểm, bất động sản. Thông tin thu thập từ 4 NHTMNN và 8 NHTMCP lớn nhất cho thấy 11/12 ngân hàng có công ty chứng khoán là công ty con hoặc công ty liên kết, 8/12 ngân hàng có công ty quản lý quỹ, đầu tư tài chính, 9/12 ngân hàng có công ty con hoặc công ty liên kết đầu tư BĐS, và 5/12 ngân hàng có vốn góp tại các công ty bảo hiểm.

Tít bài do toà soạn đặt.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG